Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngành Dệt may Việt Nam: Sẵn sàng nắm bắt thời cơ “vàng”

Thanh Hiền| 11/09/2015 07:45

(HNM) - Để có thể tận dụng tốt những lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do (FTA), những năm qua các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh.


Dệt may là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn được Nhà nước ưu tiên phát triển. Điều này càng thể hiện rõ hơn khi các FTA đều lấy DM là ngành lợi ích cốt lõi như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), FTA Việt Nam - Liên minh Châu Âu (EU)… Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, năm nay khá thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu (XK) của ngành DM Việt Nam, khi quá trình đàm phán một số FTA kết thúc, cơ hội cho ngành DM ngày càng nhiều hơn. Điển hình như khi TPP được ký kết và có hiệu lực, khoảng 1.000 dòng thuế nhập khẩu DM sẽ cắt giảm dần về 0%, thay vì từ 17% đến 20% như hiện nay; khả năng tăng trưởng XK của hàng DM Việt Nam vào Hoa Kỳ sẽ tăng lên mức 15%, gần gấp đôi so với mức 7-8%/năm. Với FTA Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á - Âu, kim ngạch XK DM của Việt Nam được kỳ vọng tăng khoảng 50% trong năm đầu tiên và khoảng 20% trong năm tiếp theo. Trong vòng từ 3 đến 5 năm tới, Việt Nam có thể vươn lên đạt mức kim ngạch XK tương đương với các nước Bangladesh, Ấn Độ và nằm trong nhóm 5 nước XK DM vào Liên minh Kinh tế Á - Âu.


Ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn DM Việt Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội DM Việt Nam cho biết, để đạt được mục tiêu đề ra, một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của ngành là giữ vững được những thị trường mà Việt Nam có thế mạnh như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc; tìm các thị trường mới. Điều đáng mừng là từ đầu năm đến nay, dù xuất khẩu sang Châu Âu, Nhật Bản đều giảm, nhưng DM Việt Nam vẫn có thể tăng trưởng trong các thị trường này, qua đó khẳng định những ưu điểm trong cạnh tranh của Việt Nam.

Theo số liệu của Hiệp hội DM Việt Nam, kim ngạch XK từ đầu năm đến trung tuần tháng 8-2015 đạt 13,66 tỷ USD. Chỉ tính riêng tháng 7, kim ngạch XK tăng 12,7%, đạt hơn 2,39 tỷ USD. Như vậy, với tốc độ này trong 8 tháng, kim ngạch XK DM hoàn toàn có thể đạt khoảng 15 tỷ USD. Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường tiêu thụ lớn nhất sản phẩm DM của Việt Nam. 7 tháng qua, Việt Nam XK sang thị trường này đạt gần 6,3 tỷ USD, chiếm tới 50% trong tổng kim ngạch XK DM của cả nước, tăng 13,24% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhật Bản là thị trường lớn thứ hai, chiếm 11,76% trong tổng kim ngạch, với hơn 1,48 tỷ USD, tăng 5,19%. Tiếp đến là Hàn Quốc chiếm 7,43%, với 937,75 triệu USD, tăng 1,74%. Xét về thị phần, Việt Nam hiện là quốc gia có thị phần lớn thứ hai tại Mỹ và Nhật Bản, thứ tư tại EU. Đó là 3 khu vực tiêu thụ hàng DM lớn nhất thế giới.

Mặt khác, DN DM Việt Nam có thuận lợi là được thông tin đầy đủ về các hiệp định ngay từ những vòng đàm phán đầu tiên trong suốt 5 năm qua. Ngành DM Việt Nam cũng có cán bộ tham gia tư vấn trong đoàn đàm phán hiệp định. Vì thế, khác với các DN trong những lĩnh vực khác, các DN DM Việt Nam, đặc biệt là thành viên Tập đoàn DM Việt Nam luôn được cập nhật thông tin đầy đủ qua các vòng đàm phán TPP, FTA với các nước khu vực ASEAN, Liên minh Hải quan Nga - Belarus - Kazakhstan, cũng như các hiệp định song phương Việt Nam với Nhật Bản, Hàn Quốc... Nhờ đó, các DN đã chuẩn bị kỹ cho việc tận dụng những cơ hội mới từ hiệp định và sẵn sàng cho cạnh tranh.

Đặc biệt là các DN trong tập đoàn đã có sự chuẩn bị tốt cho thị trường riêng của mình, với chiến lược về nguồn nguyên liệu, đáp ứng cao về quy tắc xuất xứ mới từ các FTA, nâng cao năng suất lao động... Điển hình như Công ty cổ phần May Việt Tiến, với thị trường XK chính là Mỹ và EU, thời gian qua DN đã triển khai nhiều giải pháp như mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư công nghệ, thiết bị, chất lượng lao động, chú trọng đến công tác thiết kế, liên kết với nhà cung ứng nguyên vật liệu trong nước để đáp ứng yêu cầu về việc sử dụng nguyên phụ liệu của TPP nhằm tạo ra lợi thế.

Có thể thấy, đây là thời cơ "vàng" để ngành DM phát triển mở rộng, đầu tư chiều sâu nhằm tăng thêm giá trị XK và sức cạnh tranh. Do đó, thay vì phát triển manh mún, ngành DM đang nỗ lực quy hoạch tập trung tất cả các điều kiện về nhân lực, tài chính, xử lý môi trường… nhằm giảm chi phí, tạo thêm giá trị gia tăng cho sản phẩm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngành Dệt may Việt Nam: Sẵn sàng nắm bắt thời cơ “vàng”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.