(HNMCT) - Xuất thân từ công nhân mỏ của Xí nghiệp Tuyển than Hòn Gai (nay là Công ty Tuyển than Hòn Gai) nhưng bằng nỗ lực không ngừng nghỉ, Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Đức Long trở thành giọng ca quen thuộc của dòng nhạc trữ tình, cổ điển.
Ba năm qua, vào mỗi dịp giao mùa từ thu sang đông, anh và các học trò của mình như: NSƯT Minh Thu, NSƯT Ánh Tuyết, Bách Nguyễn, Hạ Vân... lại cùng nhau tổ chức đêm nhạc Khi gió mùa về mà như anh thổ lộ “đó là chương trình có tính nghệ thuật cao nhưng phục vụ cho người có thu nhập thấp”.
1. Tôi gặp NSƯT Đức Long khi anh và các học trò của mình đang hăng say tập luyện cho đêm nhạc Khi gió mùa về, diễn ra vào giữa tháng 11 này tại Nhà hát Tuổi Trẻ. Nhìn anh trên sân khấu say mê nhả chữ, ngân nga như rút ruột, trải lòng trong câu hát “Hoa sữa vẫn ngọt ngào đầu phố đêm đêm/ Có lẽ nào, anh lại quên em...”, tôi chợt hiểu bên trong cái dáng vẻ tưởng như “bụi bặm” ấy là một tâm hồn đa sầu, đa cảm.
Sau cái bắt tay thân mật, anh hồ hởi chia sẻ, Khi gió mùa về phác họa rõ nét chân dung 4 cá tính âm nhạc. Nếu như Đức Long gây dấu ấn với khán giả bằng dòng nhạc trữ tình, cổ điển thì Ánh Tuyết trẻ trung với pop ballad và nhạc xưa; Bách Nguyễn mộc, tình, lãng tử còn Minh Thu “tắc kè hoa” với nhiều cung bậc. Chia sẻ về cái tên của chương trình, Khi gió mùa về, anh thừa nhận, có lẽ trong tâm hồn nghệ sĩ của anh, thời khắc giao mùa luôn mang lại cảm xúc đặc biệt. “Hà Nội mùa thu thật đẹp và lãng mạn. Cảm xúc giao mùa càng trở nên thi vị trong tâm hồn người nghệ sĩ. Qua những cung bậc âm thanh, chương trình Khi gió mùa về muốn đưa khán giả đến với những xúc cảm diệu kỳ về mùa - đó có thể là những cơn gió thổi ào mạnh mẽ, nhưng có lúc lại nhẹ nhàng nghỉ ngơi lơ đễnh trên một bờ tường rêu phong, lúc lại thâm trầm rơi xuống phố cuốn theo gót chân người bộ hành ”..., anh tâm sự.
Cùng mục đích tri ân Thủ đô, nơi dù không phải quê hương nhưng đã cho anh một sự nghiệp âm nhạc có dấu ấn, một chỗ đứng vững chắc trong lòng công chúng, nhân kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội, nghệ sĩ Đức Long đã cho ra mắt MV Hà Nội ơi, tôi vẫn nhớ thương người, một ca khúc của nhạc sĩ Đỗ Phương (Phó Giám đốc Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam). Ca khúc này đã được nhạc sĩ thai nghén trong suốt 10 năm với ca từ giàu chất tự sự, hoài niệm về một Hà Nội mùa thu rợp bóng liễu xanh, mùa đông sương khói và tình cảm của người đi xa nhưng vẫn luôn nhớ Thủ đô và luôn mong muốn quay về. “Là người hoài cổ vậy nên khi nhạc sĩ Đỗ Phương gửi bài, tôi thấy vô cùng thú vị và đồng cảm bởi như bao người khi xa Hà Nội, tôi vẫn luôn nhớ về Thủ đô với một nét thanh lịch, bình yên, cổ kính”, NSƯT Đức Long bồi hồi chia sẻ.
2. Nhìn vào thành công của nghệ sĩ Đức Long hôm nay, nhiều người sẽ nghĩ con đường đến với âm nhạc của anh “thuận buồm xuôi gió”, thế nhưng sự thật lại không phải vậy. Mồ côi cha mẹ khi mới 8 tuổi, từng làm đủ mọi việc lao động chân tay rất vất vả như đóng gạch thuê, kéo xe bò, bốc vác..., thế nhưng chính những câu hát đã cứu rỗi tâm hồn anh, cho anh thêm niềm tin và hy vọng vào cuộc đời, vào tương lai phía trước.
Những tháng ngày cơ cực là một trải nghiệm quý báu mà nhờ đó trong anh hình thành một kiểu cách riêng biệt, không phải ca sĩ nào cũng có được. Dòng nhạc mà anh theo đuổi đòi hỏi người hát phải có sự trải nghiệm, vốn sống dày dặn. Đã trải qua những ngày tháng cay đắng, buồn tủi, có lẽ vì thế mà Đức Long thành công với những tình khúc tiền chiến của các nhạc sĩ Văn Cao, Đoàn Chuẩn, Trịnh Công Sơn, Nguyễn Ánh 9...
Khác với nhiều nghệ sĩ cùng thời, Đức Long đến với con đường âm nhạc từ phong trào văn nghệ quần chúng khi làm công nhân Xí nghiệp Tuyển than Hòn Gai. “Nói là làm công nhân mỏ nhưng tôi hầu như không phải lao động chân tay mà quanh năm đi biểu diễn phục vụ công nhân vùng mỏ. Hồi ấy chúng tôi được giao nhiệm vụ đi hát động viên, khích lệ công nhân hoàn thành chỉ tiêu mà Xí nghiệp giao phó. Đến bây giờ tôi vẫn tự hào về thời đã qua được cùng đội ca hát của Xí nghiệp liên tiếp giành vị trí đầu bảng trong các hội diễn ca nhạc không chuyên ở cả ba miền”, nghệ sĩ Đức Long nhớ lại.
Thế rồi khi tài năng đến độ “chín”, mảnh đất Quảng Ninh đã không thể níu giữ được Đức Long. Anh khao khát có một sân khấu lớn hơn, nơi mình có thể được cống hiến nhiều hơn cho khán giả. Năm 1982, anh quyết định lên Hà Nội và công tác tại Đoàn Ca múa Phòng không - Không quân, đồng thời theo học tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam. Sau đó, anh về “đầu quân” cho Đoàn Ca múa Tổng cục Chính trị rồi dừng chân ở “bến đỗ” Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam. Bên cạnh công việc biểu diễn, anh còn giảng dạy thanh nhạc tại nhiều trường đại học, cao đẳng trên địa bàn Thủ đô như: Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, Đại học Văn hóa nghệ thuật quân đội, Đại học Sư phạm nghệ thuật trung ương, Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội... Tâm huyết, luôn thể hiện trách nhiệm với sự nghiệp “trồng người”, anh đã góp phần đào tạo nhiều thế hệ ca sĩ đầy triển vọng cho đất nước như Tùng Dương, Minh Thu, Ánh Tuyết...
3. Trong cuộc đời làm thầy giáo của mình, nghệ sĩ Đức Long luôn được các học trò yêu mến, quý trọng bởi anh luôn thể hiện tình thương yêu, sự độ lượng, bao dung. Với những học trò có hoàn cảnh khó khăn, anh thường dạy mà không lấy tiền. Cũng có nhiều học trò nhờ có anh mà có thể vượt khó, trưởng thành trong nghề nghiệp. “Tôi nghĩ, là một người thầy dạy thanh nhạc thì phải truyền được tình yêu và sự đam mê thực sự cho các học trò. Điều quan trọng là phải làm sao để khi ra trường các em có thể làm nghề thật tốt, tự tin trong vai trò một nghệ sĩ. Mặc dù luôn khuyến khích, động viên học trò nhưng với những em không có năng khiếu, tôi cũng thẳng thắn khuyên các em theo nghề khác, bởi nghề này nếu không có năng khiếu thì có khổ luyện cũng không thể thành tài”, nghệ sĩ Đức Long trải lòng.
Ở tuổi 60, nghệ sĩ Đức Long vẫn lẻ bóng đi về sớm hôm, tuy nhiên anh tâm sự rằng đang rất hạnh phúc vì bên anh luôn có những học trò giỏi giang, thành đạt cùng niềm say mê với âm nhạc, coi âm nhạc là cuộc sống, là hơi thở của mình. Anh tự nhận mình không phải ca sĩ thị trường, và tất nhiên, việc đi hát không phải với mục đích duy nhất là kiếm tiền. Với anh, được hát phục vụ khán giả ở phòng trà hay sân khấu lớn đều mang lại cảm xúc như nhau và đều làm anh cảm thấy hạnh phúc.
Nghệ sĩ Đức Long (tên đầy đủ là Đỗ Đức Long) sinh năm 1960 tại thành phố Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh), quê gốc ở huyện Nghi Lộc (tỉnh Nghệ An). Anh được phong danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú năm 2007.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.