(HNM) - Hơn 2 năm về trước, 20 chiến sĩ đã hy sinh trong vụ rơi máy bay tại Hòa Lạc (huyện Thạch Thất, Hà Nội), duy nhất Thượng úy Đinh Văn Dương còn sống sót. Ròng rã 29 tháng điều trị tại Viện Bỏng quốc gia Lê Hữu Trác, sức khỏe của anh đã dần ổn định.
“Tôi vẫn may mắn vì còn sống”
Chúng tôi đến thăm Thượng úy Đinh Văn Dương vào một chiều cuối năm tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Cái lặng lẽ, trầm mặc của những ngày mùa đông nơi đây, nỗi thương cảm khi nghĩ đến khoảnh khắc gặp một người chiến sĩ từng bị bỏng toàn thân, mà đa phần là bỏng sâu khiến tôi không cầm được nước mắt. Nhưng cảm giác đó nhanh chóng tan biến khi tôi nhìn thấy nụ cười của anh. Vẫn cơ thể không lành lặn đó nhưng phong cách trò chuyện của anh, những câu chuyện anh chia sẻ khiến ai cũng cảm thấy ấm lòng, tin tưởng và cảm phục.
Thượng úy Đinh Văn Dương và mẹ tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh Thuận Thành (Bắc Ninh). |
Giọng chân thành, Thượng úy Đinh Văn Dương cười và nói: “May quá, đến chậm lát nữa chắc không gặp. Tôi và mẹ chuẩn bị lên taxi về nhà ở quận Long Biên (Hà Nội). Tôi ở Trung tâm cũng được một tuần rồi, thấy sức khỏe đã ổn nên muốn về thăm nhà, thăm vợ với hai đứa nhỏ. Xa nhà lâu, nhớ lắm rồi”. Và anh từ chối khi nhắc lại những ngày tháng cũ, thời gian anh đã phải chiến đấu giành giật lấy sự sống cho mình.
Anh chia sẻ: “Tôi còn sống, dù không nguyên vẹn nhưng đã là hạnh phúc so với những người đồng đội của mình. Dù có đau đớn, dù mất mát nhưng tôi đã trở về rồi, còn anh em của tôi họ không còn nữa. Nỗi đau của tôi, sự vất vả của mẹ tôi có là gì so với tổn thương mà những người vợ, người cha, người mẹ của đồng đội tôi đang gánh chịu trong suốt hơn hai năm qua”.
Mẹ của anh, bà Trịnh Thị Đông từ quê nhà Hà Nam, khăn gói ra Viện Bỏng quốc gia Lê Hữu Trác chăm con ngay khi biết tin anh gặp nạn. Những ngày đau đớn của anh cũng là những ngày vật lộn, trắng đêm bên giường bệnh của người mẹ. “Nó trải qua 29 tháng nằm viện, 24 ca mổ và 3 lần chết đi sống lại. Khi con tôi tỉnh lại, nhìn thấy cơ thể mình, nó từng có những ý nghĩ dại dột khiến tôi vừa phải chăm sóc con, vừa phải canh chừng. Nhiều lần khóc đẫm gối vì con, con sống thì vui đấy nhưng lòng cũng buồn lắm đấy. Nghĩ để cứu được con, mình phải mạnh mẽ hơn nên tôi tìm lời khuyên nhủ con mỗi ngày. Tôi lúc nào cũng nói với nó, con trai mẹ tàn nhưng không phế. Bây giờ con tôi tâm lý cũng ổn định rồi, lại được Nhà nước, các tổ chức xã hội quan tâm, mẹ con cũng không còn vất vả như trước nữa”, bà Đông lạc quan.
Sau tai nạn, Thượng úy Đinh Văn Dương mất 90% sức khỏe, một bên mắt của anh thị lực còn 1/10, một bên 7/10. Tháng 9-2016, anh đã xuất ngũ và hưởng trợ cấp thương binh với mức 7 triệu đồng/tháng. Giờ đây, Trung tâm Điều dưỡng thương binh Thuận Thành sẽ trở thành ngôi nhà thứ hai của anh. Mọi sinh hoạt, từ đi lại, ăn uống cho đến vệ sinh cá nhân của người thanh niên sinh năm 1983 này đều do một tay mẹ đỡ đần.
Vất vả là thế nhưng suốt buổi trò chuyện với chúng tôi, Thượng úy Đinh Văn Dương và mẹ cũng không một lời bi quan. Chỉ khi không có mẹ bên cạnh, trên chiếc xe lăn, ngồi bên mái hiên trước cửa phòng, anh mới bộc bạch: “Hằng đêm những vết thương vẫn hành hạ tôi. Ngồi nói chuyện với các bạn thế này thôi nhưng tôi vẫn thấy bứt rứt vì đau đớn. Tôi đã khỏe hơn rất nhiều so với những ngày đầu ở viện, nhưng tránh sao được những đau đớn. Tôi cố nói chuyện vui vẻ để mẹ an lòng, để vợ con, bạn bè không phải lo lắng”.
Một con người giàu nghị lực
Đến đón Thượng úy Đinh Văn Dương về nhà ở Long Biên là người bạn từ thuở thiếu thời, anh Nguyễn Duy Xuân. Anh Xuân tâm sự, dù sức khỏe vẫn chưa thật tốt nhưng Dương hoàn toàn tỉnh táo và vui vẻ. “Dương chơi với tôi từ bé. Cậu ấy thông minh, ham học và nghị lực lắm. Bị thương như thế nhưng bạn tôi vẫn cười đùa vui vẻ, còn làm trò trêu chọc các cô chú thương binh ở đây. Thay vì phải an ủi, động viên Dương như hồi mới nằm viện, giờ đây cậu ấy lại động viên mẹ, vợ con, bạn bè lạc quan vào cuộc sống. Cậu ấy dù khỏe mạnh hay thương binh thì vẫn luôn là tấm gương về nghị lực mà tôi luôn trân quý”.
Trung tâm Điều dưỡng thương binh Thuận Thành, Bắc Ninh là nơi chăm sóc 97 thương binh nặng trong các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chiến tranh biên giới... Thượng úy Đinh Văn Dương là chiến sĩ duy nhất trong thời bình điều trị tại đây. Đều là những người trong quân ngũ, hy sinh một phần cơ thể vì Tổ quốc nên họ có những đồng cảm sâu sắc với nhau. Thượng úy Dương mới về Trung tâm hơn một tuần nhưng gần 100 thương binh, không ai không biết anh. Họ thân thiết, tình cảm như những người bạn dù tuổi tác cách xa nhau.
Khi biết tin anh Dương chuẩn bị về thăm nhà, nhiều thương binh di chuyển trên những chiếc xe lăn đã đến chào tạm biệt anh. Phó Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng thương binh Thuận Thành, bác sĩ Nguyễn Văn Hương cũng qua phòng Thượng úy Dương dặn dò. Bác sĩ Hương cho biết: “Từ ngày về Trung tâm, chúng tôi nhận thấy sức khỏe của Dương đã ổn định. Anh Dương là một người rất bản lĩnh. Mặc dù cơ thể không còn nguyên vẹn nhưng Dương luôn tỏ ra vui vẻ, cởi mở và chủ động nhất có thể”.
Còn thương binh Mai Thị Hường (70 tuổi, Hương Khê, Hà Tĩnh) chốc chốc lại ghé qua thăm mẹ con anh Dương, chia với nhau chút quà và trò chuyện. Bác Hường bảo: “Tôi ít khi thấy cậu ấy buồn hay chán nản. Sống cạnh phòng nhau nên gần như ngày nào hai cô cháu cũng nói chuyện, tâm sự về mọi chuyện trong cuộc sống, có khi huyên thuyên, tếu táo cả ngày. Dương vui tính và rất biết cách pha trò cười cho mọi người. Cậu ấy là một anh bộ đội Cụ Hồ trẻ tuổi nhưng đầy nghị lực!”.
Mặc dù vụ rơi máy bay ở Hòa Lạc là chuyện buồn của năm cũ, nhưng dường như, với Đinh Văn Dương, quá khứ chẳng thể nào ngủ quên. Hằng đêm, trong giấc mơ anh, trong thao thức, chập chờn cơn đau, anh vẫn mơ về những người bạn. “Tôi mơ thấy chúng nó suốt. Làm sao không mơ thấy chứ. Chúng nó là anh em, đồng chí, bạn thân thiết của tôi kia mà”, Thượng úy Đinh Văn Dương kể. Anh dự định, những ngày cuối năm sẽ trở lại cánh đồng Hòa Lạc, thăm những người đồng đội, thắp cho bạn mình nén nhang và nhắc với họ về những kỷ niệm cũ. Anh cũng mong một ngày, sẽ xây được nhà thờ để tưởng niệm những người đồng chí, người bạn thân thiết đã vĩnh viễn nằm xuống.
Đứng nhìn chiếc xe chở mẹ con anh khuất dần trong những vạt nắng cuối cùng của buổi chiều đông, chẳng hiểu sao tâm trí tôi luôn liên tưởng tới hình ảnh nàng Scarlett đầy cương nghị khi đứng trước thềm đầy nắng cùng câu nói quen thuộc: “After all, tomorrow is another day!” (Sau tất cả, ngày mai sẽ là một ngày mới - Cuốn theo chiều gió).
Vâng, mong cho ngày mai của Thượng úy Đinh Văn Dương sẽ là một ngày mới bình phục, an lành!
Ngày 7-7-2014, chiếc trực thăng Mi 171 của Trung đoàn Không quân trực thăng 916, Sư đoàn Không quân 371, Quân chủng Phòng không - Không quân với 21 chiến sĩ đang trong giờ huấn luyện đã rơi xuống cánh đồng thôn Hòa Lạc, xã Bình Yên, huyện Thạch Thất. 20 chiến sĩ đã hy sinh, chỉ còn duy nhất Thượng úy Đinh Văn Dương sống sót. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.