Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nghệ thuật công cộng kiến tạo điểm đến du lịch: Kết nối các không gian sáng tạo

Bảo Khánh| 20/03/2022 06:16

(HNMCT) - Không thể phủ nhận mối quan hệ gắn kết, tương hỗ giữa nghệ thuật công cộng và điểm đến du lịch, nhất là trong giai đoạn hiện nay, khi nhu cầu, trình độ thưởng thức nghệ thuật và trải nghiệm trong chuyến du lịch của du khách ngày càng được nâng cao. Dưới đây là một số ý kiến về chủ đề này.

Thạc sĩ, họa sĩ Nguyễn Thế Sơn, giảng viên khoa Hội họa, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam:

Với một thành phố giàu yếu tố văn hóa lịch sử cũng như những công trình và không gian cảnh quan sẵn có như Hà Nội, việc kết hợp triển khai các dự án nghệ thuật công cộng để đánh thức tiềm năng của thành phố cũng như sự tự hào của cộng đồng dân cư là một hướng đi cần thiết.

Từ kinh nghiệm triển khai các dự án nghệ thuật công cộng trên địa bàn quận Hoàn Kiếm những năm qua, tôi đề xuất kết nối các dự án nghệ thuật công cộng và những không gian nghệ thuật đương đại mới thành một bản đồ khám phá nghệ thuật trong thành phố, tạo sản phẩm du lịch khám phá văn hóa cho du khách quốc tế cũng như trong nước. Điều này không chỉ nhằm thu hút khách du lịch mà còn giúp nâng cao trình độ thẩm mỹ của người dân cũng như nâng cao nhận thức về giá trị cảnh quan, giá trị nghệ thuật đối với mỗi không gian trong thành phố. 

Gần đây, sự vận động mạnh mẽ của các không gian nghệ thuật tư nhân như VCCA, Flamingo Đại Lải… giúp đời sống nghệ thuật và văn hóa của Hà Nội trở nên sôi động hơn. Ngoài ra, không gian nghệ thuật đương đại trong đường hầm Nhà Quốc hội cũng là một địa điểm có thể kết nối với bản đồ nghệ thuật nhằm làm tăng chất lượng trải nghiệm, khám phá nghệ thuật cho du khách. Bên cạnh đó, một số dự án và không gian sáng tạo khác có thể bổ sung, làm giàu thêm sức hấp dẫn cho thành phố. 

Ngoài việc in bản đồ, tờ rơi quảng bá về các không gian nghệ thuật trong thành phố, cần xây dựng những phần mềm trên điện thoại và phổ biến rộng rãi với nhiều hình thức quảng bá du lịch khác. Cũng cần sớm tính tới việc tổ chức các “biennale” (triển lãm nghệ thuật định kỳ) có quy mô quốc tế như mô hình các thành phố Đông Nam Á khác đã từng thực hiện rất thành công. Hà Nội trong cam kết trở thành một thành phố trong chuỗi các thành phố sáng tạo trên thế giới sẽ cần một cú hích để xây dựng một chiến lược đồng bộ cho việc thúc đẩy các không gian văn hóa sáng tạo mà ở đó nghệ thuật công cộng giữ vai trò kết nối. 

Các không gian, dự án nghệ thuật công cộng và các không gian sáng tạo trong thành phố sẽ trở thành chuỗi liên kết giá trị thu hút du khách và những cá nhân, tổ chức sáng tạo, tạo nên hiệu quả phát triển văn hóa, giáo dục và là một hướng mới trong gia tăng phát triển kinh tế.

Thạc sĩ, nhà thiết kế Lưu Việt Thắng, Phó Trưởng khoa phụ trách khoa Trang trí nội ngoại thất, Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp:

Ở Việt Nam, nghệ thuật công cộng mới được nhìn nhận và quan tâm vài năm trở lại đây, chưa đáp ứng đúng và đủ nhu cầu của cư dân đô thị, không phát huy được vai trò kết nối không gian kiến trúc, tạo thành điểm đến thu hút khách du lịch.

Một trong những nguyên nhân của thực trạng này là do chưa có bản đồ nghệ thuật công cộng để có thể quy hoạch các tác phẩm sao cho hợp lý và phù hợp với kiến trúc đô thị. Bản đồ nghệ thuật công cộng là hệ thống tác phẩm nghệ thuật độc lập được tạo ra hoặc dàn dựng trong khu vực công cộng (ví dụ: graffiti, nghệ thuật đường phố…) được quy hoạch có hệ thống, thể hiện tính thẩm mỹ rõ ràng trong hình thức và chủ đề. Việc tạo ra bản đồ nghệ thuật công cộng để quy hoạch các tác phẩm sao cho phù hợp với kiến trúc đô thị sẽ nâng cao giá trị nghệ thuật, thêm vào đó, đẩy mạnh một trong những lĩnh vực du lịch mới mà Việt Nam đang khai thác, đó là du lịch khám phá nghệ thuật. Đây là một mảng tiềm năng, hứa hẹn có sức hút đặc biệt đối với du khách mong muốn mở rộng nhân sinh quan qua những tác phẩm nghệ thuật tại điểm đến chứ không phải chỉ nghỉ dưỡng đơn thuần. 

Với bản đồ nghệ thuật công cộng, du khách sẽ có cái nhìn tổng quan về điểm đến du lịch trước khi quyết định chuyến đi của mình. Hơn nữa, bản đồ nghệ thuật công cộng sẽ hỗ trợ xây dựng sản phẩm du lịch kết hợp văn hóa. Ví dụ, các công ty du lịch có thể dựa vào bản đồ nghệ thuật công cộng để tạo ra các tour du lịch văn hóa, tâm linh thuận tuyến đường, phù hợp nhất cho khách du lịch.  

Với tình hình hiện tại của du lịch Việt Nam, sau đại dịch sẽ là thời điểm thuận lợi để phát triển. Vì thế, quy hoạch lại các khu du lịch, ra mắt bản đồ nghệ thuật công cộng thì sẽ kịp thời nắm bắt thời cơ, từ đó thúc đẩy mạnh mẽ ngành Du lịch sau thời kỳ “ngủ đông” do dịch Covid-19.

Tiến sĩ Nguyễn Thu Thủy, giảng viên khoa Du lịch học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội):

Để các dự án nghệ thuật công cộng tham gia vào quá trình xây dựng thương hiệu điểm đến du lịch, cần sự bắt tay chặt chẽ hơn nữa của cả ngành Văn hóa và Du lịch cũng như sự hậu thuẫn của chính quyền địa phương và sự tham gia của các nghệ sĩ trong nước, quốc tế.

Một là, cần sớm xây dựng và ban hành quy chế về không gian cho nghệ thuật công cộng. Một công trình dù là của Nhà nước hay tư nhân thì trước khi được cấp phép xây dựng cần tuân thủ quy định về diện tích cho không gian công cộng hoặc một tỷ lệ nhất định về vốn đầu tư. Có quy chế thì nền tảng cho nghệ thuật công cộng sẽ dễ dàng được kiểm soát ngay từ đầu. Đồng thời, chúng ta cần xây dựng quy chế bảo vệ, bảo dưỡng tác phẩm nghệ thuật để duy trì độ bền đẹp của các công trình, tác phẩm nghệ thuật công cộng.  

Hai là, dự án nghệ thuật công cộng nhất thiết phải có giám tuyển là người xây dựng ý tưởng, lựa chọn loại hình, tính toán không gian, chọn chất liệu sử dụng và mời đúng nghệ sĩ có khả năng thực thi hạng mục. Cùng với giám tuyển, cần có Hội đồng nghệ thuật độc lập để đánh giá toàn bộ công trình, dự án từ khi còn là ý tưởng đến khi hoàn tất. 

Ba là, ngành Du lịch cần có sự liên kết, hợp tác với ngành Văn hóa để nghiên cứu và chủ động đề xuất một số vị trí cần xây dựng tác phẩm nghệ thuật công cộng với mục đích tạo điều kiện thuận lợi cho việc kết nối tuyến du lịch. Chẳng hạn, cần có các tác phẩm nghệ thuật công cộng khai thác giá trị truyền thống tại các làng nghề; xây dựng các chương trình du lịch kết nối các dự án nghệ thuật công cộng như tour đi bộ nghệ thuật (ban ngày và ban đêm), khai thác các bộ sưu tập tại các bảo tàng nhà nước và tư nhân; xây dựng các chương trình du lịch nghệ thuật, du lịch sáng tạo để du khách không chỉ chiêm ngưỡng mà còn trải nghiệm và học hỏi kỹ thuật nghề từ nghệ nhân, nghệ sĩ… 

Bốn là, phát huy vai trò của các cơ quan truyền thông đại chúng trong việc quảng bá, giới thiệu hình ảnh điểm đến du lịch gắn với nghệ thuật công cộng, áp dụng thành tựu công nghệ để xây dựng bản đồ du lịch trực tuyến cho các tác phẩm nghệ thuật, đưa nghệ thuật trở thành một trong những yếu tố quan trọng cho sự lựa chọn của du khách.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghệ thuật công cộng kiến tạo điểm đến du lịch: Kết nối các không gian sáng tạo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.