Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngày 22-4, tổ chức Lễ hội truyền thống tại phố cổ Hà Nội

Hoàng Lân| 18/04/2018 15:40

(HNMO) - Từ ngày 22-4 đến 2-5 tới, UBND quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, tổ chức Lễ hội đình Kim Ngân và Hội nghề kim hoàn năm 2018.

Lễ hội đình Kim Ngân và Hội nghề kim hoàn 2018 sẽ khai mạc vào chủ nhật, 22-4. Ảnh minh hoạ


Lễ hội đình Kim Ngân và Hội nghề kim hoàn năm 2018 được tổ chức nhằm góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, các tầng lớp nhân dân trên địa bàn đối với việc bảo tồn các giá trị di sản văn hoá và ngành nghề thủ công truyền thống của phố cổ Hà Nội, qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và du lịch trên địa bàn. Đồng thời, đây là một hoạt động văn hóa có ý nghĩa thiết thực, không chỉ phục vụ nhu cầu tín ngưỡng mà còn là nơi trao đổi kinh nghiệm về nghề, giới thiệu và trình diễn của một số làng nghề kim hoàn nổi tiếng của Hà Nội.

Đình Kim Ngân ở 42-44 phố Hàng Bạc, là một trong những đình cổ của Kinh thành Thăng Long xưa và Hà Nội ngày nay. Phố Hàng Bạc trước đây có ba nghề khác nhau: nghề đúc bạc nén và đổi tiền của người dân làng Châu Khê (Hải Dương), nghề kim hoàn của người dân làng Định Công (Hà Nội) và Đồng Xâm (Thái Bình).

Trong khuôn khổ lễ hội, quận Hoàn Kiếm sẽ tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật dân gian góp phần tuyên truyền, giới thiệu và quảng bá cho du khách về phong tục, tập quán, nét văn hóa tín ngưỡng phong phú, đa dạng.

Theo kế hoạch, Lễ hội đình Kim Ngân được khai mạc vào 7h ngày 22-4 với các hoạt động: Lễ rước kiệu xuất phát từ đình Kim Ngân đi qua các phố Hàng Bạc, Hàng Bè, Hàng Dầu, Lò Sũ, Đinh Tiên Hoàng, Hàng Đào. Sau lễ rước là các hoạt động dâng hương, biểu diễn văn nghệ dân gian truyền thống; giao lưu với các nghệ nhân kim hoàn.

Hội nghề kim hoàn 2018 diễn ra từ ngày 22-4 đến 2-5 tại đình Kim Ngân, gồm các hoạt động: giới thiệu sản phẩm và trình diễn thao tác một số công đoạn làm nghề kim hoàn; tham quan tuyến phố nghề Hàng Bạc; tổ chức trưng bày, giới thiệu các sản phẩm kim hoàn của các nghệ nhân đến từ các làng nghề: Định Công - Hoàng Mai, Châu Khê - Hải Dương, làng nghề chạm bạc Đồng Xâm - Thái Bình, làng nghề đúc đồng Đại Bái - Bắc Ninh, làng nghề dát vàng, bạc Kiêu Kỵ - Gia Lâm (Hà Nội).

Ngoài ra, trong khuôn khổ của hoạt động này còn có tọa đàm nói chuyện về phố nghề, làng nghề.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Ngày 22-4, tổ chức Lễ hội truyền thống tại phố cổ Hà Nội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.