(HNM) - Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 góp phần tăng năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, tạo ra dịch vụ chi phí thấp...
Ngành Dệt may sẽ dôi dư lao động khi sử dụng các thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0 trong sản xuất. Ảnh: Linh Ngọc |
Ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết, đối với ngành sử dụng nhiều lao động đơn giản như dệt may thì việc áp dụng công nghiệp 4.0 sẽ rất quan trọng với nhiều cơ hội mới nếu sớm được triển khai sâu rộng. Việc áp dụng tự động hóa, robot và sử dụng các dữ liệu lớn có khả năng tăng năng suất theo cấp số nhân chứ không phải cấp số cộng.
Tuy nhiên, theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, cơ hội cho ngành Dệt may là tăng năng suất lao động, giá cả cạnh tranh nhưng thách thức là dôi dư lao động phổ thông. Đơn cử, một nhà máy có 3 vạn cọc sợi, trước đây cần tới 450 lao động, thì nay chỉ cần tối đa 30 người, thậm chí ít hơn. Còn với ngành Dệt, trước đây 1 công nhân chỉ có thể đứng 2 máy, nhưng hiện nay 1 người có thể đứng 8 - 10 máy, thậm chí 12 máy.
Bàn về những vấn đề đặt ra đối với chính sách phát triển ngành Dệt may, ông Lê Tiến Trường phân tích, nếu lĩnh vực sợi và dệt nhuộm có tốc độ tự động hóa, ứng dụng công nghệ cao từ sớm và sử dụng ít lao động thì lĩnh vực may có những điểm khác biệt. Đó là với những sản phẩm mang tính chất thời trang, có nhiều chi tiết khó và liên tục thay đổi sẽ khó để thực hiện tự động hóa trong sản xuất. Còn hàng hóa mang tính chất chuẩn mực với nhiều chi tiết cố định, ít thay đổi thì hoàn toàn có khả năng áp dụng robot.
Theo Tổng Giám đốc Lê Tiến Trường, áp dụng công nghệ thế hệ mới sẽ giúp cho năng suất lao động tăng và sử dụng ít lao động hơn, nên khoảng cách về chi phí lao động trong một sản phẩm giữa các quốc gia đang phát triển và phát triển sẽ ngày càng hẹp lại. Hiện, nhiều doanh nghiệp dệt may đã chuẩn bị đón cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 một cách khá bài bản. Bên cạnh đó, Dệt may Việt Nam trong giai đoạn công nghiệp 4.0 sẽ phải đối mặt với nguy cơ sản xuất quay lại Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc… là những quốc gia, khu vực có trình độ khoa học kỹ thuật phát triển và chiếm tới gần 90% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng may mặc của Việt Nam.
Từ góc độ của người quản lý, một số lãnh đạo ngành Dệt may kiến nghị Chính phủ quan tâm đến những ngành sử dụng nhiều lao động và đang phải đứng trước những thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, có những khuyến khích về chính sách, giúp doanh nghiệp đầu tư công nghệ hiện đại. Cụ thể như miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp của giai đoạn trước nếu doanh nghiệp đem lợi nhuận này để tái đầu tư vào công nghệ cao phù hợp với xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.