Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngăn ngừa việc phê bình vì động cơ cá nhân

Phúc Lợi| 06/09/2021 06:27

(HNM) - 1.Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Phê bình là thấy ai (cá nhân, cơ quan, đoàn thể) có khuyết điểm thì thành khẩn nói cho họ biết để họ sửa chữa và tiến bộ”. Phê bình luôn đi liền với tự phê bình và là một trong các nguyên tắc tổ chức, hoạt động của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Thời gian qua, nhờ thực hiện tốt nguyên tắc tự phê bình và phê bình, nhất là trong nhiệm kỳ khóa XI, XII, Đảng đã phát hiện, chỉ ra được nhiều khuyết điểm trong một bộ phận cán bộ, đảng viên để từ đó tìm giải pháp sửa chữa hiệu quả. Thông qua phê bình, giám sát và kiểm tra, trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, đã có hơn 1.000 tổ chức Đảng, hơn 87.000 đảng viên vi phạm bị xử lý kỷ luật. Kết quả đó góp phần làm trong sạch nội bộ Đảng, giúp củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng.

Tuy nhiên, thời gian qua vẫn còn hiện tượng lợi dụng công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng cũng như kỷ luật, kỷ cương được siết chặt trong toàn xã hội, lấy việc phê bình để phê phán người khác với động cơ cá nhân không trong sáng. Điều này đã được cảnh báo trong Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ” là tình trạng lợi dụng phê bình để nịnh bợ, lấy lòng nhau hoặc vu khống, bôi nhọ, chỉ trích, phê phán người khác với động cơ cá nhân không trong sáng… Trong đó, những cá nhân lợi dụng phê bình để chỉ trích, phê phán người khác với động cơ cá nhân thường mang định kiến hẹp hòi, “thấy cây mà không thấy rừng”; cố tình tìm sơ suất, sai sót của người khác theo kiểu “bới lông tìm vết”, rồi phân tích, mổ xẻ, suy diễn, nâng quan điểm nhằm làm nghiêm trọng hóa vấn đề, mà thực chất là muốn hạ uy tín người khác và tổ chức.

Ở thái cực khác, một số cán bộ, đảng viên còn bị chủ nghĩa cá nhân chi phối, bị ràng buộc bởi lợi ích “được gì, mất gì?”; toan tính cá nhân, không vì lợi ích tập thể. Đây phần nào là nguyên nhân dẫn đến việc một số cán bộ Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, Bệnh viện Tim Hà Nội bị khởi tố do sai phạm trong công tác đấu thầu thời gian qua.

Đáng lưu ý, từ góp ý, phê bình với mục đích phê phán đến các hành vi tố cáo sai sự thật là không xa. Ngay như trước thềm Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025, bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, Công an nhiều địa phương đã khởi tố một số vụ án liên quan đến hành vi “vu khống” cho thấy hiện tượng này khá phổ biến.

2. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Mục đích phê bình cốt để giúp nhau sửa chữa, giúp nhau tiến bộ, cốt để sửa đổi cách làm việc cho tốt hơn, đúng hơn, cốt đoàn kết và thống nhất nội bộ. Vì vậy phê bình mình cũng như phê bình người khác ráo riết, triệt để, thật thà, không nể nang, không thêm bớt. Phải vạch rõ cả ưu điểm và khuyết điểm. Đồng thời chớ dùng những lời mỉa mai chua cay, đâm thọc. Phê bình việc làm, chứ không phê bình người”.

Để thấm nhuần và thực hiện được yêu cầu đó, điều kiện tiên quyết là phải thật sự phát huy dân chủ trong Đảng cũng như trong đời sống xã hội. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã nêu rõ phương châm “thực hành và phát huy rộng rãi dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ và vai trò tự quản của nhân dân…”. Do đó trước hết, bản thân người đi phê bình người khác, phê bình tổ chức phải xác định đối tượng cần phê bình là công việc chứ không phải là “soi mói”, “bới lông tìm vết” của đồng chí, đồng đội mình.

Với tinh thần đó, mỗi tổ chức, mỗi cán bộ, đảng viên cần tự giác, trung thực, đánh giá cho thật khách quan. Phê bình không những là văn hóa chính trị, là quy luật phát triển của Đảng mà còn là thước đo trình độ sinh hoạt dân chủ trong Đảng. Phê bình cũng là sợi dây gắn kết, ràng buộc khăng khít giữa đảng viên với nhau, giữa đảng viên với tổ chức Đảng và giữa Đảng với nhân dân. Thực hiện phê bình chính là để giải quyết những khuyết điểm trong nội bộ Đảng, để tăng cường bản chất cách mạng của đảng chân chính cầm quyền.

Trong phê bình, tập trung kiểm điểm trách nhiệm, kết quả đối với công việc, đối với đơn vị; đánh giá phẩm chất cá nhân của mình, của người khác về các mặt nhận thức, tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật, quan hệ với quần chúng... để thấy rõ ưu điểm mà phát huy, nhận ra khuyết điểm mà sửa chữa; coi trọng sự giáo dục, sự giúp đỡ chân thành của đồng chí, đồng nghiệp, học tập lẫn nhau. Những trường hợp sai phạm nghiêm trọng mà qua phê bình không thành khẩn, không tự giác, tập thể giúp đỡ mà không tiếp thu thì phải xử lý thích đáng, “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”.

Bên cạnh đó, cần thực hiện phê bình gắn liền với tự phê bình, gắn chặt với công tác kiểm tra, giám sát, phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm khắc những tổ chức Đảng, đảng viên không thực hiện tốt nghị quyết, chỉ thị của Đảng, nhất là những người thành kiến, trù dập người phê bình. Phải có biện pháp bảo vệ người phê bình dũng cảm đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, đồng thời buộc người có khuyết điểm, bị phê bình phải sửa chữa khuyết điểm. Đặc biệt, phải loại bỏ chủ nghĩa cá nhân trong phê bình thông qua sinh hoạt chi bộ thẳng thắn và có tính xây dựng.

Hơn lúc nào hết, không khí đổi mới trong Đảng đang lan tỏa mạnh mẽ. Mỗi cán bộ, đảng viên dù ở bất cứ cương vị nào đều cần thẳng thắn đóng góp với nhau một cách chân tình, cởi mở để xây dựng tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh; cùng ngăn ngừa việc phê bình vì động cơ cá nhân, lợi dụng phê bình để hại nhau; qua đó, xây dựng sự đoàn kết, thống nhất trong mỗi tổ chức Đảng, góp phần xây dựng Đảng ta “là đạo đức, là văn minh”.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Ngăn ngừa việc phê bình vì động cơ cá nhân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.