Theo dõi Báo Hànộimới trên

”Nghề” Bí thư chi bộ - Bài cuối: Không chỉ khơi dậy lòng nhiệt tình và tinh thần trách nhiệm

Võ Lâm| 08/08/2016 06:40

(HNM) - Có vai trò đặc biệt quan trọng với các cơ sở Đảng, nhưng thực trạng hoạt động của đội ngũ bí thư chi bộ đang đặt ra một số vấn đề, đòi hỏi các cấp ủy cấp trên cơ sở phải quan tâm với tư duy mới và những giải pháp cụ thể. Nhiều giải pháp đã và đang được triển khai, trong đó có việc đảng ủy cấp trên phải "cầm tay chỉ việc" với các bí thư chi bộ đặc thù; đồng thời cần trang bị thêm kiến thức, khơi dậy lòng nhiệt tình, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy cơ sở.

Phải đến tận nơi, hiểu thật rõ cơ sở

Hiện nay, Hà Nội có hơn 17.000 bí thư chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở, và trong số đó, bí thư chi bộ trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước là vất vả nhất, đặc biệt trong bối cảnh các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đang "va đập" với nhiều khó khăn thách thức của thời mở cửa và hội nhập. Thêm nữa, hầu hết họ làm công tác kiêm nhiệm, chưa thật vững về nghiệp vụ công tác đảng. Làm thế nào để đội ngũ bí thư chi bộ trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước hoàn thành nhiệm vụ là cả vấn đề. Thực tế, ở quận Hoàng Mai, có chi bộ trong doanh nghiệp đang hoạt động hết sức hiệu quả, nhưng chỉ sau thời gian ngắn thay đổi bí thư chi bộ đã “xuống dốc không phanh". Trước đây, bí thư chi bộ đơn vị này là giám đốc công ty, chi bộ có trên 30 đảng viên, sau khi vị giám đốc này về nghỉ hưu, nhiệm vụ bí thư chi bộ kiêm giám đốc công ty được giao cho người con trai không am tường về công tác đảng nên chi bộ chỉ còn 10 đảng viên, hoạt động cầm chừng… Trong nhiều nguyên nhân, có phần do người đứng đầu cấp ủy không nắm rõ nhiệm vụ của bí thư chi bộ và chưa thể hiện được vai trò của mình.

Bên cạnh những yếu tố khách quan, một thực tế rất đáng phải suy nghĩ là ở nhiều chi bộ đảng trong doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước, bí thư chi bộ rất yếu về nghiệp vụ công tác đảng, lúng túng trong lãnh đạo, chỉ đạo. Để giúp cơ sở khắc phục, một số cấp ủy như Hà Đông, Thanh Trì, Đảng ủy Khối Du lịch Hà Nội đã cử cán bộ của mình trực tiếp xuống làm bí thư chi bộ, từng bước gây dựng nhân sự tại chỗ rồi "trao truyền" lại. Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn, Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TU ngày 27-2-2012 của Ban Thường vụ Thành ủy không ít lần yêu cầu cấp ủy các địa phương, các đảng bộ khối phải chú trọng bồi dưỡng nghiệp vụ, phải đến tận nơi “cầm tay chỉ việc” cho các bí thư chi bộ các cơ sở Đảng có tính đặc thù.

Nhiều bí thư chi bộ địa bàn dân cư được đánh giá vững về “nghề”, nhưng trên thực tế cũng xảy ra không ít chuyện. Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Thanh Trì Phạm Nguyên Nhung kể: Có trường hợp bí thư chi bộ đồng ý cho đảng viên chưa hết thời hạn chuyển đảng chính thức được miễn sinh hoạt chi bộ; có trường hợp khác, kết nạp đảng viên là sinh viên, nhưng trong hồ sơ lại không khai là sinh viên... Đáng nói hơn, có những bí thư chi bộ cơ sở không nắm rõ các quy định của pháp luật dẫn đến sai sót khi thực hiện công tác, thậm chí có bí thư chi bộ chỉ đạo ban hành nghị quyết trái Điều lệ Đảng, lạm dụng quyền lực thu vén lợi ích cá nhân dẫn đến sai phạm, phải kỷ luật…

Nâng cao khả năng lãnh đạo, tổ chức của bí thư chi bộ

Từng là bí thư chi bộ thôn khi mới 31 tuổi (năm 1991), Bí thư Đảng ủy xã Yên Sở (huyện Hoài Đức) Nguyễn Đăng Hoan cho rằng, trước hết phải hiểu rõ nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt Đảng, đặc biệt là những việc liên quan đến hoạt động của chi bộ. Đảng ủy xã Yên Sở thường xuyên cập nhật và cung cấp đầy đủ tài liệu hướng dẫn thi hành Điều lệ Đảng, đồng thời tập huấn cho các bí thư chi bộ cách thức tổ chức sinh hoạt chi bộ, ban hành nghị quyết... Bên cạnh đó, theo Bí thư Đảng ủy xã Yên Sở, bí thư chi bộ cần có “khẩu khí”, khả năng hùng biện để tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân. Với 21 năm kinh nghiệm, Bí thư Chi bộ thôn Tranh Khúc, xã Duyên Hà (huyện Thanh Trì) Nguyễn Văn Na cho rằng: “Bí thư chi bộ phải luôn xác định, công to, việc nhỏ gì cũng đến tay mình. Muốn được Đảng tin, dân mến thì tuyệt đối không được tham ô; mọi việc phải công khai, minh bạch và dân chủ”.

Để nâng cao nghiệp vụ công tác đảng cho bí thư chi bộ, các cấp ủy cấp trên cơ sở đều tổ chức tập huấn nghiệp vụ, một số nơi còn tổ chức hội thi “Bí thư chi bộ giỏi” để khuyến khích tinh thần học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, thi đua nâng cao trình độ của các bí thư chi bộ. Năm 2014, Huyện ủy Phúc Thọ đã tổ chức hội thi khá thành công. Sắp tới, Huyện ủy Thanh Trì sẽ tổ chức hội thi này. Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Thanh Trì Phạm Nguyên Nhung cho biết: “Qua cuộc thi, chúng tôi muốn đánh giá xem sau Đại hội Đảng bộ các cấp, các bí thư chi bộ nắm bắt chủ trương, đường lối của Đảng, nhất là những vấn đề mới đến đâu”.

Hiện nay, lo lắng của hầu hết các cấp ủy trên cơ sở là việc thiếu nguồn bí thư chi bộ ở địa bàn dân cư. Khi chuẩn bị đại hội chi bộ, công tác nhân sự cấp ủy vẫn là bài toán khó. Thực tế ở nhiều nơi vì rất thiếu nguồn kế cận nên bí thư chi bộ khóa cũ vẫn phải tái cử, dù nhiều người đã bước vào tuổi “mắt già, chân chậm”. Giải quyết vấn đề này, Đảng ủy phường Kim Mã (quận Ba Đình) có sáng kiến xây dựng đề án quy hoạch nguồn cán bộ địa bàn dân cư, tổ dân phố, trong đó có bí thư chi bộ. Sau khi thực hiện đề án, phường đã phần nào chủ động được nguồn cán bộ của hệ thống chính trị cơ sở. Bắt đầu từ nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng ủy phường đã tiến hành quy hoạch xây dựng cán bộ trong hệ thống chính trị phường, bao gồm cả bí thư chi bộ.

Hà Nội nắm rõ thực trạng, đã và đang tìm các giải pháp căn cơ để tạo nguồn và nâng cao chất lượng đội ngũ bí thư chi bộ. Trưởng phòng quận, huyện, thị (Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội) Nguyễn Văn Thân cho biết, Thành ủy chỉ đạo sát sao đối với việc bồi dưỡng, nâng cao trình độ đội ngũ bí thư chi bộ. Đặc biệt, việc thực hiện Đề án 06-ĐA/TU ngày 24-9-2013 của Thành ủy về "Kiện toàn, sắp xếp tổ chức Đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị trên địa bàn dân cư, tổ dân phố, thôn, xóm ở xã, phường, thị trấn thuộc TP Hà Nội" đã giúp Hà Nội giải quyết được việc khó khăn tồn tại từ nhiều nhiệm kỳ, đó là sự thiếu đồng bộ về tổ chức hệ thống chính trị ở cơ sở. Qua đó, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo của chi bộ khu dân cư nói chung và bí thư chi bộ nói riêng. “Vấn đề hiện nay là làm sao để tiếp tục phát huy sức sáng tạo, tinh thần trách nhiệm của các bí thư chi bộ, của cán bộ, đảng viên ở cơ sở; khơi dậy được sự nhiệt tình của họ đối với công việc chung. Đó được coi là giải pháp mấu chốt để giải quyết vấn đề thiếu nguồn bí thư chi bộ đang đặt ra” - đồng chí Nguyễn Văn Thân khẳng định.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
”Nghề” Bí thư chi bộ - Bài cuối: Không chỉ khơi dậy lòng nhiệt tình và tinh thần trách nhiệm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.