Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngày càng khẳng định rõ vai trò, vị thế quốc gia

Quỳnh Dương| 31/05/2017 06:22

(HNM) - Cách đây gần 40 năm, ngày 20-9-1977, Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 149 của tổ chức Liên hợp quốc. Sự kiện này mở ra một thời kỳ mới cho ngoại giao đa phương của Việt Nam, đóng góp quan trọng vào thành công của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh cùng cựu Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon cắt băng khánh thành tòa nhà trụ sở đầu tiên của Liên hợp quốc trên thế giới được cấp chứng chỉ "xanh" tại Việt Nam năm 2015.


Ngay từ ngày đầu tham gia Liên hợp quốc, Việt Nam đã khẳng định, cam kết thực hiện các tôn chỉ, mục đích của Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế; tin tưởng vào vai trò trung tâm của Liên hợp quốc trong việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế. Là một dân tộc đã trải qua bao gian khổ, hy sinh để giành và giữ nền độc lập, Việt Nam luôn sát cánh cùng các dân tộc trên thế giới đấu tranh cho độc lập, chủ quyền và quyền dân tộc tự quyết, lên án chế độ phân biệt chủng tộc, tích cực ủng hộ những nỗ lực của Liên hợp quốc trong việc ngăn ngừa, giải quyết các cuộc tranh chấp, xung đột quốc tế bằng biện pháp hòa bình, thông qua đối thoại.

Thực hiện chính sách đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế, làm bạn với tất cả các nước, Việt Nam đã tranh thủ diễn đàn Liên hợp quốc làm cơ sở tăng cường quan hệ với các tổ chức trong hệ thống Liên hợp quốc, mở rộng quan hệ song phương và đa phương. Nổi bật là Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2008-2009. Đây là lần đầu tiên Việt Nam tham gia vào cơ quan quan trọng nhất của Liên hợp quốc về hòa bình, an ninh quốc tế. Việt Nam cũng trở thành thành viên chính thức của Công ước Cấm vũ khí hóa học năm 1998; một trong những nước đầu tiên ký Hiệp ước Cấm thử hạt nhân toàn diện năm 1996; thành viên của Hội nghị Giải trừ quân bị năm 1996. Ngoài ra, Việt Nam còn tích cực tham gia vào quá trình chuẩn bị cho các Hội nghị lớn như: Hội nghị kiểm điểm Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân; Hội nghị về chống buôn bán bất hợp pháp vũ khí nhỏ...

Sự kiện quan trọng đánh dấu vị thế của Việt Nam tại Liên hợp quốc là tham gia ứng cử và được bầu làm Phó Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc nhiệm kỳ năm 1997; thành viên Hội đồng Thống đốc Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế nhiệm kỳ 1997-1999; được bầu vào Ủy ban Phát triển xã hội và Ủy ban Nhân quyền của Liên hợp quốc tháng 5-2000; bầu vào Ban Chấp hành Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa tháng 10-2001; Ủy viên Hội đồng Thống đốc Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế năm 2003. Việt Nam đồng thời là thành viên Hội đồng Điều hành của Chương trình Phát triển và Quỹ Dân số Liên hợp quốc; thành viên Hội đồng Kinh tế - Xã hội của Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2016-2018; thành viên Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2014-2016.

Tháng 6-2014, Việt Nam lần đầu tiên cử lực lượng tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc và đang tích cực vận động ứng cử vào Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2020-2021. Hiện tại, chương trình hợp tác giữa Việt Nam và Liên hợp quốc giai đoạn 2017-2021 trong khuôn khổ "Sáng kiến Một Liên hợp quốc" đã cơ bản hoàn thành quá trình xây dựng, đang trình Chính phủ Việt Nam thông qua.

Nhìn lại 40 năm qua, mối quan hệ giữa Việt Nam và Liên hợp quốc ngày càng được mở rộng, phát triển. Sự hợp tác này mang đến những hiệu quả tích cực, đáp ứng được yêu cầu của Việt Nam về phát triển kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn, tạo điều kiện thuận lợi cho những nỗ lực chung của Việt Nam và Liên hợp quốc trong việc nâng cao hơn nữa mối quan hệ hợp tác giữa hai bên, hỗ trợ cho công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam và góp phần nâng cao vai trò của Liên hợp quốc trong thời kỳ mới.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Ngày càng khẳng định rõ vai trò, vị thế quốc gia

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.