(HNM) - Đón đầu Hiệp định Đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), nhiều doanh nghiệp (DN) dệt may (DM)
6 tháng đầu năm 2015, thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào ngành DM tăng mạnh, trong tổng số vốn 5,85 tỷ USD đầu tư nước ngoài rót vào Việt Nam, ngành DM chiếm 1,12 tỷ USD. Tuy nhiên, ngành DM cũng chủ động khắc phục những điểm yếu để tạo thế chủ động trên "sân nhà".
Đứng đầu là dự án sản xuất, gia công các loại sợi của Công ty TNHH Hyosung Đồng Nai với tổng vốn đầu tư 660 triệu USD. Đây là dự án của nhà đầu tư Thổ Nhĩ Kỳ tại Khu công nghiệp Đồng Nai. Thứ hai là dự án sản xuất sản phẩm may mặc cao cấp của Công ty TNHH Worldon (Việt Nam), tổng vốn đầu tư 300 triệu USD do nhà đầu tư Anh quốc đầu tư tại TP Hồ Chí Minh.
Tiếp đến trong danh mục các dự án lớn trong 6 tháng đầu năm 2015 thuộc về dự án nhà máy sợi, vải màu Lu Thai tổng vốn đầu tư 160,8 triệu USD do nhà đầu tư Hồng Kông (Trung Quốc) thực hiện tại tỉnh Tây Ninh với mục tiêu sản xuất sợi, vải màu. Trước đó, ngành DM cũng có 3 dự án lớn thuộc về các nhà đầu tư Trung Quốc, gồm các dự án 400 triệu USD xây Khu công nghiệp DM tại Nam Định; 300 triệu USD của Texhong tại Quảng Ninh và 200 triệu USD tại Hải Dương...
Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Tổng công ty May 10. |
Các dòng vốn lớn đổ vào ngành DM đã khẳng định những cơ hội lớn trong lĩnh vực DM từ các hiệp định thương mại tự do Việt Nam vừa ký kết cùng những mối lợi lớn của DM Việt Nam khi Hiệp định TPP dự kiến sẽ ký kết trong thời gian tới. Dòng vốn nước ngoài vào lĩnh vực DM còn là cơ hội đưa Việt Nam đến gần hơn với chuỗi cung ứng sản phẩm DM toàn thế giới.
Tại Diễn đàn DM Việt Nam 2015 tổ chức vào cuối tháng 6 vừa qua, bà Julia K.Hughes Chủ tịch Hiệp hội thời trang Mỹ cho biết, nhiều DN Mỹ mong muốn tìm nguồn cung ứng từ các quốc gia tham gia Hiệp định TPP. Việt Nam đang được xếp hạng cao nhất về khả năng thu hút các DN mới, vì vậy không thể bỏ lỡ cơ hội này...
Tuy nhiên, thách thức lớn nhất của ngành DM Việt Nam hiện nay là lệ thuộc vào nguyên liệu của nước ngoài. DM là một trong những ngành xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam, nhưng về chuỗi giá trị gồm nguyên liệu, nghiên cứu thiết kế, sản phẩm, marketing và phân phối vẫn còn nhiều hạn chế. Hơn nữa, các quy định về môi trường ngày càng khắt khe.
Do khả năng vốn của các DN "nội" thấp, nên đến nay sản xuất nguyên liệu hỗ trợ cho ngành DM gần như mới chỉ tập trung cho các công đoạn giá trị gia tăng thấp, các khâu có giá trị gia tăng cao như sợi, hóa chất, chất trợ nhuộm, nhuộm in hoa và hoàn tất vải vẫn phải nhập khẩu. Cùng với đó, Việt Nam phải chịu ảnh hưởng trực tiếp khi mức lương tối thiểu, vốn đầu tư, giá nguyên phụ liệu… tạo sức ép buộc DN phải tăng chi phí sản xuất.
Để khắc phục những hạn chế trên, Hiệp hội DM Việt Nam sẽ tiếp tục mời gọi các DN trong, ngoài nước đầu tư vào những điểm yếu nhất của ngành DM. Tập đoàn DM Việt Nam cũng đã tập trung đầu tư mạnh cho các khâu sản xuất sợi, dệt, nhuộm… Từ năm 2013 đến nay, Tập đoàn đã đầu tư 14 dự án sợi, 15 dự án dệt, 15 dự án may…
với tổng mức đầu tư hơn 8.000 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành vào năm 2016, các dự án có khả năng đáp ứng 50-60% nhu cầu. Về phía DN DM, để tận dụng tối đa lợi thế từ các hiệp định với những ưu đãi lớn, các DN cần chủ động nghiên cứu đầu tư, cải tiến công nghệ, thiết kế mẫu mã mới, nâng cao chất lượng sản phẩm để có thể có chỗ đứng vững chắc trên thị trường trong nước và quốc tế.
Bên cạnh đó, DN "nội" cần tăng cường liên kết, chia sẻ cơ hội và thiết lập quan hệ đối tác chiến lược, chủ động phân định vai trò, mức đóng góp của từng đơn vị dựa trên khả năng về vốn, công nghệ... để có thể định rõ vị trí, tầm quan trọng trong chuỗi liên kết nội địa. Qua chuỗi liên kết, mỗi đơn vị sẽ từng bước tái cơ cấu để phát triển theo định hướng chuyên môn hóa cao, bảo đảm tốt nhiệm vụ trong quá trình phân công lao động của ngành.
Được biết, các DN DM đang nỗ lực khắc phục những hạn chế về năng lực quản trị, tình trạng chậm đổi mới trang thiết bị, thiếu chuyên gia tạo mẫu và thương hiệu. Trong đó, một số DN đã, đang tăng cường sự hỗ trợ từ đối tác quốc tế, viện tạo mẫu thời trang cũng như phối hợp trong đào tạo thợ lành nghề, chuyên gia thời trang theo chuẩn quốc tế.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.