Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngăn ngừa biến chứng bệnh đái tháo đường

Xuân Lộc| 15/03/2021 07:34

(HNM) - Đái tháo đường là tình trạng tăng glucose trong máu. Đây là bệnh mạn tính, không thể chữa dứt điểm. Theo Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam, nước ta có khoảng 3,5 triệu người đang mắc đái tháo đường. Con số này không ngừng gia tăng. Điều đáng nói, Việt Nam có đến 55% bệnh nhân đái tháo đường có biến chứng, chủ yếu là tim mạch, mắt, thần kinh và thận. Vì vậy, để ngăn ngừa biến chứng phải kiểm soát đường trong máu thật tốt.

Thế nhưng, hiện tình trạng kiểm soát đái tháo đường ở Việt Nam còn nhiều thách thức. Cụ thể, chỉ có khoảng 1/3 bệnh nhân kiểm soát khá tốt với HbA1C (chỉ số đường máu) đạt mục tiêu dưới 7% và khoảng 70% người bệnh chưa được điều trị đúng cách. Theo Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hữu Dàng, Chủ tịch Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam, qua thống kê cho thấy, hơn 50% bệnh nhân đái tháo đường type 2 gặp phải triệu chứng hạ đường huyết trong quá trình điều trị, trong đó có 8,2% biến cố hạ đường huyết xảy ra vào ban đêm, đe dọa đến tính mạng.

Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hữu Dàng cho rằng, ở người bệnh đái tháo đường, khi đường huyết cao dễ xảy ra biến chứng như: Mù mắt, nhồi máu cơ tim, suy thận... Thế nhưng, khi đường huyết thấp hay hạ đường huyết, thì tiên lượng tử vong còn nhanh hơn.

Để kéo dài tuổi thọ, nâng cao chất lượng sống và ngăn ngừa biến chứng, ngoài chế độ dinh dưỡng hợp lý, kết hợp với việc tăng cường thể dục, thể thao, thuốc men, người bệnh đái tháo đường cần phải kiểm soát đường huyết thật tốt, nhưng không được để hạ đường huyết. “Việc quản lý đường huyết tốt và thường xuyên có thể giúp người mắc đái tháo đường điều chỉnh lối sống kịp thời, điều chỉnh chế độ dinh dưỡng, đồng thời cung cấp cho bác sĩ những thông tin hữu ích để đưa ra phương pháp điều trị phù hợp”, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hữu Dàng nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngăn ngừa biến chứng bệnh đái tháo đường

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.