(HNMO) – Qantas vừa lập kỷ lục mới về chuyến bay liên tục không nghỉ, đem tới nhiều đánh giá khoa học mới trong lĩnh vực hàng không dân dụng.
Cụ thể, hãng hàng không Australia đã hoàn tất chuyến bay thương mại đầu tiên trong lịch sử kéo dài 19 tiếng 16 phút liên tục không ngừng, xuất phát từ New York (Mỹ) và hạ cánh ở thành phố Sydney (Australia).
Đây là một phần trong dự án nghiên cứu có tên Sunrise nhằm đánh giá những tác động của các chuyến bay dài lên thể trạng của phi công, trong đó tập trung theo dõi sóng não, hàm lượng melatonin và khả năng duy trì nhận thức tổng thể. Đối với hành khách, nghiên cứu cũng sẽ chỉ ra mức độ hiệu quả của các phương thức chống jet-lag (hiện tượng mệt mỏi do chênh lệch múi giờ), ví dụ như: Thay đổi ánh sáng trong khoang, điều chỉnh khẩu phần ăn…
Thực tế, những kết quả nghiên cứu từ chuyến bay siêu dài đầu tiên là rất rõ ràng và thực tế. Trong đó, nổi bật là việc mặc dù máy bay thử nghiệm cất cánh muộn hơn 3 tiếng so với chuyến bay không dừng dài nhất mà Qantas đang phục vụ thương mại, nhưng lại tới đích sớm hơn chút ít - đồng nghĩa rằng việc bay liên tục giúp tiết kiệm rất nhiều thời gian. Bên cạnh đó, việc bật đèn trong khoang liên tục trong 6 tiếng bay đầu (để mô phỏng môi trường tại Sydney) đã thể hiện rõ hiệu quả trong việc giúp hành khách hạn chế các tác động của jet-lag.
Tuy nhiên, chuyến bay thử nghiệm cũng chỉ ra một số rào cản lớn, chưa cho phép mô hình tương tự được thương mại hóa một cách phổ biến. Với máy bay Boeing 787-9 phổ dụng, Qantas buộc phải giới hạn số hành khách ở mức 49 người (bao gồm cả phi hành đoàn). Đây là con số rất khiêm tốn so với mức chở thông thường 280 người của dòng máy bay này. Chính vì thế, bất cứ hành khách nào muốn sử dụng dịch vụ bay siêu dài sẽ phải trả chi phí rất lớn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.