Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nghệ sĩ ưu tú Trần Ly Ly: Nghệ thuật biểu diễn sẽ trở thành ngành mũi nhọn trong công nghiệp văn hóa

Mai Đình| 18/06/2022 14:43

(HNMCT) - Các chương trình nghệ thuật biểu diễn mang trong mình sứ mệnh quảng bá văn hóa. Để hiểu hơn về vấn đề này, sau sự kiện SEA Games 31, Hànộimới Cuối tuần đã phỏng vấn Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Trần Ly Ly, Tổng đạo diễn chương trình khai mạc, bế mạc của sự kiện thể thao này.

- Thưa NSƯT Trần Ly Ly, điều mà chị nghĩ đến đầu tiên khi được giao nhiệm vụ Tổng đạo diễn chương trình nghệ thuật khai mạc SEA Games 31 là gì?

- Tổng đạo diễn có nghĩa là phải làm rất nhiều việc. Đầu tiên là nội dung nghệ thuật bởi đây là chương trình chính trị - văn hóa, được Đảng và Nhà nước giao cho, vì thế nó mang tầm vóc lớn, không những của quốc gia mà còn mang tầm khu vực, quốc tế. Nội dung chương trình phải có sự thống nhất với mô hình. Mô hình lớn cỡ nào thì phải huy động lực lượng sản xuất ngang tầm như thế, và ngược lại, nội dung cũng phải có sự tương ứng với mô hình. Mô hình, tầm vóc và mục tiêu là 3 yếu tố quyết định để tôi xây dựng kịch bản tương ứng cho chương trình khai mạc, bế mạc sự kiện thể thao này.

- Chắc hẳn chị và ê kíp phải lựa chọn rất nhiều yếu tố để đi đến quyết định cuối cùng về mặt nội dung kịch bản?

- Đó là việc chọn lựa yếu tố văn hóa Việt Nam trên tinh thần hội nhập, và văn hóa Đông Nam Á. Thông qua thể thao, văn hóa, chúng ta tạo ra những mối quan hệ khác, sự liên kết, phát triển văn hóa, chính trị, xã hội. Vì thế, SEA Games 31 phải thể hiện được vị trí, vai trò, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế và trong lòng văn hóa Đông Nam Á. Đó là tư duy của chúng tôi khi sáng tạo kịch bản khai mạc và bế mạc SEA Games 31.

Kịch bản ấy rõ sự hiện diện của văn hóa Việt Nam nhưng rất hiện đại, văn minh, trong đó có sự hội nhập về khoa học kỹ thuật thế giới trong nội tại văn hóa Đông Nam Á. Ví dụ, phần nghi lễ phải đảm bảo tính quốc tế. Văn hóa Việt Nam cũng như văn hóa Đông Nam Á đều được hiện diện. Hình ảnh cây lúa chính là hình ảnh chung của Đông Nam Á, như một biểu tượng “mình trong lòng mọi người”. Hình ảnh cây tre biểu tượng cho tinh thần đoàn kết, dẻo dai, vững chãi, trường tồn từ ngàn năm trước, từ Phù Đổng - Thánh Gióng, từ quá khứ chống giặc ngoại xâm đến lũy tre làng bình yên, hình ảnh người quân tử... Hay như hoa sen là biểu tượng vừa bao dung, vừa thanh khiết. Như vậy, tinh thần của thể thao cũng cần sự trong sáng, vượt lên trên tất cả khó khăn. Và tinh thần chung của 11 quốc gia được thể hiện bằng tranh Đông Hồ. Đó là màn phối hợp kỹ thuật ánh sáng mới để người xem truyền hình có thể thấy biểu tượng đặc trưng của mỗi quốc gia Đông Nam Á.

Tôi nghĩ rằng đây là ý tưởng ấn tượng, được nghiên cứu một cách cẩn trọng. Bên cạnh đó, những con đường của Việt Nam được mở ra với hình ảnh người phụ nữ Việt với nón lá, áo dài. Mặc dù có rất nhiều ý kiến cho rằng không nên lấy lại hình ảnh nón lá, áo dài nhưng tôi nghĩ rằng, đã là biểu tượng tinh thần thì không thể thay đổi được, và cũng không cần thiết phải thay đổi. Bởi thế, du khách thế giới biết tà áo dài gắn với người phụ nữ Việt Nam tần tảo, dịu dàng và thân thiện...

- Những biểu tượng đã đi vào tiềm thức của mỗi người dân Việt Nam cũng có thể được làm mới?

- Đúng vậy! Đó là những biểu tượng xuyên suốt chiều dài lịch sử dân tộc, còn cách sử dụng như thế nào thì chúng ta phải tính. Cây tre không chỉ biểu hiện ý chí quật cường trong chống giặc ngoại xâm, mà còn là hình ảnh gần gũi, đầy tình cảm. Vì thế chúng tôi mới đưa hình ảnh thổi sáo trên ngọn tre và những cánh cò trắng bay. Điều ấy gợi sự bình yên, bao bọc và mang đến hình ảnh một đất nước thân thiện, yêu thương sau tất cả những thăng trầm. 

- Khi xem lại chương trình khai mạc và bế mạc SEA Games 31, cảm giác của chị thế nào?

- Có hai phần việc: Một là đảm bảo phần lễ, thứ hai là đảm bảo 3 chương phần nghệ thuật (Việt Nam thân thiện, Đông Nam Á mạnh mẽ, Đông Nam Á tỏa sáng). Tôi nghĩ rằng đó là một kịch bản hợp lý nhất. Chương trình đã được duyệt rất kỹ, kịch bản đó khiến tôi hài lòng. Nó trọn vẹn, không dài, không ngắn, không thiếu, không thừa. Tôi hiểu rằng trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật thì mọi thứ là vô cùng, có thể hài lòng với người này nhưng lại không trọn vẹn với người kia. Nhưng với vai trò của một tổng đạo diễn, tôi thấy như thế là vừa đủ cho một chương trình khai mạc Đại hội thể thao Đông Nam Á bởi quá dài cũng không tốt và quá ngắn cũng không nên.

- Khi đưa ra kịch bản những chương trình nghệ thuật biểu diễn có ý nghĩa văn hóa, chính trị và sức lan tỏa sâu rộng đến công chúng trong và ngoài nước, những người thực hiện hẳn đã học hỏi kinh nghiệm tổ chức của nước ngoài?

- Thực ra, tinh thần của những sự kiện này là đại cảnh lớn, không phải là sân khấu trình diễn nhỏ. Ngoài việc sử dụng các công nghệ, kỹ thuật tiên tiến như công nghệ Mapping, công nghệ thực tế ảo tăng cường AR, thực tế mở rộng XR... thì tôi phải xác định ngay từ đầu: Đây là một chương trình nghệ thuật lớn, với tinh thần của đại cảnh, của mảng miếng. Đây cũng là điều tôi đã được học tập trong quá trình làm việc và học hỏi từ các nước bạn.

- Tổng đạo diễn chương trình nghệ thuật khai mạc và bế mạc SEA Games 31 cũng là một thử thách với chị khi đảm nhận công việc mới, nhiệm vụ mới tại Cục Nghệ thuật Biểu diễn?

- Thực ra khi nhận nhiệm vụ, tôi vừa xúc động nhưng cũng hiểu được rằng đây là trách nhiệm vô cùng lớn. Đó là một mô hình chưa thực hiện, với 8.000m2, với 1.000 người cùng những đại cảnh, phần lễ phải đảm bảo tính quốc tế... Đây là thách thức vô cùng lớn khi tôi đảm nhận nhiệm vụ mới tại Cục Nghệ thuật Biểu diễn. Nhưng tôi có một quan điểm rằng: Nghệ thuật biểu diễn của Việt Nam sẽ trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn trong công nghiệp văn hóa và trong chiến lược phát triển văn hóa của nước ta. Tôi hoàn toàn tin rằng chúng ta có thể làm được. Chúng ta phải tạo ra nguồn lực về kinh tế, tạo ra sức hút về văn hóa, chính trị, xã hội đối với các nước trong khu vực.

- Để tạo đòn bẩy cho công nghiệp văn hóa, lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn cần có sự chuẩn bị như thế nào?

- Để tạo đòn bẩy cho công nghiệp văn hóa, cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Đó là chiến lược chung. Vừa rồi chúng ta tổ chức Hội nghị văn hóa toàn quốc, Tổng Bí thư đã khẳng định văn hóa chính là hồn cốt của dân tộc, là những gì tinh túy nhất, hun đúc thành những giá trị tốt đẹp từ bao đời nay. Chúng ta phải tạo ra một hệ sinh thái của ngành công nghiệp văn hóa mà trong đó các lĩnh vực đều quan trọng, tạo nên sức bật lớn đối với phát triển văn hóa trong thời kỳ mới. Việc quảng bá thông qua nghệ thuật, văn hóa là vô cùng quan trọng.

- Trân trọng cảm ơn NSƯT Trần Ly Ly!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghệ sĩ ưu tú Trần Ly Ly: Nghệ thuật biểu diễn sẽ trở thành ngành mũi nhọn trong công nghiệp văn hóa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.