Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngành Nông nghiệp: “Khát” nhân lực chất lượng cao

Bạch Thanh| 05/10/2022 06:11

(HNM) - Để phát triển các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái… đòi hỏi phải có nguồn nhân lực có tư duy mới, khả năng tiếp thu, ứng dụng khoa học công nghệ. Tuy nhiên, hiện tại, cũng như bối cảnh chung của cả nước, chất lượng lao động khu vực nông thôn của Thủ đô Hà Nội còn thiếu và yếu, đa phần là người già, trung tuổi, chưa qua đào tạo. Để khắc phục tình trạng trên, Hà Nội đã và đang nỗ lực tìm giải pháp phát triển, nâng cao nguồn nhân lực có kỹ năng, tư duy nhằm khai thác, sử dụng tốt công nghệ, ứng dụng khoa học tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp hiện đại.

Chăm sóc rau tại Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Đức Phát (xã Yên Mỹ, huyện Thanh Trì).  Ảnh: Nguyễn Quang

Nhiều khó khăn, vướng mắc

Trang trại dưa lưới Thanh Bình của anh Nguyễn Văn Huy ở xã Hòa Bình (huyện Thường Tín) là một trong những trang trại đầu tiên của huyện tiên phong thử nghiệm gói giải pháp Smart Farm (nông nghiệp công nghệ cao). Thông qua các thiết bị điều khiển thông minh, không chỉ giúp cây dưa phát triển nhanh, chất lượng và độ ngọt tăng 10-15% so với trước mà điểm tối ưu là khâu vận hành rất dễ dàng và hiện đại, không phụ thuộc yếu tố thời tiết. Qua điện thoại thông minh kết nối internet, ở bất kỳ đâu, anh Huy cũng có thể chăm sóc, điều chỉnh lượng nước, nhiệt độ hệ thống nhà vườn. Bên cạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, anh Huy đã và đang tận dụng công nghệ thông tin để tham gia các sàn thương mại điện tử, các mạng xã hội... qua đó, giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ nông sản và sử dụng thành thạo phương thức thanh toán điện tử trong giao dịch thương mại điện tử.

Tuy nhiên, không phải bất cứ nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp nào đầu tư nông nghiệp công nghệ cao cũng thành công như anh Nguyễn Văn Huy. Thời gian qua, đã có không ít doanh nghiệp, hợp tác xã phải “khóc ròng”, chịu thất bại sau khi đầu tư cả tỷ đồng mua sắm trang thiết bị, xây dựng cơ sở vật chất làm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhưng lại thiếu lao động có tay nghề và chuyên môn cao nên không thể làm chủ khoa học công nghệ.

Chia sẻ về “điểm nghẽn” khiến nhiều nơi gặp khó khăn chưa thể ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, kinh doanh nông sản, Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi Hòa Mỹ, xã Vạn Thái (huyện Ứng Hòa) Nguyễn Văn Thanh thừa nhận, hầu hết người làm nông nghiệp hiện nay đều chạm ngưỡng 50 tuổi, rất nhiều người trên 60 tuổi nên việc tìm hiểu thông tin trên internet, ứng dụng công nghệ mới, chia sẻ kinh nghiệm, kết nối, quảng bá thương hiệu không nhạy bén bằng lớp trẻ.

Không chỉ trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, các loại hình nông nghiệp gắn với dịch vụ, du lịch cũng đang thiếu hụt lao động. Tiến sĩ Ngô Kiều Oanh, chuyên gia nông nghiệp, chủ trang trại Đồng quê Ba Vì (huyện Ba Vì) cho rằng, hiện nay, nhân lực trong việc chuyên biệt hóa du lịch tại địa phương đang là rào cản lớn để người dân mở rộng mô hình. Bởi, hiện nay để đào tạo một nông dân sản xuất nông nghiệp thuần túy có thêm nhiều kỹ năng khác, như: Thích ứng khoa học kỹ thuật, công nghệ gắn với dịch vụ chuyên nghiệp là cả một quá trình, đòi hỏi sự hỗ trợ đào tạo, tập huấn trong thời gian dài gắn với các hoạt động thực tiễn cụ thể.

Kiểm tra chất lượng thức ăn cho lợn tại Hợp tác xã Chăn nuôi Hòa Mỹ (xã Vạn Thái, huyện Ứng Hòa). Ảnh: Trần Quang

Giải bài toán thiếu nhân lực

Theo Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội, thực tế, lực lượng lao động hiện nay chủ yếu vẫn là người lớn tuổi, khả năng tiếp nhận tiến bộ kỹ thuật hạn chế, sản xuất chủ yếu dựa vào kinh nghiệm. Qua thống kê chưa đầy đủ, độ tuổi làm nghề nông ở ngoại thành Hà Nội đa số trên 45 tuổi. Chỉ tính riêng ở khu vực hợp tác xã đã có hơn 53% lao động chưa qua đào tạo, đa số chỉ làm theo thời vụ; số có trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp mới chỉ chiếm khoảng 14%; độ tuổi cán bộ quản lý hợp tác xã dưới 30 tuổi chỉ chiếm dưới 20%...

Trong buổi làm việc với lãnh đạo thành phố Hà Nội mới đây, GS.TS Phạm Văn Cường, Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực nông nghiệp của Hà Nội là khoảng trống lớn khi thanh niên ngoại thành hiện nay có rất nhiều lựa chọn nghề nghiệp. Lao động nông nghiệp chỉ còn người già, trung niên, rất dễ an phận với cách sản xuất truyền thống, ngại tiếp thu khoa học kỹ thuật mới. Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành Nông nghiệp, Hà Nội nên có chính sách hỗ trợ đào tạo từ sơ cấp, trung cấp... đến đại học cho thanh niên nông thôn tham gia nắm bắt kiến thức trong lĩnh vực nông nghiệp. Khi có nguồn nhân lực chất lượng cao, chắc chắn nông nghiệp Hà Nội sẽ hình thành nên các mô hình nông nghiệp tiêu biểu.

Nhìn nhận những khó khăn trong việc nâng cao chất lượng nhân lực trong lĩnh vực nông nghiệp, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho hay: "Thành phố Hà Nội đang tập trung tháo gỡ khó khăn trong phát triển nông nghiệp. Hiện nay, lao động phổ thông trong nông nghiệp cũng thiếu chứ chưa nói tới lao động chất lượng cao, có trình độ kỹ thuật, nắm bắt và làm chủ được công nghệ... Do đó, việc thiếu hụt lực lượng lao động có trình độ chuyên môn cao đang được các địa phương, doanh nghiệp và chuyên gia trong ngành đặc biệt quan tâm.

Để từng bước giải bài toán "khát" nhân lực chất lượng cao cho sản xuất nông nghiệp hiện đại, ngành Nông nghiệp Thủ đô đã và đang tranh thủ cơ chế, chính sách hỗ trợ của thành phố về cơ cấu lại ngành Nông nghiệp; có chính sách đặc thù khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Bên cạnh đó, Hà Nội đẩy mạnh các chương trình đào tạo, tập huấn chuyên sâu thông qua hoạt động khuyến nông, bảo vệ thực vật… nhằm đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ, thu hút lao động chất lượng cao vào làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngành Nông nghiệp: “Khát” nhân lực chất lượng cao

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.