(HNM) - Hơn một năm qua, người chăn nuôi cả nước lao đao trước nghịch lý giá nguyên liệu đầu vào liên tục tăng cao, trong khi giá thực phẩm lại xuống thấp.
Sản xuất không theo kế hoạch
Giá thịt GSGC đang tăng trở lại, giá thịt lợn tại miền Bắc dao động từ 46.000 đến 47.000 đồng/kg, miền Nam 40.000-44.000 đồng/kg; giá gà lông màu 35.000-36.000 đồng/kg, giá gà công nghiệp 31.000-32.000 đồng/kg. Với giá này, người chăn nuôi bắt đầu có lãi. Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Văn Trọng cho biết, thời gian qua ngành chăn nuôi thua lỗ khiến nhiều hộ phải "treo" chuồng, chỉ có các trang trại (TT) lớn bám trụ được. Hiện giá thực phẩm đang tăng, nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ bắt đầu nuôi trở lại, làm tăng nguy cơ "được mùa rớt giá". Nguồn cung dồi dào dẫn đến giá sẽ giảm, đẩy người chăn nuôi trở lại tình cảnh thua lỗ như trước đây. Cả nước hiện có 4 triệu hộ nuôi gia súc, 8 triệu hộ nuôi gia cầm và đều theo kiểu tự cung, tự cấp.
Giá thực phẩm đang tăng, nhiều hộ gia đình bắt đầu chăn nuôi trở lại. Ảnh: Giang Sơn |
Chị Phạm Thị Sẻ, một hộ chăn nuôi lợn ở huyện Thanh Oai cho hay: Giá lợn đã tăng thêm 10.000 đồng/kg so với thời điểm tháng 4-2013. Chính vì vậy, từ đầu tháng 8, gia đình chị bắt đầu nuôi trở lại đàn lợn 10 con. "Dù lãi không nhiều nhưng dự kiến đến cuối năm giá sẽ tăng mạnh, cố kiếm một chút lãi để bù vào các tháng đầu năm bỏ chuồng" - Chị Sẻ tâm sự. Không riêng gì các hộ chăn nuôi lợn, các hộ nuôi gia cầm cũng chung tâm trạng. Anh Phạm Văn Chiến, cũng ở huyện Thanh Oai cho biết, gia đình đã bắt đầu nhập khoảng 50 con gà ta giống để nuôi. "Mặc dù giá gà ta chưa tăng cao, song nuôi theo kiểu truyền thống, không sử dụng nhiều thức ăn công nghiệp, đến cuối năm đàn gà này cũng sẽ được giá..." - Anh Chiến nhận định.
Phụ thuộc vào doanh nghiệp nước ngoài
Theo Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam, trong 7 tháng năm 2013, tổng đàn GSGC cả nước giảm, trong đó đàn trâu giảm 2,5%, đàn bò giảm 3%, đàn lợn giảm 1,5% và đàn gia cầm giảm 2% so với cùng kỳ năm 2012, song nhập khẩu nguyên liệu và thức ăn chăn nuôi (TĂCN) vẫn tăng. Tổng kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này trong 7 tháng đạt 1,72 tỷ đồng, tăng 33,8% so với cùng kỳ năm trước. Đây là một thực tế đáng buồn, chứng tỏ các TT và hộ chăn nuôi trong nước không chủ động được nguồn TĂCN. Cả nước có 207 doanh nghiệp (DN) nước ngoài sản xuất TĂCN, chiếm 65-70% thị phần, còn lại là các DN trong nước, nên việc điều hành giá phụ thuộc vào DN nước ngoài. Thực tế, các DN nước ngoài chỉ sử dụng khoảng 10% thức ăn để nuôi gia công cho đàn GSGC của họ, 90% còn lại bán cho các hộ chăn nuôi trong nước, khiến sản xuất TĂCN trở thành một trong những ngành siêu lợi nhuận cho DN nước ngoài. Chủ nhiệm HTX Chăn nuôi dịch vụ Hòa Mỹ (Ứng Hòa) Nguyễn Văn Thanh cho rằng, không chỉ phụ thuộc vào giá TĂCN, người chăn nuôi trong nước còn lệ thuộc vào các loại thuốc thú y, bởi thời gian qua giá thuốc thú y chỉ có tăng mà không hề giảm. Để nuôi một con lợn xuất bán ra thị trường, các TT phải mất 350.000-370.000 đồng tiền mua vắc xin, thuốc bổ, sát trùng… Nhiều ý kiến cho rằng Nhà nước nên hỗ trợ vắc xin cho các TT chăn nuôi quy mô lớn để duy trì đàn vật nuôi.
Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Văn Trọng nhận định, ngành chăn nuôi Việt Nam vẫn phát triển tự phát nên không thể ổn định, bởi khi giá lên người dân ồ ạt nuôi, giá giảm dẫn đến thua lỗ, phải "treo" chuồng hàng loạt. Nguyên nhân chính là do quá phụ thuộc vào các DN nước ngoài và DN nước ngoài đóng vai trò thao túng thị trường, quyết định giá lên xuống. Có một thực tế, trong khi các hộ dân đang lỗ 1.500 đồng/kg lợn thì các DN nước ngoài đang lãi 1.500 đồng/kg.
Để từng bước khắc phục tình trạng chăn nuôi theo kiểu ồ ạt, cần quy hoạch lại ngành chăn nuôi trên tinh thần phát huy thế mạnh của mỗi vùng và phát triển theo hướng chọn loài vật nuôi phù hợp. Các TT cũng như các hộ nuôi nhỏ lẻ nên tự chủ động nguồn TĂCN sẵn có tại địa phương nhằm giảm giá thành và tăng giá bán. Bên cạnh đó, các địa phương cần mở các lớp tập huấn về thông tin thị trường để người dân nắm bắt được xu hướng của người tiêu dùng, xây dựng kế hoạch chăn nuôi cho phù hợp, tránh tình trạng "được mùa mất giá".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.