(HNMCT) - Nghệ thuật biểu diễn được Thành phố Hà Nội đánh giá là lĩnh vực giàu tiềm năng, có nhiều lợi thế để góp phần phát triển công nghiệp văn hóa. Thành công của nhiều show diễn, đặc biệt là các sự kiện lớn như lễ khai mạc và bế mạc SEA Games 31 vừa qua là minh chứng cho thấy đây là lĩnh vực có khả năng hội nhập nhanh với những xu hướng quốc tế, có khả năng bứt phá để thành công nếu được đầu tư, khích lệ thích đáng, đặc biệt là về mặt công nghệ.
Hoành tráng hơn, hiện đại hơn
Không khó để nhận ra rằng, trong những năm gần đây, nghệ thuật biểu diễn đã có những bước tiến đáng kể trong việc ứng dụng công nghệ. Nhiều công nghệ tiên tiến trên thế giới được áp dụng, làm thay đổi gần như hoàn toàn cách dàn dựng, bài trí sân khấu trước đây, hiện thực hóa được những ý tưởng nghệ thuật táo bạo và mang đến cho công chúng cảm nhận mới mẻ.
Có thể kể đến một số chương trình lớn được đầu tư nghiêm túc về công nghệ để tạo ra những đại cảnh hoành tráng như “Tinh hoa Bắc Bộ” của Công ty Tuần Châu Hà Nội; “Ký ức Hội An” của Gami Theme Park; “Tứ Phủ” của Nhà hát Việt; “Ionah” của Nhà hát Star Galaxy...
Ngay cả với nhiều chương trình ca nhạc có quy mô vừa và nhỏ hiện nay, nhà sản xuất cũng tận dụng tối đa sức mạnh công nghệ. Những màn hình LED cỡ lớn giúp sân khấu biến hóa hơn, hiện thực hóa ý tưởng thể hiện và tạo cảm xúc tối đa cho người xem.
Trong lễ khai mạc và bế mạc SEA Games 31 vừa qua, khán giả không khỏi choáng ngợp trước những hình ảnh đẹp mắt từ các màn trình diễn được thực hiện với sự hỗ trợ của công nghệ mới. Theo ban tổ chức, một số loại công nghệ tiêu biểu đã được sử dụng trong lễ khai mạc, gồm công nghệ trình chiếu hình ảnh đồ họa (Mapping), công nghệ thực tế ảo tăng cường (Augmented Reality - AR), công nghệ thực tế mở rộng (Extended Reality - EX)...
Chẳng hạn như hình ảnh chú rồng bay lượn trên sân được tạo ra với công nghệ thực tế ảo tăng cường. Công nghệ này cho phép khán giả xem qua các nền tảng truyền hình, smartphone với trải nghiệm chân thực hơn. Đó là công nghệ hiện đại mà thế giới sử dụng ở các kỳ Olympic tại Rio (Brazil), Tokyo (Nhật Bản) cùng nhiều kỳ đại hội thể thao quốc tế lớn. Lễ khai mạc và bế mạc SEA Games 31 vừa qua cũng được truyền thông quốc tế đánh giá cao.
Đầu tư theo chiều sâu
Sự đón nhận của công chúng đối với những tác phẩm, chương trình có sử dụng công nghệ hiện đại để hỗ trợ dàn dựng cho thấy khán giả hôm nay có sự đòi hỏi cao hơn trong thưởng thức các tác phẩm nghe nhìn. Trải nghiệm hình ảnh, ngoài sự tinh tế, độc đáo thì còn cần gây bất ngờ, do vậy, muốn ghi dấu ấn thì nghệ thuật biểu diễn nói chung cần phải có sự bứt phá về công nghệ âm thanh, ánh sáng, hình ảnh hỗ trợ.
Tuy nhiên, nhìn vào mặt bằng chung, số sân khấu ứng dụng công nghệ hiện đại vào biểu diễn chưa nhiều. Theo NSND Lê Huy Quang, ở các nước, nhất là những nước có nền sân khấu tiên tiến, sàn diễn từ lâu đã được hiện đại hóa với khả năng quay nhiều chiều, nhiều tầng lớp, có thể lên cao hay xuống thấp, mở rộng hay thu hẹp, sử dụng những cầu diễn tự động nối khán giả với nghệ sĩ để tạo điều kiện tốt nhất cho sự tìm tòi, sáng tạo trong trang trí, dàn dựng, mở ra không gian linh hoạt, biến hóa. Ở nước ta, sân khấu các rạp hát đã cũ kỹ, lạc hậu về mọi phương diện. Lâu nay, sân khấu của ta luôn chỉ là sàn diễn cố định rộng vài chục mét vuông tồn tại từ đầu đến cuối vở diễn với những diềm, cánh gà cố định và chung cho tất cả các loại hình nghệ thuật cho nên khó tránh khỏi nhàm chán, thiếu sáng tạo. Ngay ở Hà Nội, nơi có những nhà hát khá tốt như Nhà hát Lớn, Nhà hát Tuổi trẻ, Nhà hát Múa rối Việt Nam, Nhà hát múa rối Thăng Long, các rạp Xiếc Trung ương, Đại Nam, Hồng Hà... nhưng phần lớn là công trình được tu bổ, cải tạo lại trên cơ sở cũ, có rạp đã có tuổi đời cả trăm năm...
NSND Trần Quốc Chiêm, Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội cũng cho rằng: Khó thu hút khán giả ngày nay bằng những cảnh trí sân khấu cồng kềnh, tốn nhiều thời gian chuyển cảnh. Hệ thống âm thanh, ánh sáng cũ kỹ, lạc hậu cũng khiến tác phẩm trở nên thiếu sinh khí. Do đó, việc áp dụng công nghệ, nhất là công nghệ kỹ thuật số vào sáng tạo sân khấu để nâng cao hiệu quả nghệ thuật là yêu cầu cấp bách, bắt buộc, đòi hỏi phải có sự đầu tư theo chiều sâu, hoàn thiện các trang thiết bị hiện đại cho sân khấu như ứng dụng về dựng cảnh, thiết kế sân khấu điện tử, hiệu ứng ánh sáng, âm nhạc, tiếng động...
Sức bật công nghệ và nền tảng văn hóa
Nghệ thuật biểu diễn là một trong 5 ngành trọng yếu trong Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở nước ta. Sau 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ (ngày 8-9-2016), nghệ thuật biểu diễn được nhiều chuyên gia đánh giá là có những chuyển động đổi mới tạo được dấu ấn quốc tế. Tuy nhiên, những người làm nghề và công chúng cũng thừa nhận rằng, lĩnh vực này còn những khoảng trống về cơ chế, sự liên kết và các điều kiện khác để mang đến động lực phát triển mạnh mẽ cho ngành. Trong đó, sự thiếu thốn về cơ sở vật chất, sự hạn chế về công nghệ là một ví dụ.
Tuy nhiên, để tạo đà cho nghệ thuật sân khấu thì không phải cứ thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, không phải cứ áp dụng kỹ thuật công nghệ, đưa vào các hiệu ứng để đổi mới sàn diễn là đủ, mà còn cần nhập cuộc bằng những đề tài, hướng khai thác mới. Trong đó, vấn đề giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc phải được đặc biệt quan tâm. Đây là hai mặt gắn kết chặt chẽ trong bài toán phát triển của nhiều ngành nghệ thuật mà sân khấu không phải là một ngoại lệ. Cụ thể, công nghệ có tính chất nâng đỡ, tạo sức bật cho nghệ thuật nhưng phải trên nền tảng phát huy nguồn lực văn hóa truyền thống, hướng tới tạo dựng thương hiệu quốc gia.
Đúng như chia sẻ trong bản tham luận về sân khấu với công nghiệp văn hóa của Tiến sĩ Trần Thị Minh Thu: “Một trong những giá trị của công nghiệp văn hóa là thúc đẩy hội nhập quốc tế. Điều này thể hiện ở chỗ, để bắt kịp với các trào lưu, xu hướng trên thế giới và đáp ứng nhu cầu của công chúng, các nhà sản xuất tạo ra các sản phẩm không chỉ mang bản sắc văn hóa dân tộc mà còn phải có sự tiếp thu những thành tựu của văn hóa thế giới để các sản phẩm công nghiệp sân khấu, bên cạnh tính dân tộc, còn có tính hiện đại, mới mẻ, độc đáo. Đồng thời, công nghiệp văn hóa trong lĩnh vực biểu diễn cũng góp phần quảng bá văn hóa dân tộc, tăng cường “quyền lực mềm” của quốc gia. Thông qua các tác phẩm nghệ thuật sân khấu độc đáo, công chúng quốc tế được chiêm ngưỡng, thưởng thức và hiểu được tinh hoa văn hóa dân tộc ta. Sự phổ biến của các sản phẩm nghệ thuật, tầm ảnh hưởng của các thần tượng cũng sẽ tạo sức hút mạnh mẽ để người hâm mộ quan tâm, tìm hiểu, yêu thích văn hóa của chính nơi đã sản sinh ra tác phẩm nghệ thuật và thần tượng đó. Đó là con đường hữu hiệu để quảng bá văn hóa dân tộc, gia tăng vai trò của quốc gia trong quan hệ ngoại giao quốc tế”.
NSND Trung Hiếu khẳng định: “Việc trang bị, nâng cấp từ khán phòng đến sân khấu là điều hết sức cần thiết. Chúng ta cần hiện đại hóa cơ sở vật chất cho sân khấu bằng việc đầu tư trang thiết bị hiện đại, từ âm thanh, ánh sáng đến hệ thống kỹ thuật cho sân khấu. Cần xây dựng một sân khấu hiện đại đáp ứng được những đòi hỏi, yêu cầu cao về mặt kỹ thuật để phục vụ tối đa, hiệu quả cho những ý tưởng nghệ thuật của ê kíp sáng tạo. Từ đó, các tác phẩm nghệ thuật không những bao hàm giá trị nghệ thuật cao, mà còn đáp ứng được thị hiếu của khán giả ngày nay”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.