(HNM) - Sau khi ra mắt hàng loạt sản phẩm online (trực tuyến), giữa các ngân hàng diễn ra "cuộc đua" ví điện tử để thu hút khách hàng. Với việc triển khai ví điện tử, ngân hàng có thêm dịch vụ trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và đây cũng là lựa chọn thanh toán không dùng tiền mặt được nhiều người ưu tiên.
Người sử dụng ví điện tử tăng
Số liệu mới nhất của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, trong những tháng đầu năm 2021 có hơn 200 triệu giao dịch được thực hiện thông qua ví điện tử, với giá trị khoảng 77,7 nghìn tỷ đồng. Sự thuận tiện của ví điện tử trong thanh toán là lý do để nhiều ngân hàng nhảy vào mảng dịch vụ này. Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng đánh giá, một trong những dấu ấn đặc biệt nhất trên thị trường thanh toán 5 năm qua là sự nổi lên của ví điện tử. “Dù giá trị giao dịch chưa bằng ngân hàng, song số giao dịch qua ví điện tử đã gần tương đương giao dịch ngân hàng”, ông Phạm Tiến Dũng nói.
Cũng theo thống kê, số lượng người sử dụng ví điện tử và các ứng dụng thanh toán không tiền mặt tăng mạnh trong mấy năm gần đây, nhất là từ khi xảy ra dịch Covid-19. Cụ thể, hơn 85% người tiêu dùng sở hữu ít nhất 1 ví điện tử hoặc ứng dụng thanh toán, hơn 42% người tiêu dùng sử dụng thanh toán không tiếp xúc bằng thiết bị di động. Đặc biệt, 71% người dùng sử dụng ví điện tử hoặc các ứng dụng thanh toán ít nhất 1 lần/tuần.
Theo đại diện Ngân hàng Nhà nước, ví điện tử đang hoạt động theo cơ chế người dùng chuyển tiền từ tài khoản ngân hàng sang tài khoản thanh toán, nên không bị khống chế hạn mức thanh toán. Vì vậy, các đơn vị vận hành ví điện tử tăng cường liên kết với các ngân hàng để mở rộng phạm vi chuyển tiền thanh toán cho người dùng. Ngược lại, các ngân hàng cũng có lợi thế mở rộng khách hàng và tận dụng được một hệ sinh thái thanh toán sẵn có kết nối với các sàn thương mại điện tử, cửa hàng tiện lợi…, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, thanh toán không tiếp xúc lên ngôi.
Tổng Giám đốc Công ty cổ phần AppotaPay (đơn vị cung ứng dịch vụ ví điện tử) Đào Tuấn Anh cho biết, chỉ tính riêng những tháng đầu năm 2021, AppotaPay đã liên kết với một số ngân hàng thương mại cổ phần như: Nam Á (Nam A Bank), Phương Đông (OCB)… để phát triển ví điện tử. Tương tự, các ngân hàng thương mại cổ phần lớn, như: Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Công thương Việt Nam (VietinBank), Hàng hải (MSB)… đã liên kết với ví điện tử AirPay để phát triển dịch vụ.
Sử dụng “Ví Việt” của Ngân hàng thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank), chị Nguyễn Mai Linh (phố Trần Duy Hưng, quận Cầu Giấy) nhận xét, ví điện tử rất thuận tiện khi thanh toán tiền điện, nước, điện thoại, đặt hàng trực tuyến. Cùng với nhiều ưu đãi hấp dẫn, việc sử dụng ví điện tử giúp người dùng hạn chế tiếp xúc, tiết kiệm thời gian, chi phí trong bối cảnh dịch Covid-19 phức tạp.
Cạnh tranh thông qua tiện ích
Dự báo về triển vọng của ví điện tử, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần AppotaPay Đào Tuấn Anh cho rằng, thị trường ví điện tử trong thời gian tới sẽ là cuộc cạnh tranh thông qua các tiện ích và trải nghiệm thanh toán. Cùng quan điểm, Tổng Giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Tiên Phong (TPBank) Nguyễn Hưng khẳng định, các mô hình kinh doanh không tiền mặt từ các tổ chức trung gian thanh toán đang và sẽ tiếp tục là điểm sáng với sự bùng nổ về tính năng, công nghệ và trải nghiệm người dùng. Các hình thức này sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong tương lai gần.
“Thị trường thanh toán điện tử trở nên sôi động hơn với sự tham gia của các tổ chức phi tài chính. Các công ty công nghệ tài chính (fintech) được dự đoán sẽ ngày càng phát triển. Thu hút vốn đầu tư fintech của Việt Nam hiện đứng thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á (98% thuộc về lĩnh vực thanh toán). Những đối thủ mới này là động lực thúc đẩy các ngân hàng, đồng thời tạo nhiều cơ hội hợp tác để mở rộng quy mô và độ phủ của ngân hàng”, ông Nguyễn Hưng nói.
Còn theo đại diện của BIDV, sự hợp tác giữa ngân hàng và fintech ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng. Bởi, fintech phân loại các sản phẩm ngân hàng truyền thống, cung cấp các tùy chọn có chi phí thấp hơn với trải nghiệm người dùng tốt hơn, thu hút khách hàng thông qua các kênh số hóa được cung cấp cho việc tiếp nhận ban đầu, nhanh chóng, không cần giấy tờ.
Theo Vụ trưởng Vụ Thanh toán Phạm Tiến Dũng, thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, đáp ứng yêu cầu đối với các mô hình kinh doanh và sản phẩm dịch vụ mới trên nền tảng công nghệ, trong đó, tập trung triển khai quy định mới về thanh toán không dùng tiền mặt và tham mưu xây dựng quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng. Riêng với ví điện tử, người sử dụng sẽ có cơ hội được tiếp cận các dịch vụ hiện đại nhất. Đây cũng là một trong những giải pháp quan trọng thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt ở nước ta.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.