(HNMCT) - Dù biểu diễn trực tiếp hay phát hành trên nền tảng số, vấn đề tạo ra nội dung hấp dẫn vẫn luôn là thách thức với những người thực hiện chương trình dành cho thiếu nhi. Hànộimới Cuối tuần đã có cuộc trao đổi với Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Ánh Tuyết, người dàn dựng thành công nhiều chương trình nghệ thuật dành cho thiếu nhi của Nhà hát Tuổi trẻ, trong đó có hai vở nhạc kịch gần đây “Trại hoa vàng” và “Bầy chim thiên nga”.
- Thưa NSƯT Ánh Tuyết, trước khi bắt tay dàn dựng những vở nhạc kịch dành cho các bạn trẻ, tâm thế của chị như thế nào?
- Chúng tôi xem nhạc kịch là bộ môn đỉnh cao của nghệ thuật và cũng là một loại hình dễ hấp dẫn thiếu nhi. Nó là sự tổng hợp của rất nhiều yếu tố diễn xuất: Hát, nhảy, múa... Nhà hát Tuổi trẻ là nhà hát duy nhất ở Hà Nội có nhiều loại hình nghệ thuật (trong một đơn vị) gồm cả ca múa nhạc, kịch. Đây là điều kiện thuận lợi giúp tôi có thể làm nhạc kịch. Những vở mà tôi dàn dựng mang hơi hướng của nhạc kịch Broadway. Tôi luôn nghĩ: Làm thế nào để công chúng trẻ tuổi yêu thích nhạc kịch và có thể đến với sân khấu? Tôi chọn một truyện dài của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh là “Trại hoa vàng” để chuyển thể. Riêng cái tên Nguyễn Nhật Ánh đã rất thu hút các bạn trẻ rồi. Sau đó tôi đưa âm nhạc vào. Tôi quyết định chọn những ca khúc đang rất "hot" trên thị trường, đặt nó đúng vị trí, đúng tình huống và cảm xúc nhân vật. Với “Trại hoa vàng”, khán giả không chỉ được xem một câu chuyện đẹp mà còn được thưởng thức một bữa tiệc âm nhạc với các ca khúc mình yêu thích. Đó là cách tôi đến gần với khán giả của mình.
Nhà hát Tuổi trẻ nơi tôi công tác có một chức năng, nhiệm vụ là sản xuất những chương trình nghệ thuật dành cho thanh, thiếu niên, nhi đồng, với hàng trăm buổi biểu diễn phục vụ đối tượng khán giả này. Đây là thế mạnh nhưng cũng là áp lực đối với tôi. Bằng kinh nghiệm có được trong việc xây dựng chương trình cho thiếu nhi cộng thêm những thử nghiệm mới, tôi đã mạnh dạn đưa một chút âm nhạc cổ điển và viết lời Việt, thêm một chút ba lê để các em có thể tiếp cận với nghệ thuật đỉnh cao trong vở diễn tiếp theo là vở “Bầy chim thiên nga”. Đây là vở diễn quen thuộc nhưng luôn được yêu thích bởi những nhân vật công chúa, hoàng tử, mụ phù thủy... Tôi cố gắng tạo dựng trên sân khấu những hình ảnh lung linh, nhân vật rất hay, rất đẹp... để các em cũng mong muốn được hóa thân, được hòa mình vào câu chuyện.
- Một tác phẩm sân khấu, đặc biệt là nhạc kịch là sự tổng hòa của rất nhiều yếu tố. Làm cho trẻ nhỏ thì mọi yếu tố đều phải xoay quanh sở thích của các em. Được biết, trong vở “Bầy chim thiên nga” chị đặc biệt chú trọng tới việc sử dụng ngôn ngữ để hấp dẫn các em nhỏ?
- Lời thoại của “Bầy chim thiên nga” đã được Việt hóa hoàn toàn để phù hợp với trẻ em, với cuộc sống ngày hôm nay. Tôi mời nhạc sĩ, nhà báo Trần Lệ Chiến viết kịch bản, đưa ra những tình huống mới, đồng thời mạnh dạn đưa những yếu tố đang được các em chú ý, ví dụ như bài hát “Tình bạn diệu kỳ”. Đây là cách làm hiệu quả, bởi khi bài hát ấy vang lên thì các em ngồi dưới nhiệt tình vỗ tay, hòa mình theo câu chuyện. Tôi phải khéo léo lồng ghép để đưa ra được thông điệp nhẹ nhàng và không bị coi là nhảm. Các em hồn nhiên, thông minh và nhớ rất lâu. Chúng tôi luôn cố gắng giúp các em cảm nhận cái hay, cái đẹp, hướng đến chân - thiện - mỹ.
- Nhận được nhiều lời khen, liệu chị đã cảm thấy hài lòng về tác phẩm và cách dàn dựng cho thiếu nhi của mình?
- Sau buổi tổng duyệt “Bầy chim thiên nga”, ngoài những lời khen tặng của khán giả, tôi cũng nhận được nhiều ý kiến đóng góp của bạn bè, đồng nghiệp, những nhà phê bình. Từ những ý kiến đó, tôi đã học hỏi để biết mình có thiếu sót ở chỗ nào và cần điều chỉnh gì để vở diễn phù hợp với mạch tư duy, với khán giả nhỏ tuổi.
Trong vở này, tôi đã mời biên đạo trẻ Linh An, người từng học tập rất bài bản tại New York (Mỹ). Tôi rất cần đưa chất jazz của bạn ấy vào vở nhạc kịch. Tôi mời bạn ấy dàn dựng giúp tôi 4 cảnh chứ không phải từ đầu đến cuối bởi tôi biết các bạn nhỏ cần sự linh hoạt, thay đổi liên tục ngay trong phong cách âm nhạc. Nếu chúng ta để “một màu” âm nhạc, chỉ nguyên pop hay jazz... thì sẽ gây cảm giác nhàm chán. Tâm lý trẻ nhỏ thay đổi theo thời gian, theo xu hướng, có thể 5 năm, 10 năm nữa khi khán giả nhỏ tuổi của tôi biết đến Broadway nhiều hơn thì tôi sẵn sàng làm một vở theo phong cách xuyên suốt.
- Người ta vẫn thường bảo, làm sân khấu cho thiếu nhi là vô cùng khó. Vậy yếu tố giới tính, độ tuổi có hạn chế sự sáng tạo của chị hay không?
- Tôi muốn làm một vở mà người lớn xem cũng được, trẻ em xem cũng được. “Bầy chim thiên nga” là vở dựng cho thiếu nhi nhưng tôi muốn bố mẹ các em xem cũng phải thích. Hiện vở mới diễn được 3 đêm (vì dịch Covid-19 nên phải tạm ngừng) nhưng tôi đã nhận được sự phản hồi tích cực từ các em và cả bố mẹ các em. Đây là câu chuyện mà tuổi thơ mỗi chúng ta đều đã đọc, khi xem lại, những cảm xúc cũ được khơi gợi.
Bắt tay làm một vở diễn, tôi luôn xác định đối tượng khán giả của mình là ai. Tôi làm với mục đích gì? Tôi làm cho ai xem? Độ tuổi là 12 - 18 hay là 8 - 15? Trong độ tuổi ấy các bạn thích gì?... Sau đó tôi mới chọn kịch bản. Điều đó giúp tôi đáp ứng được các tiêu chí khác nhau đối với vở diễn của mình. Tôi không quan trọng là kịch bản đó xuất phát từ đâu, miễn sao đáp ứng được đúng tâm lý khán giả của mình là được.
Tôi muốn biết khi đến xem thì các bạn ấy có cảm thấy thích thú, thấy mọi thứ đúng như trong tưởng tượng về các nhân vật phù thủy, công chúa, hoàng tử hay không? Khi làm vở “Trại hoa vàng”, tôi đã lấy ý kiến của 1.000 bạn để tìm hiểu xem hiện nay các bạn trẻ muốn xem gì. Tôi rút ra một điều rằng: Lứa tuổi thanh, thiếu niên hiện nay muốn sống đúng với bản thân mình, không muốn bị áp đặt phải thế này, phải thế kia... Về việc hiểu đúng tâm lý khán giả và từ đó đưa ra được những điều mà các bạn trẻ đang mong muốn, tôi nghĩ rằng mình đã thành công phần nào.
- Trong bối cảnh dịch Covid-19, sân chơi dành cho thiếu nhi cũng bị hạn chế. Chị có ý tưởng nào để có thể mang đến cho các em những sân chơi mới trong giai đoạn hiện nay?
- Nhà hát Tuổi trẻ đang rất trăn trở tìm hướng đi trong tình trạng sống chung với đại dịch. Một mặt chúng tôi vẫn sẵn sàng, khi nào dịch lắng xuống sẽ chuẩn bị sẵn các chương trình dành cho các em. Các nghệ sĩ vẫn thường xuyên trau dồi vai diễn của mình, vẫn nuôi đam mê và tình yêu với sân khấu. Mặt khác chúng tôi đang tính toán câu chuyện làm online. Về nhân sự, về nội dung thì chúng tôi không lo lắng lắm, nhưng làm thế nào để sản phẩm của mình đến được với khán giả lại là bài toán khó. Chúng tôi đang tìm đội ngũ kỹ thuật có thể giúp chúng tôi quảng bá, phổ biến các tác phẩm sân khấu trên mạng internet.
Thật ra, đó cũng chỉ là giải pháp tình thế bởi với sân khấu thì phải xem trực tiếp để có sự tương tác giữa khán giả và người biểu diễn. Có như vậy thì khán giả mới thấy hết cái hay, cái đẹp của sân khấu. Vì thế, giải pháp đưa tác phẩm sân khấu lên online chỉ là tạm thời thôi, không thể lâu dài được.
- Trân trọng cảm ơn chị đã chia sẻ!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.