Sau hơn 4 năm triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), huyện Sóc Sơn đã có 125 sản phẩm được UBND thành phố Hà Nội đánh giá, phân hạng 3-4 sao.
Kết quả này là nhờ thời gian qua, Sóc Sơn luôn đồng hành, hỗ trợ các chủ thể phát triển sản phẩm OCOP, tạo sức bật cho sản xuất nông nghiệp, gia tăng lợi ích kinh tế cho các chủ thể và người dân.
Phát huy lợi thế về thổ nhưỡng, khí hậu, nhiều năm qua, Hợp tác xã Bưởi sạch và Kinh doanh sản phẩm hữu cơ xã Phú Cường (huyện Sóc Sơn) đã nhân rộng mô hình trồng bưởi Diễn theo hướng tập trung, quy mô lớn. Hợp tác xã hiện có 60 thành viên tham gia quản lý, sản xuất hơn 32ha bưởi Diễn theo tiêu chuẩn an toàn.
Giám đốc Hợp tác xã Bưởi sạch và Kinh doanh sản phẩm hữu cơ xã Phú Cường Nguyễn Văn Tuấn cho biết, được Phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc, quy trình bón phân, bọc quả nên sản phẩm bưởi Diễn của hợp tác xã có mẫu mã đẹp, thơm, mọng nước, ngọt thanh. Đặc biệt, từ năm 2022 đến nay, nhờ sự hỗ trợ của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội và UBND huyện Sóc Sơn, sản phẩm bưởi Diễn của hợp tác xã được đánh giá, phân hạng 3 sao, cung cấp cho thị trường khoảng 600.000 quả/năm, đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng cho thành viên hợp tác xã.
Tương tự, Hợp tác xã Trái tim hồng chuyên sản xuất hạt gỗ mỹ nghệ ở xã Hồng Kỳ cũng nhận được sự hỗ trợ tích cực từ huyện Sóc Sơn trong phát triển sản phẩm OCOP. Hiện nay, 8 sản phẩm OCOP của hợp tác xã phát triển ổn định, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Giám đốc Hợp tác xã Trái tim hồng Đinh Thị Quỳnh Nga khẳng định: “Nhờ có thương hiệu OCOP mà các sản phẩm: Rèm hạt gỗ hương, mành hạt gỗ bồ đề, đệm lót ghế văn phòng, gối gỗ mỹ nghệ… của hợp tác xã sản xuất ra đến đâu đều được tiêu thụ hết đến đó, doanh thu tăng khoảng 2 tỷ đồng/năm, thu nhập của người lao động đạt 6-9 triệu đồng/người/tháng”.
Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn Hoàng Thị Hà, sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện đã có bước tiến về chất lượng, đa dạng mẫu mã; bảo đảm điều kiện, quy định về tem, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Nhiều chủ thể sản xuất khi tham gia Chương trình OCOP đã chủ động học tập kinh nghiệm, đổi mới tư duy, phương pháp sản xuất, mở rộng mô hình, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao giá trị kinh tế. Đặc biệt, nhiều cơ sở trước đây chỉ sản xuất, tiêu thụ ở quy mô nhỏ lẻ, khi được gắn mác OCOP, sản phẩm đã có vị thế, uy tín trên thị trường, doanh số bán hàng của các chủ thể tăng trung bình 10-20%/năm.
Để có được thành công này, từ năm 2020 đến nay, huyện Sóc Sơn đã phối hợp với Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội tổ chức đào tạo, tập huấn cho hơn 500 lượt cán bộ xã, thị trấn; các chủ thể, hợp tác xã, hộ kinh doanh có tiềm năng tham gia phát triển sản phẩm OCOP. Bên cạnh đó, huyện hỗ trợ chi phí tư vấn hồ sơ minh chứng, thiết kế bao bì, tem nhãn sản phẩm và các chương trình marketing sản phẩm. Các chủ thể có sản phẩm OCOP được huyện kết nối tham gia xúc tiến thương mại, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm trên các nền tảng thương mại điện tử, chuỗi kinh doanh thực phẩm sạch; hỗ trợ đưa 300 sản phẩm làng nghề, sản phẩm OCOP bán và giới thiệu trên trang website thương mại điện tử www.socsonshop.com, trang fanpage “SS.Shoping”…
Về lĩnh vực này, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Đỗ Minh Tuấn khẳng định: Phát triển sản phẩm OCOP giúp gia tăng giá trị sản xuất trên đơn vị canh tác, nâng cao thu nhập cho người dân, đóng góp quan trọng trong phát triển nông nghiệp của huyện. Thời gian tới, để phát triển sản phẩm OCOP, Sóc Sơn tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, huy động sự vào cuộc tích cực của các chủ thể có sản phẩm tiềm năng; chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn hỗ trợ các chủ thể hoàn thiện sản phẩm, tham gia dự thi Chương trình OCOP. Mặt khác, huyện kiến nghị UBND thành phố Hà Nội thường xuyên tổ chức chương trình kết nối giữa các chủ thể với doanh nghiệp, nhà khoa học, xây dựng hệ thống phân phối nhằm phát triển sâu rộng mạng lưới tiêu thụ sản phẩm OCOP trên thị trường, góp phần nâng cao giá trị kinh tế cho các chủ thể và người dân trên địa bàn…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.