Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngát thơm hoa sói, hoa nhài...

ANHTHU| 06/08/2007 07:31

(HNM) - Chẳng thanh cũng thể hoa mai Dẫu không lịch sự cũng người Thượng Kinh Và:         Chẳng thơm cũng thể hoa nhài Chẳng lịch cũng thể con người Tràng An

Chăm sóc hoa tại làng hoa Tây Tựu (huyện Từ Liêm). Ảnh: Nguyệt Ánh

        (HNM) - Chẳng thanh cũng thể hoa mai

Dẫu không lịch sự cũng người Thượng Kinh

Và:

Chẳng thơm cũng thể hoa nhài

Chẳng lịch cũng thể con người Tràng An

Mấy câu ca ấy rất khiêm nhường, nền nã, mà vẫn hàm chứa một khẳng định. Đâu phải tình cờ mà hoa nhài, hoa mai được người xưa chọn làm hình tượng để biểu đạt màu thanh vẻ lịch của con người Tràng An, nơi chứng kiến bao chiến công hào hùng, cả những biến cố của dân tộc, nơi hội tụ đầy đủ các yếu tố làm nên một kinh kì có bề dày văn hiến ngàn năm. Vị trí của nó được khẳng định thành bất biến:

Ngát thơm hoa sói hoa nhài

Khôn khéo thợ thày Kẻ Chợ

Vậy là với Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội, cái thanh lịch Kẻ Chợ được biểu thị bằng sói, bằng nhài, bằng mai.

Yêu hoa, người ta yêu luôn người trồng hoa, và yêu cả “hoa nàng”, “Nàng Hoa”:

Phiên rằm chợ chính Yên Quang

Yêu hoa anh đợi hoa nàng mới mua

Theo Đại Việt sử kí toàn thư, từ thời Lý, vùng Ngọc Hà đã có Làng Hoa thờ Bà Chúa Hoa - Hoa Nương - làm nữ thần bảo hộ của làng (được xếp hạng trong lịch sử). Đến đầu thời Lê đã tồn tại chợ Hoàng Hoa (hoàng hoa là hoa cúc). Thời Lý, Trần, Lê, sử chép Thăng Long có phường Yên Hoa (đời Nguyễn đổi thành Yên Phụ), phường Kim Hoa (đời Nguyễn đổi thành Kim Liên), đầm sen - nay là vùng Bẩy Mẫu. Cũng thời Lý, trên đất Thăng Long còn có vườn thượng uyển Hoa Lâm (Rừng hoa, nay thuộc Mai Lâm - Đông Anh), còn gọi Hoa Viên, nơi có đền thờ tổ tiên nhà Lý. Ngoài ra, phía Tây cấm thành cũng có vườn thượng uyển (Hướng Tây cấm chi danh viên - văn bia chùa Đọi).

Chợ hoa Thăng Long ngày trước chủ yếu bán hoa cúng vào ngày một, ngày rằm, như câu ca đã dẫn. Nhưng ở thành thị ngày trước, không loại trừ đã có việc bán cành hoa cho nhà khá giả cắm trong lọ. Trách người quân tử bạc tình/ Yêu hoa rồi lại bẻ cành bán rao. Câu ca ấy đã nhân một hiện tượng có thực - bẻ cành đem bán - mà triết lý về nhân tình thế thái.

Như vậy là trên đất Thăng Long đã có làng hoa để cung ứng cho nhu cầu của Kinh kỳ. Yêu hoa nên người ta đặt tên hoa cho tên làng, tên trại: làng Kim Liên, làng Hoàng Mai, chợ Hoàng Hoa, phố Hòe Nhai, phố Liên Trì, chùa Liên Phái... Tên người, thường là nữ, thì cũng cứ cô Lan, cô Đào, cô Cúc, cô Huệ... Đến người giúp việc thì lại con sen,con nhài, đối ứng với gia nhân nam thì dùng quả, thằng cam thằng quýt...

Hoa cũng đã trở thành hoa sử. Vua Lý Thái Tôngnằm mộng được Phật Bà Quan Âm trao cho đóa sen, sớm sau cho xây Liên Hoa Đài tức chùa Một Cột đậu trên đóa sen đang nở, trong khuôn viên chùa Diên Hựu ngày nay. Vua Trần Thánh Tông kết hoa vào nỗi riêng tư, tưởng nhớ đến người cũ: Vạn tử thiêng hồng không lạn mạn/ Xuân hoa như hứa vị thùy khai (ngàn hồng muôn tía luống những đua tươi / không biết những hoa xuân kia vì ai mà nở). Và cũng vì hoa, Phạm Đình Hổ đem gắn hoa vào cái cung bậc diễn biến của một đời người khi nhớ chuyện cũ: Năm ngoái hoa đào nở/ Cô em tập cài đầu / Năm nay hoa đào nở / Em đã đi làm dâu.

Đời Trần, triều vua Anh Tông có Ngũ Bách Lan viên bên đồi Long Đỗ, nuôi trồng đến năm trăm loài lan quý. Lĩnh Nam chích quái (viết lại năm 1501) chép truyện Hà Ô Lôi: Nhà quận chúa Trần bên bờ sông Tô có cả một vườn hoa đua sắc, Hà Ô Lôi giả xin một chân cắt cỏ, vào vườn cắt sạch cả cỏ cả hoa để bị bắt giữ và tìm cách hát ca để gần gũi quận chúa... Vậy ta có thể khẳng định rằng thời Lý – Trần, các đấng quân vương quý tộc đều có hoa viên.

Sử lại chép sang đầu thời Lê, ở Thăng Long các nhà quan đều trồng hoa. Năm Kỷ Dậu (1429), tháng ba, ngày 20 vua hạ lệnh: Cho Đô tổng quản và Quản lĩnh các đạo cùng các quan viên ở các phường trong Kinh thành biết rằng: hiện nay đất của các công hầu, bách quan đều có phần nhất định, nên phải trồng cây, trồng hoa và rau đậu,không được bỏ hoang... Xem đấy đủ biết con người Thăng Long từ ấy không những chỉ cần cái thực dụng, mà còn hướng tới cái đẹp vẹn thuần. Cạnh “cái ăn”, cái đẹp hình thành tâm hồn, bản chất văn hóa, dẫn con người tới Chân - Thiện - Mỹ. Yêu hoa, yêu vẻ đẹp của hoa rồi trồng nên, con người với thiên nhiên đã có sự hòa hợp. Quy luật về sự tương đồng giữa nhu cầu thực tế với cái đẹp, cùng sự kết hợp giữa âm và dương đã được vận dụng một cách hoàn hảo, đảm bảo cho sự sinh sôi nảy nở.

Bên hoa, ông cha ta còn có cây cảnh, từ thưởng ngoạn hình thức bên ngoài mà “bước sang” tâm linh, triết học, để kí thác hoài bão, nghị lực, tuyên ngôn về lẽ sống. Để biểu thị sức mạnh đoàn kết có thế Quần thụ. Thế Bạt phong hồi đầu cổ vũ tinh thần cương trực bất khuất. Răn dạy con cháu trung thực, tôn trọng kỉ cương là thế Trực Liên Chi. Uống nước nhớ nguồn là thế Mẫu Tử, Phụ Tử. Khuyến khích tình thương yêu đùm bọc: thế Huynh đệ đồng khoa. Thế Long Giáng cho thấy khao khát sức mạnh chế ngự. Thế Phượng Vũ hợp với người yêu thích và trân trọng cái đẹp...

Cạnh thế cây, từng loại cây đều có ý tượng trưng riêng biệt. Tùng, bách, la hán toát lên vẻ đĩnh đạc hiên ngang, chứa chan cái khí phách oai phong hào hùng. Những sanh, si, đề, đa lại hiền dịu, nền nã, đậm đà sắc màu bản địa, làm ấm dịu lòng người.

Phạm Đình Hổ, trong Vũ trung tùy bút, thế kỉ 18, đã viết: Thế mới biết người xưa cho tinh thần đi chơi ngoài cảnh vật, trong cách chơi mà vẫn ngụ cái ý về thế giáo thiên luân. Vậy nên mượn khóm hoa tảng đá để kí thác hoài bão cao cả. Đây có thể coi là một lời “tổng kết” về thú chơi hoa, cây cảnh - di sản văn hóa phi vật thể mà người Thăng Long xưa để lại.

ĐặngTiến Nam

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngát thơm hoa sói, hoa nhài...

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.