(HNMCT) - Từ lâu, với người Việt, chén trà là đầu câu chuyện. Trà có khi là thức uống giải khát bình dân, có khi lại là thú vui thưởng thức không thể thiếu. Với những ai mê trà và muốn tìm hiểu nghệ thuật thưởng trà, bộ sách “Trà kinh - Trà thư” do Thái Hà Books và NXB Thế giới liên kết xuất bản mang đến thông tin thú vị.
“Từ khi Lục Vũ sinh ra, nhân gian mới biết cách tôn trọng trà” là nhận định của người đời sau khi nhắc về “trà thánh” Lục Vũ thời nhà Đường. Nhờ công trình nghiên cứu của ông về kinh nghiệm trong chế tác và thưởng thức trà đương thời mà trà đã được nâng lên thành nghệ thuật. Chỉ bằng 7.000 chữ, Lục Vũ đã hệ thống kho tàng tri thức về cây trà, về văn hóa thưởng trà của Trung Quốc trong tác phẩm “Trà kinh”, tạo nên sức ảnh hưởng to lớn và bền bỉ cho đến
ngày nay.
“Trà kinh” của Lục Vũ là công trình chuyên khảo về trà đầu tiên của nhân loại, bao quát hết thảy những khía cạnh tri thức có liên quan đến cây trà, từ nguồn gốc của trà, nơi sản xuất, cách thu hoạch, lựa chọn lá trà, dụng cụ chế trà và cách chế tác, dụng cụ và cách đun trà, cách uống trà... “Trà kinh” gồm 3 quyển "Thượng" - "Trung" - "Hạ", có tất cả 10 chương, tác giả miêu tả hết sức tỉ mỉ các loại dụng cụ có kèm theo minh họa, ông nêu ra 9 cái khó của trà, như chế tác, trà cụ, chọn loại nước và độ sôi của nước, cách giữ lửa..., và cả việc uống.
Nếu “Trà kinh” của Lục Vũ có từ 1.300 năm trước thì “Trà thư” của Kakuzo Okakura là cuốn sách nổi tiếng nhất về trà trong thế kỷ XX. “Trà thư” được viết bằng tiếng Anh. Theo tác giả, từ thế kỷ XV, người Nhật đã biến trà, một loại đồ uống lâu đời của Trung Quốc, thành nghệ thuật Trà đạo, là một nghệ thuật đơn giản, thuần khiết và hòa bình mà tất cả mọi người đều có thể tham gia. Cách thưởng trà ở Nhật cũng có các giai đoạn và trường phái.
Không đi quá sâu vào các lối chế tác hay trà cụ, Okakura viết “Trà thư” với văn phong hài hước xen lẫn châm biếm nhẹ nhàng những quan niệm sai lầm và định kiến về văn hóa mà người phương Tây và phương Đông dành cho nhau. Từ khởi đầu trà được dùng như một vị thuốc, rồi dần dần trở thành một thức uống tiêu khiển tao nhã ở Trung Quốc, rồi được xưng tụng là Trà đạo ở Nhật Bản, sau đó theo các con tàu của hãng Đông Ấn Hà Lan vào châu Âu, và trở thành thức uống được ưa thích ngày nay, Okakura tìm thấy hy vọng về sự hiểu biết lẫn nhau trên toàn cầu trong trà. Bởi người dân châu Âu và châu Mỹ cũng yêu thích trà như người châu Á nói chung và người Nhật nói riêng.
Đáp ứng nhu cầu chơi sách của một bộ phận độc giả, bên cạnh ấn bản phổ thông, Thái Hà Books còn cho ra mắt ấn bản đặc biệt của bộ sách trà. Cây trà được sinh trưởng từ những hạt đất hạt cát, bởi vậy bìa sách cũng được làm từ các chất liệu: Đất vàng feralit, cao chàm và lá trà, thể hiện trên giấy giang - một loại giấy của bà con người Mông được làm thủ công từ thân cây giang. Ấn bản đặc biệt có giới hạn in 300 bộ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.