Thế giới

Ngân hàng trung ương Anh cắt giảm lãi suất: Động lực cho tăng trưởng kinh tế

Thùy Dương 03/08/2024 - 06:46

Ngân hàng trung ương Anh (BoE) đã giảm lãi suất lần đầu tiên sau 4 năm, đánh dấu sự kết thúc cuộc chiến chống lạm phát kéo dài hơn hai năm rưỡi sau đại dịch Covid-19 và cú sốc giá năng lượng, thực phẩm do cuộc xung đột Nga - Ukraine gây ra.

Quyết định này đã mang lại động lực cho chính phủ mới của Anh khi Công đảng đang tìm cách đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế.

eng.jpg
Lạm phát tại Vương quốc Anh đã giảm xuống mức mục tiêu 2%. Ảnh: Bloomberg

Ủy ban Chính sách tiền tệ BoE (MPC) đã có cuộc họp đầy căng thẳng với tỷ lệ bỏ phiếu sít sao 5-4 để giảm lãi suất chủ chốt lần đầu tiên sau hơn 4 năm - từ 5,25% xuống còn 5%. Điều này cho thấy, Vương quốc Anh không đồng điệu với Mỹ, khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vẫn quyết định duy trì lập trường chính sách tiền tệ hạn chế, giữ nguyên lãi suất ở mức 5,25-5,5% mặc dù lạm phát đã "giảm đáng kể".

Các hộ gia đình và doanh nghiệp trên khắp nước Anh đã chịu áp lực từ chi phí đi vay tăng mạnh sau khi BoE tăng lãi suất 14 lần liên tiếp, từ mức thấp kỷ lục là 0,1% vào tháng 12-2021, để ứng phó với tỷ lệ lạm phát cao. Lạm phát ở Anh đạt đỉnh 11,1% vào tháng 10-2022, giảm xuống 8% (tháng 8-2023) và tiếp tục giảm xuống còn 2,3% vào tháng 4 vừa qua. Quyết định cắt giảm lãi suất đến trong bối cảnh lạm phát ở Anh đã chạm mục tiêu 2% của BoE trong hai tháng liên tiếp.

Đây là một tín hiệu tích cực, cho thấy các biện pháp kiểm soát lạm phát trước đó đã phát huy tác dụng. Hiện lạm phát ở Anh thấp hơn so với khu vực đồng euro - nơi Ngân hàng trung ương châu Âu đã cắt giảm lãi suất vào tháng 6 và so với Mỹ, nơi FED đang để ngỏ đợt cắt giảm lãi suất vào tháng 9.

Tuy nhiên, vẫn còn những lo ngại về tăng trưởng tiền lương và lạm phát dịch vụ dai dẳng như một số nhà hoạch định chính sách đã chỉ ra. Trong bài phát biểu sau cuộc họp, Thống đốc Andrew Bailey nhấn mạnh rằng: "Chúng tôi đang cẩn trọng cân nhắc mọi yếu tố để bảo đảm sự ổn định của nền kinh tế". Tuyên bố này phản ánh sự cân bằng mà BoE đang cố gắng duy trì giữa việc kiểm soát lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Nền kinh tế Anh đã tăng trưởng với tốc độ nhanh hơn dự kiến trong những tháng gần đây, thoát khỏi suy thoái trong quý đầu tiên với mức tăng trưởng 0,7% - gấp đôi mức ghi nhận ở Pháp và Đức. BoE đã nâng dự báo tăng trưởng trong năm nay lên 1,25%, cao hơn gấp đôi so với ước tính trước đó là 0,5%. Tuy nhiên, cơ quan này cảnh báo rằng, tăng trưởng theo quý có thể sẽ yếu hơn so với những tháng gần đây, trong khi tỷ lệ thất nghiệp đang trên đà tăng. Nhu cầu hàng hóa và dịch vụ tăng mạnh hơn dự kiến vào đầu năm 2024 cũng là mối lo ngại khi ngân hàng cảnh báo rằng lạm phát có thể tăng cao hơn nếu nhu cầu này vẫn tiếp tục tăng mạnh.

Bộ trưởng Tài chính Rachel Reeves hoan nghênh việc cắt giảm lãi suất nhưng cho biết, hàng triệu gia đình vẫn phải đối mặt với lãi suất thế chấp cao hơn và nhắc lại kế hoạch "sửa chữa nền kinh tế sau nhiều năm tăng trưởng thấp". Việc cắt giảm này là động lực cho Bộ trưởng Rachel Reeves triển khai kế hoạch phục hồi tăng trưởng kinh tế và giải quyết khoản thâm hụt 22 tỷ bảng Anh trong tài chính công mà Công Đảng cho rằng có thể xảy ra.

Cựu Thủ tướng Rishi Sunak cũng đã nhanh chóng lên tiếng về quyết định của BoE, cho rằng đây là "tin tốt cho nước Anh" và là bằng chứng cho thấy Công đảng "kế thừa một nền kinh tế mạnh". Tuy nhiên, cựu Thủ tướng Anh cũng bày tỏ lo ngại về việc tăng lương khu vực công của Công đảng có thể gây rủi ro cho các đợt cắt giảm lãi suất tiếp theo.

BoE dự kiến lạm phát sẽ tăng lên 2,75% vào quý cuối cùng của năm 2024 khi tác động của việc giá năng lượng giảm dần, trước khi quay trở lại mục tiêu 2% vào đầu năm 2026 và sau đó giảm xuống dưới mức đó. Katharine Neiss, nhà kinh tế trưởng châu Âu tại PGIM Fixed Income, nhận định dự báo của BoE về khả năng lạm phát sẽ tăng vào cuối năm "cho thấy khả năng cắt giảm lãi suất thêm vào tháng 9 có thể không xảy ra".

Quyết định cắt giảm lãi suất của BoE đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong chính sách tiền tệ của Anh. Nó không chỉ phản ánh sự thay đổi trong điều kiện kinh tế mà còn cho thấy sự linh hoạt của các nhà hoạch định chính sách trong việc điều chỉnh chiến lược để đối phó với những thách thức mới. Những tháng tới, mọi ánh mắt sẽ đổ dồn vào BoE để xem liệu xu hướng này có tiếp tục hay không và điều này có tác động sâu rộng đến nền kinh tế Anh cũng như thị trường tài chính toàn cầu như thế nào?

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Ngân hàng trung ương Anh cắt giảm lãi suất: Động lực cho tăng trưởng kinh tế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.