(HNM) - Ngành bán lẻ giữ vai trò quan trọng trong thị trường nội địa. Thời gian tới, hy vọng khi dịch Covid-19 được kiểm soát trùng với mùa mua sắm cuối năm sẽ là cơ hội để ngành bán lẻ lấy lại đà tăng trưởng. Để thông tin rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam Vũ Thị Hậu.
- Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, các lĩnh vực, ngành nghề đều gặp khó khăn, song bán lẻ hàng hóa vẫn duy trì khá ổn định. Bà đánh giá ra sao về vai trò của ngành bán lẻ?
- Ngành bán lẻ luôn là cầu nối quan trọng giữa sản xuất và tiêu dùng, đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19. Hàng Việt hiện chiếm tỷ lệ cao trong các hệ thống phân phối, tạo đầu ra cho sản phẩm của doanh nghiệp, từ đó góp phần thúc đẩy sản xuất, bảo đảm chuỗi cung ứng không bị đứt gãy.
Khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ngành bán lẻ đã nỗ lực phân phối hàng hóa phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, nhất là tại các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội.
- Vậy, ngành bán lẻ đang gặp những khó khăn, thách thức gì trước tác động của dịch bệnh, thưa bà?
- Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, ngành bán lẻ, hệ thống phân phối tuy đã có nhiều nỗ lực thực hiện tốt vai trò của mình, song luôn phải đối mặt nhiều khó khăn, thách thức trong việc bảo đảm cung ứng đủ hàng hóa, giữ bình ổn giá cả, hỗ trợ đầu ra khi hàng hóa ùn ứ tại nơi sản xuất… Chẳng hạn như trong thời gian dịch bệnh bùng phát ở các tỉnh phía Nam, hoạt động lưu thông, phân phối, tiếp nhận hàng hóa phục vụ tiêu dùng của các nhà bán lẻ gặp nhiều trở ngại. Riêng tháng 8-2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 279,8 nghìn tỷ đồng, giảm 10,5% so với tháng trước. Đến nay, từ sự chỉ đạo của Chính phủ, các ngành, địa phương, khó khăn về lưu thông hàng hóa đã được tháo gỡ. Cùng với việc dịch bệnh dần được kiểm soát, các hệ thống bán lẻ đã trở lại phục vụ người tiêu dùng.
- Thực tế, trong bối cảnh dịch Covid-19, các doanh nghiệp bán lẻ đã có những bước “chuyển mình” để vượt khó. Bà đánh giá ra sao về sự thay đổi này?
- Thời gian qua, các doanh nghiệp bán lẻ đã nỗ lực để thích ứng, như củng cố hoạt động sản xuất, kinh doanh; nâng cao chất lượng đội ngũ nhân sự; đổi mới phương thức kinh doanh phù hợp với tình hình. Trước đây, ngành bán lẻ hầu như chỉ bán hàng trực tiếp thì hiện đang phát triển phương thức bán hàng đa kênh, trong đó kênh bán hàng trực tuyến tăng trưởng nhanh chóng. Có thể thấy, trong thời gian dịch bệnh, lượng hàng được mua trực tuyến tăng gấp nhiều lần so với trước dịch và tăng so với kênh bán hàng trực tiếp. Cùng với các hàng hóa thiết yếu khác, thực phẩm tươi sống cũng được các nhà bán lẻ đưa lên kênh trực tuyến…
Bán lẻ trực tuyến đang mở ra cơ hội mới cho các doanh nghiệp trong ngành. Nắm bắt xu thế, các doanh nghiệp bán lẻ đang từng bước nâng cấp hệ thống, tiệm cận phương thức giao hàng và thanh toán tiện dụng nhất, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân trong mua sắm trực tuyến. Các hệ thống siêu thị chủ động kết nối với các nhà sản xuất và nhà cung cấp bảo đảm nguồn hàng, đưa ra nhiều kịch bản ứng phó để tránh đứt gãy chuỗi cung ứng khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp… Ngoài ra, doanh nghiệp bán lẻ triển khai nhiều giải pháp phòng dịch, thích ứng với tình hình, đẩy mạnh tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho cán bộ, nhân viên trên toàn hệ thống để người dân an tâm tới mua sắm...
- Có ý kiến cho rằng, với tiến trình tiêm vắc xin được đẩy nhanh, dịch Covid-19 dần được kiểm soát, đồng thời mùa mua sắm cuối năm đang đến gần, hoạt động bán lẻ sẽ lấy lại đà tăng trưởng. Vậy, ngành đã có những chuẩn bị ra sao để đón đầu cơ hội này?
- Khi dịch bệnh được kiểm soát, mọi sinh hoạt của người dân sẽ dần trở lại bình thường. Cùng với đó, ngành bán lẻ cũng sẽ phục hồi để đáp ứng nhu cầu mua sắm tăng trở lại, đặc biệt vào thời điểm cuối năm, khi thị trường thường rất sôi động. Chúng tôi hy vọng đó là cơ hội để ngành lấy lại đà tăng trưởng. Tuy nhiên, không thể “một sớm, một chiều” mà đạt được kết quả ấn tượng bởi bán lẻ phụ thuộc rất nhiều vào thu nhập của người dân.
- Bà có kiến nghị gì để ngành bán lẻ tiếp tục phát triển và phát huy vai trò trong thời gian tới?
- Thời gian qua, Chính phủ, các ngành, các cấp, các địa phương đã rất quan tâm đến ngành bán lẻ. Chúng tôi mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ nhiều hơn để ngành có cơ hội phát triển mạnh mẽ. Cụ thể, các chính sách đưa ra cần tránh sự chồng chéo, nhiều bộ, ngành, địa phương ban hành những quy định khác nhau cho cùng một lĩnh vực, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Bởi bên cạnh nỗ lực của bản thân doanh nghiệp, sự linh hoạt về cơ chế, chính sách để phù hợp với hoàn cảnh, đáp ứng nhịp điệu của kinh tế - xã hội, sẽ giúp ngành bán lẻ tạo cầu nối tốt hơn giữa sản xuất và tiêu dùng, thúc đẩy kinh tế tăng trưởng, bảo đảm an sinh.
- Trân trọng cảm ơn bà!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.