(HNM) - Thành lập tổ công tác đặc biệt nhằm kịp thời tháo gỡ các điểm nghẽn; thay thế nhân sự yếu kém về năng lực, trì trệ, nhũng nhiễu, tiêu cực là những giải pháp quan trọng của Bộ Giao thông - Vận tải nhằm tăng tốc độ giải ngân vốn đầu tư công, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay.
Nỗ lực vượt khó
Trong 11 dự án thành phần của cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đoạn Cao Bồ - Mai Sơn (thuộc địa phận hai tỉnh Nam Định và Ninh Bình) được triển khai sớm nhất (cuối năm 2019), dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2021. Đến nay, đoạn tuyến cao tốc này đã đạt giá trị xây lắp khoảng 923 tỷ đồng (84% kế hoạch); lũy kế giải ngân vốn cho dự án đạt khoảng 60%. Các gói thầu xây lắp sẽ cơ bản hoàn thành trong tháng 10-2021, trừ các vị trí phải chờ lún theo yêu cầu kỹ thuật.
Bên cạnh đó, Dự án thành phần đầu tư xây dựng cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn hai đầu cầu thuộc địa phận hai tỉnh Tiền Giang và Vĩnh Long cũng đang được Ban Quản lý dự án 7 (Bộ Giao thông - Vận tải) và các nhà thầu quyết tâm hoàn thành vào năm 2023 nhằm kết nối xuyên suốt với 2 cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, Mỹ Thuận - Cần Thơ, khép kín tuyến cao tốc từ thành phố Hồ Chí Minh đi Cần Thơ. Phó Giám đốc điều hành Dự án cầu Mỹ Thuận 2 Trịnh Trường Hải cho biết: “Để bảo đảm tiến độ, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì việc tăng ca và chủ động nhập, dự trữ nguyên vật liệu như sắt thép, cát… nhằm tránh biến động giá cả”.
Dù rất nỗ lực, song đại diện các ban quản lý dự án và nhà thầu đều bày tỏ sự lo lắng trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19. Giám đốc điều hành Dự án cao tốc Mai Sơn - quốc lộ 45 (Ban Quản lý Dự án Thăng Long, Bộ Giao thông - Vận tải) Lương Văn Long thông tin, hiện trên công trường có khoảng 1.300 cán bộ, công nhân chưa được tiêm vắc xin phòng Covid-19. Nếu có ca nhiễm thì nguy cơ ảnh hưởng đến dự án rất lớn. Ngoài ra, quá trình vận chuyển nguyên vật liệu, nhân sự phục vụ thi công gặp nhiều khó khăn do các địa phương triển khai giãn cách để phòng dịch. “Chúng tôi phải căn cứ vào tình hình thực tế và tính chất của từng loại công việc, từng tình huống phát sinh cụ thể để kiến nghị với cơ quan chức năng xem xét tháo gỡ”, ông Lương Văn Long nói.
Bảo đảm tiến độ trong bối cảnh đại dịch
Theo thống kê của Vụ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ Giao thông - Vận tải), tính đến hết tháng 8-2021, khối lượng lũy kế giải ngân vốn đầu tư công của Bộ đạt 22.386 tỷ đồng, bằng 55% kế hoạch năm, cao hơn so với mức bình quân chung của cả nước (hơn 51%). Tuy nhiên, giá trị giải ngân chủ yếu vẫn là ứng vốn theo hợp đồng, thanh toán nợ đọng, thu hồi vốn ứng trước. Phần giải ngân khối lượng thi công còn thấp. Từ nay đến cuối năm 2021, Bộ cần tiếp tục giải ngân 20.914 tỷ đồng, gồm: 2.553 tỷ đồng vốn nước ngoài và 18.361 tỷ đồng vốn trong nước. Khối lượng giải ngân sẽ tập trung ở các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông, 14 dự án đường bộ, đường sắt cấp bách và các dự án trọng điểm giao vốn lớn như: Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, nâng cấp đường băng Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất...
Để bảo đảm hoàn thành kế hoạch giải ngân năm 2021, Bộ Giao thông - Vận tải đã yêu cầu các chủ đầu tư, ban quản lý dự án chỉ đạo nhà thầu lập kế hoạch thi công chi tiết các hạng mục, công trình theo từng tuần, từng tháng tương ứng với khối lượng giải ngân; tập trung huy động thiết bị, nhân lực, tranh thủ thời tiết thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ. Đại diện các nhà thầu cũng thông tin, bên cạnh việc tập trung nhân lực, phương tiện thi công, các nhà thầu sẽ chấp hành nghiêm các quy định về phòng, chống dịch mà địa phương ban hành, giám sát chặt chẽ về con người, từ khâu đi lại, ăn ở cho tới lúc làm việc trên công trường.
Mặt khác, để hỗ trợ việc thi công, Bộ Giao thông - Vận tải đã có văn bản đề nghị các tỉnh, thành phố cho phép xe vận chuyển thiết bị, nhân sự, vật liệu phục vụ dự án được di chuyển đến công trường; xem xét ưu tiên tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho cán bộ, công nhân viên các đơn vị đang làm việc tại các dự án trên địa bàn nhằm hạn chế nguy cơ lây nhiễm, bảo đảm tiến độ thi công.
“Việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của năm 2021, nhằm thúc đẩy tăng trưởng, thực hiện cao nhất các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công phải đi đôi với bảo đảm chất lượng công trình và hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công”, Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh.
Ngày 1-9, Bộ Giao thông - Vận tải đã ban hành quyết định thành lập Tổ công tác đặc biệt thúc đẩy tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 do Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể trực tiếp làm Tổ trưởng. Tổ công tác có nhiệm vụ đôn đốc, kiểm tra, xử lý các điểm nghẽn trong giải ngân vốn đầu tư công tại các dự án; đề xuất giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện; tham mưu xử lý nghiêm khắc đối với các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công; thay thế kịp thời những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về năng lực, trì trệ, gây nhũng nhiễu, tiêu cực và kiên quyết xử lý các hành vi tiêu cực.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.