(HNMCT) - Cùng với tốc độ phát triển rầm rộ của công nghệ kỹ thuật số trong nhiều lĩnh vực, những năm gần đây, sân khấu biểu diễn ở nhiều nước cũng có những thay đổi mang tính bước ngoặt nhờ áp dụng thành quả Cách mạng công nghiệp 4.0. Việc sử dụng màn hình led khổ lớn, kỹ thuật trình chiếu 3D, âm thanh, ánh sáng kỹ thuật số đã mang lại hiệu ứng ấn tượng cho các buổi biểu diễn.
Trong bài viết với chủ đề “Công nghệ đã thay đổi sân khấu biểu diễn như thế nào” đăng trên tạp chí Interesting Engineering, chuyên gia công nghệ hàng đầu của Anh Christopher McFadden cho rằng, công nghệ đã thay đổi sân khấu theo đúng nghĩa đen, từ các buổi biểu diễn trong nhà thờ cho đến hệ thống nhà hát chuyên nghiệp như Broadway. Ngày nay, các nhà thiết kế sân khấu và sinh viên tốt nghiệp ngành sân khấu không chỉ học các nguyên tắc cơ bản của bố cục sân khấu, diễn xuất và đạo diễn mà còn phải sử dụng thành thạo công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm cuối cùng khi ra mắt công chúng.
Ứng dụng 3D là một ví dụ về việc công nghệ đang làm rung chuyển ngành thiết kế dàn dựng và các buổi biểu diễn sân khấu. Các thiết kế sân khấu và đạo cụ được tạo ra bằng công nghệ này giúp tiết kiệm cả về thời gian và chi phí. Hiểu một cách đơn giản, thiết kế sân khấu 3D là sự pha trộn giữa hình ảnh thật và hình ảnh ảo, kết hợp một số cảnh thật với không gian xung quanh bằng công nghệ trình chiếu hình ảnh, ánh sáng dựa trên kỹ thuật số.
Ngay từ năm 1999, Owen Collins, Phó Giáo sư tại khoa Sân khấu - Đại học Washington and Lee (Mỹ) đã lần đầu tiên giới thiệu về công nghệ này. Nhưng phải đến gần đây, nhờ sự phát triển ồ ạt của các ứng dụng kỹ thuật số, chi phí áp dụng công nghệ 3D mới phù hợp để trở thành lựa chọn khả thi cho thiết kế sân khấu biểu diễn.
Theo ông John Lee Beatty, nhà thiết kế sân khấu nổi tiếng người Mỹ, công nghệ 3D đang giúp ngành công nghiệp biểu diễn theo những cách chưa từng có. Khoảng 30 năm trước, hầu hết khung cảnh trên sân khấu đều được dựng một cách thủ công bằng bìa hoặc xốp. Tuy nhiên, với công nghệ trình chiếu 3D hiện nay, mọi việc trở nên quá dễ dàng. Sự ra đời của các ứng dụng công nghệ vừa giúp các nhà thiết kế tiết kiệm thời gian, vừa mang lại hiệu ứng biểu diễn cao. Khán giả có thể chìm đắm trong một khung cảnh như thật nhờ hiệu ứng hình ảnh, ánh sáng phát ra chỉ từ 1 chiếc máy.
Việc áp dụng các sản phẩm đa phương tiện cũng mang lại lợi ích cao cho sân khấu biểu diễn khi có thể kết hợp giữa cảnh quay trực tiếp và ghi trước để mang đến những chương trình hấp dẫn. Vở kịch “And Then They Came For Me: Remember the World of Anne Frank” được chiếu gần đây tại Nhà hát Trung tâm thành phố Jersey (Mỹ) có sự kết hợp giữa các cuộc phỏng vấn những người sống sót sau thảm họa thời Đức quốc xã - được ghi hình trước - với các diễn viên trực tiếp trên sân khấu, mang lại cảm xúc khó quên cho khán giả về những năm tháng đau thương trong chiến tranh thế giới lần thứ II.
Không chỉ hình ảnh, ánh sáng, thiết kế âm thanh cũng đã tiến một bước dài nhờ công nghệ kỹ thuật số. Chuyên gia thiết kế âm thanh người Mỹ Victoria Deiorio cho biết: “Thiết kế âm thanh tập trung vào quá trình dẫn dắt cảm xúc của khán giả trong từng thời điểm của vở kịch. Trong quá khứ, để tạo ra hiệu ứng âm thanh thì cần khá nhiều thời gian. Ngày nay, các đạo diễn và nhóm sản xuất chỉ cần tra cứu hiệu ứng âm thanh có sẵn và tải chúng xuống sau vài cú nhấp chuột".
Nhà báo Anh chuyên viết về sân khấu Catherine Love cho biết: “Công nghệ đã có ảnh hưởng đến rạp hát trong nhiều thập niên, nhưng chưa bao giờ việc đưa công nghệ vào tác phẩm lại dễ dàng như hiện nay. Ngay cả các buổi biểu diễn của sinh viên cũng có thể sử dụng nhiều ứng dụng trình chiếu kỹ thuật phức tạp. Nhờ sự ra đời của công nghệ số, giới đạo diễn sân khấu có cảm hứng làm việc gần như vô tận. Tôi rất muốn biết bộ mặt sân khấu biểu diễn trong tương lai còn tiến xa như thế nào”.
Sân khấu được ví như linh hồn của buổi biểu diễn. Các ứng dụng công nghệ đã giúp ngành sân khấu biểu diễn chuyển mình. Tuy nhiên, những hiệu ứng mà công nghệ mang lại có làm cho khán giả thỏa mãn hay không, điều đó phụ thuộc vào tài năng của người dàn dựng. Song, các nhà bình luận nghệ thuật cho rằng, công nghệ chỉ nên coi như phương tiện hỗ trợ và phải nhằm một mục đích duy nhất là làm nổi bật chủ đề cho tác phẩm biểu diễn. Việc lạm dụng công nghệ có thể làm lu mờ chủ thể chính của buổi diễn là các diễn viên và khiến chất lượng của buổi diễn bị ảnh hưởng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.