(HNM) - Sau khi thành phố Hà Nội thực hiện nới lỏng giãn cách xã hội, các nhà hàng, quán ăn… được hoạt động trở lại, nhu cầu về nông sản, thực phẩm sẽ tăng cao. Để chủ động nguồn cung trong tình hình mới, ngành Nông nghiệp Hà Nội đang tích cực phối hợp với các địa phương đẩy mạnh sản xuất theo hướng an toàn, cung cấp nguồn thực phẩm sạch cho người tiêu dùng Thủ đô.
Các trang trại tăng tốc sản xuất
Hiện nay, do nhu cầu của người dân tăng cao nên để đáp ứng nhu cầu, các trang trại, hợp tác xã đẩy mạnh việc xuống giống, tăng đàn, bảo đảm nguồn cung thực phẩm cho thị trường. Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại Lan Vinh (huyện Gia Lâm) Nguyễn Thị Lan cho biết, trong 4-5 ngày nay, công ty đã tăng công suất hoạt động lên 50% so với thời điểm giãn cách xã hội, mỗi ngày cung ứng ra thị trường khoảng 10 tấn thịt và sản phẩm từ thịt gia cầm (gà, ngan, vịt, chim câu…). Việc tiêu thụ rất suôn sẻ khi công ty thực hiện kết nối với Công ty Ngôi sao xanh để đưa hàng vào hệ thống siêu thị Metro trên địa bàn thành phố. Ngoài ra, công ty còn kết nối với khách hàng lẻ qua các nhóm Zalo, Facebook và xây dựng đội ngũ giao hàng đến tận ngõ cho khách hàng. Nhờ đó, sản lượng tiêu thụ cũng như doanh thu của công ty dần phục hồi, đạt khoảng 70% so với thời điểm khi đợt dịch thứ 4 chưa bùng phát.
Còn theo Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Đông Cao, xã Tráng Việt (huyện Mê Linh) Đàm Văn Đua, do nhu cầu tăng cao và việc nới lỏng giãn cách xã hội thuận tiện cho việc tiêu thụ, nhờ vậy, trung bình mỗi ngày hợp tác xã cung ứng hơn 15 tấn rau các loại cho thị trường Hà Nội, góp phần bảo đảm nguồn thực phẩm cho nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô. Bên cạnh đó, các thành viên trong hợp tác xã cũng đang đẩy mạnh việc chăm sóc 200ha rau màu vụ đông với các loại: Bắp cải, su hào, cà chua, cải thảo…
Cũng về vấn đề này, ông Phạm Văn Long, chủ trang trại chăn nuôi gà ở xã Trung Hòa (huyện Chương Mỹ) chia sẻ: “Hiện tại, khi thành phố Hà Nội thực hiện nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch, dù chưa được như thời điểm đầu năm 2021, song, để bảo đảm nguồn cung thực phẩm cho người tiêu dùng trong mọi tình huống, trang trại tăng quy mô 12.000 con gà tại Khu công nghiệp Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình và 1 trang trại chăn nuôi gà ấp trứng với quy mô 6.000 con tại thôn Trung Cao, xã Trung Hòa”.
Đánh giá về hoạt động sản xuất của các trang trại, hợp tác xã, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng cao, đặc biệt là dịp cuối năm, Hà Nội tiếp tục duy trì, phát triển đàn bò 164.000 con; đàn lợn đạt 1,6-1,8 triệu con; đàn gia cầm đạt 38-40 triệu con; đẩy mạnh sản xuất vụ đông với mục tiêu gieo trồng gần 30.000ha; duy trì sản xuất 5.000ha rau an toàn.
Hỗ trợ và kết nối tiêu thụ
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Nguyễn Đình Sơn, để mở rộng diện tích sản xuất, tận dụng tối đa diện tích đất bỏ hoang, vụ đông năm 2021, huyện triển khai hỗ trợ 21ha khoai tây thương phẩm, 50ha bí đỏ, 27ha bí xanh, mức hỗ trợ là 50% chi phí giống, 50% thiết bị, vật tư thiết yếu (chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật...); 100% chi phí tập huấn kỹ thuật sản xuất an toàn, quản lý, liên kết tiêu thụ theo chuỗi; 100% công chỉ đạo, hướng dẫn sản xuất đối với sản xuất khoai tây. Huyện cũng yêu cầu các xã, thị trấn hướng dẫn nông dân sản xuất theo hướng an toàn, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Ứng Hòa Phạm Văn Hoạch, đến nay toàn huyện cơ bản thu hoạch xong vụ mùa và hướng dẫn nông dân trồng vụ đông. Vụ đông năm nay huyện phấn đấu gieo trồng hơn 800ha, cơ cấu vẫn trọng tâm là các loại rau, củ, quả. Trong đó, diện tích rau khoảng 480ha ở các xã ven Đáy như Viên An, Viên Nội, Sơn Công… còn trồng khoai tây, khoai lang, ngô ở các xã như Phù Lưu, Hòa Nam. Để nông dân không bỏ ruộng, huyện sẽ hỗ trợ khoảng 2 tỷ đồng cho vụ đông về giống. Cùng với đó, tiếp tục hỗ trợ người dân về xây dựng thương hiệu để nâng cao giá trị sản phẩm.
Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, hiện nay nhịp độ sản xuất nông nghiệp ở các địa phương đã trở lại bình thường. Bên cạnh việc đẩy mạnh sản xuất cây trồng, vật nuôi, Hà Nội tập trung vào hỗ trợ cho các cơ sở chế biến nông sản để thực hiện việc sơ chế, bảo quản nông sản khi vào vụ thu hoạch; xây dựng kho chứa nguyên liệu; đồng thời hỗ trợ về kỹ thuật cho nông dân để sản xuất ra những sản phẩm an toàn, bảo đảm chất lượng…
Ngoài ra, thời gian tới, ngành Nông nghiệp Thủ đô tiếp tục phối hợp với các địa phương đẩy mạnh sản xuất rau, cây ăn quả, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản theo kế hoạch, bảo đảm nguồn cung nông sản, thực phẩm cho người tiêu dùng Thủ đô. Theo đó, ngành Nông nghiệp Hà Nội tiếp tục tham mưu thành phố có chính sách hỗ trợ về vốn thông qua nguồn vốn Quỹ Khuyến nông để các trang trại, hợp tác xã mở rộng quy mô sản xuất. Hướng dẫn nông dân sản xuất theo hướng an toàn; xây dựng thương hiệu; đẩy mạnh việc phát triển mã QR truy xuất nguồn gốc xuất xứ sản phẩm. Ngành Nông nghiệp cũng phối hợp với các doanh nghiệp đẩy mạnh việc xúc tiến thương mại; trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp sẽ tổ chức bán hàng qua các kênh online để người sản xuất và doanh nghiệp ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.