Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nghệ sĩ đường phố “bất đắc dĩ” với tình yêu Hà Nội

Lan Chi - Thúy Hằng| 16/04/2012 09:41

(HNMO)- Đơn độc nhưng không cô độc, đó là những gì mà người ta cảm nhận về người đàn ông được gọi là nghệ sĩ đường phố Tạ Trí Hải.

Nghệ sĩ Tạ Trí Hải đang thả hồn vào những giai điệu…


Chúng tôi gặp ông vào một ngày hanh hao nắng gió tại quán café nhỏ trên đường Vạn Phúc (Hà Nội). Với hai cây đàn violon và mandolin, đầu đội mũ cao bồi, tóc bạc trắng buộc gọn, ông đã quá quen thuộc với người dân Hà Nội. Tiếng đàn của ông mỗi khi cất lên dường như “gột rửa” hết những nỗi buồn phiền, mệt mỏi của cuộc sống hàng ngày.

“Hà Nội luôn ở trong trái tim tôi”

Tạ Trí Hải là người Hà Nội gốc, ông sinh ra trong một gia đình tiểu thương trên phố Hàng Đường. Biết đến cây đàn violon từ năm 8 tuổi, nhưng ông không học qua trường lớp nào mà học từ chính người bạn thân của mình.

Nhìn ông, có lẽ không ai có thể hình dung được người nghệ sĩ này lại từng một thời là kỹ sư cơ khí tại nhà máy Tổng cục cao su Sài Gòn. Ông học khoa chế tạo máy tại trường Đại học Bách khoa Hà Nội và cây đàn tạm thời bị “bỏ quên” để bàn tay làm quen với nghề cầm búa, với bu-loong, mỏ-lết… Rồi cũng như bao lớp thanh niên trai trẻ của thời đại, Tạ Trí Hải đi bộ đội, công tác ở Sư đoàn 338, tham gia chiến đấu bảo vệ Thủ đô, từ năm 1963 đến những tháng năm Mỹ ném bom Hà Nội.

Năm 1977, ông vào TP Hồ Chí Minh làm việc. Những năm tháng đi làm thợ cơ khí trong Sài Gòn, chứng kiến sự thăng trầm của xã hội, con người, khiến ông Hải quyết định giã biệt sự nghiệp khoa học kỹ thuật, vác cây đàn trên vai và bắt đầu cuộc đời của một “gã du ca” nay đây mai đó.

Những ký ức, hoài niệm về Hà Nội được người nghệ sĩ đường phố này “gói ghém” kỹ lưỡng, tận sâu thẳm trong lòng. Dù chơi nhạc ở bất cứ đâu, những bản nhạc đầu tiên để bắt đầu “chương trình biểu diễn” của ông luôn là những bài hát về Hà Nội. Tiếng mandolin réo rắt “Mặt hồ Gươm vẫn lung linh mây trời, càng tỏa ngát hương thơm hoa thủ đô, đường lộng gió thênh thang 5 cửa ô...” bay vút lên không trung, rồi lắng đọng trong trái tim của những thính giả xung quanh là các em sinh viên, các bác xe ôm, cả những vị khách nước ngoài.

“Hà Nội đã mang cả một thời trai trẻ, nhiệt huyết với lý tưởng cách mạng của lớp thanh niên chúng tôi ngày ấy. Hà Nôi gieo vào trong tôi những ký ức tuyệt vời không bao giờ quên. Tôi chơi những bài hát về Hà Nội vì đơn giản tôi yêu Hà Nội”, ông Hải chia sẻ.

Niềm đam mê không bao giờ tắt

Đã ngoài 70, ở cái tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng không hề nhìn thấy sự mỏi mệt trên gương mặt ông. Trái lại, ở đó có thể cảm nhận được một trái tim tràn đầy lòng nhân ái với con người. Tạ Trí Hải dường như đã thoát ra khỏi cuộc sống trần tục với bộn bề lo toan. Giờ đây, cuộc sống của ông chỉ là những chuyến đi phiêu du khắp phố phường. Nơi mà ông hay ngồi chơi đàn nhất chính là Hồ Gươm ở Hà Nội và đường hoa Nguyễn Huệ ở TP Hồ Chí Minh. Tài sản bất ly thân của ông là hai chiếc đàn violon và mandolin, một chiếc xe đạp cũ kỹ, 15 cuốn lưu bút và những bức ảnh kỷ niệm mà người hâm mộ gửi tặng ông.

Lão nghệ sĩ du lãng bên người hâm mộ


Bỏ mặc sau lưng những ký ức ngột ngạt của cuộc sống cơm, áo, gạo, tiền, ông cầm đàn, cất lên những bản du ca phố, rong ruổi khắp các nẻo đường, những vùng xa xôi hẻo lánh, đem lời ca tiếng hát đến với những số phận bất hạnh ông bắt gặp; sưởi ấm những trái tim cô đơn lạnh giá, cứu rỗi những kẻ lang thang khi đêm xuống chưa tìm được chỗ trú thân.

Không nhà cửa, không gia đình, nếu là người bình thường có lẽ đã chết mòn vì sự cô đơn, buồn tẻ, nhưng với Tạ Trí Hải thì khác. Những năm tháng phiêu du chơi đàn, ông được rất nhiều người hâm mộ và trong số đó, có những người trở thành bạn bè thân thiết, thường xuyên qua lại với ông. Chính họ là nguồn vui sống, sự động viên để ông nuôi dưỡng cảm xúc cho tiếng đàn của mình.

Tìm đến một góc công viên, ông chỉ nghĩ đơn giản như người ta tập thể dục đi bộ bằng đôi chân còn mình tập thể dục bằng… tiếng đàn. Không ngờ khách tri âm của ông càng ngày càng đông. Có nhiều người mang đàn đến thử hòa nhạc với ông một cách say sưa. Nhiều bạn trẻ ngưỡng mộ cho rằng ông đã tạo nên một nét văn hóa độc đáo mới ở một thành phố náo nhiệt, với hình ảnh đời thường thật đẹp của một lão nghệ sĩ đường phố có tiếng đàn thu hút được khách du lịch nước ngoài. Mười lăm cuốn sổ ghi cảm tưởng của hàng trăm khán giả qua nhiều ngôn ngữ: Việt, Nga, Anh, Pháp, Đức, Nhật, Hoa, Ả Rập… đã trở thành “gia tài quý báu” của ông bên cạnh hai cây đàn violon và mandolin.

Là một nghệ sĩ du lãng, không gia đình, không tài sản gì quý giá, nhưng có lẽ ông lại là người giàu có khi sở hữu sự mến mộ của bao thế hệ người nghe nhạc. Lão nghệ sĩ đường phố Tạ Trí Hải vẫn thầm lặng mỗi ngày với tình yêu Hà Nội được thể hiện qua những cung bậc âm thanh trong trẻo, cuốn hút, đầy màu sắc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghệ sĩ đường phố “bất đắc dĩ” với tình yêu Hà Nội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.