Việt Nam từng trải qua nhiều thiên tai. Điều được dư luận quốc tế đánh giá cao đó là, Việt Nam đã phát huy được sức mạnh của cả hệ thống chính trị và nhân dân để chống thiên tai. Sức mạnh đó giúp nhân dân Việt Nam vượt qua mọi bão giông, nhân lên niềm tin sắt son đối với Đảng và chế độ.
1. Ngày 7-9-2024, bão số 3 đổ bộ vào Quảng Ninh và Hải Phòng, rồi lan rộng ra nhiều tỉnh, thành phố ở miền Bắc. Tại các địa phương bão đi qua, hàng chục nghìn ngôi nhà bị sập, đổ, tốc mái, hư hỏng nặng; hàng trăm nghìn dân phải sơ tán. Nhiều tuyến giao thông, trường học, cơ sở y tế, công trình công cộng bị hư hỏng nặng. Cơn bão mang theo mưa lớn kéo dài, gây ra lũ lụt và sạt lở đất nghiêm trọng. Hoàn lưu bão số 3 tiếp tục gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản tại nhiều địa phương miền Bắc.
Đối với nhiều người, đây có lẽ là cơn bão khủng khiếp nhất mà họ chứng kiến trong đời. Nhưng với một đất nước luôn phải đương đầu với vô vàn thách thức như Việt Nam thì càng trong khó khăn, càng tỏ rõ được bản lĩnh. Đó là, bản lĩnh chống chọi với sự khắc nghiệt của thiên nhiên; là việc đưa ra quyết sách đúng đắn trong thời khắc quan trọng; là tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái và một niềm tin sắt son vào Đảng và chế độ.
Trước diễn biến phức tạp của cơn bão, Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền các cấp đã quyết liệt chỉ đạo các cơ quan, lực lượng và nhân dân chủ động triển khai các giải pháp ứng phó. Thực hiện chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và các mục tiêu của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề ra, với tinh thần: Huy động tối đa lực lượng, phương tiện, chủ động phòng ngừa, khẩn trương ứng phó ở mức cao nhất; ưu tiên cao nhất bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho nhân dân và Nhà nước…, chúng ta đã huy động toàn bộ lực lượng khắc phục hậu quả bão, lũ.
Trong vô vàn công việc cần xử lý, điều cốt yếu nhất phải đặt “sự an toàn của nhân dân lên trên hết, trước hết”. Với tinh thần đó, trước khi cơn bão số 3 đổ bộ vào Hà Nội, người đứng đầu Đảng bộ thành phố đã gọi điện chỉ đạo bí thư 30 quận, huyện, thị ủy, rà soát và bằng mọi biện pháp phải bảo đảm an toàn cho dân, nhất là những người đang sống trong nhà chung cư cũ nguy hiểm, nhà yếu, nơi có nguy cơ đổ sập… Ngay trong đêm 6-9, 48 hộ dân, 160 nhân khẩu ở nhà chung cư A1 Tân Mai của quận Hoàng Mai được di dời đến nơi an toàn. Liên tiếp những ngày sau đó, các quận của Hà Nội khẩn trương di dời các hộ ra khỏi các khu nhà không an toàn. Khi nước các sông dâng cao do hoàn lưu bão, các địa phương tiếp tục di dời hàng nghìn người dân sống ở các địa bàn ngoài đê sông Hồng đến khu vực an toàn. Cho đến nay, sự chủ động và quyết định sáng suốt này đã bảo đảm an toàn về tính mạng và tài sản của nhân dân Thủ đô; các hộ dân đều nhận được sự quan tâm, chăm sóc, có nơi ăn chốn ở ấm áp tình người.
Trong cơn bão số 3, đồng bào các tỉnh phía Bắc phải gánh chịu hậu quả nặng nề nhất. Trong hoạn nạn, cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị, cùng với tình yêu thương đồng bào và tinh thần quả cảm của cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang trở thành điểm tựa vững chắc giúp dân vượt bão, vơi đi những mất mát. Trong “trận đánh lớn” này, nhiều tấm gương đẹp của cán bộ, đảng viên, chiến sĩ đã tỏa sáng với tinh thần vì nhân dân phục vụ. Trong đó phải kể đến Trưởng thôn Kho Vàng, xã Cốc Lầu, huyện Bắc Hà (tỉnh Lào Cai) Vàng Seo Chứ - người đã kịp thời vận động 17 hộ dân (115 nhân khẩu) di dời thần tốc lên một quả núi cách khu dân cư 1km để bảo đảm an toàn.
2. Với vị trí địa lý đặc thù, Việt Nam luôn phải đối mặt với rất nhiều loại hình thiên tai, nhất là bão, lũ. Thiên tai không những gây tổn thất về kinh tế, mà còn cướp đi sinh mạng của nhiều người dân. Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói, thiên tai cũng là kẻ thù của người dân, vì: “Nếu lụt thì đói. Lụt cũng là một thứ giặc ghê gớm. Người ta thường nói “thủy, hỏa, đạo, tặc”. Chúng ta phải ra sức ngăn giặc lụt như chống giặc ngoại xâm”. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Muốn chống thiên tai, về mặt kinh tế nói chung thì phải làm tốt thủy lợi để chống hạn, chống úng, tranh thủ được mùa, làm cho đời sống của nhân dân ngày càng tiến lên”…
Thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng với việc cứu trợ để dân không bị đói, bị rét, bị khát, không có chỗ ở, Chính phủ đặc biệt quan tâm tái thiết cuộc sống cho người dân đi đôi với khôi phục sản xuất sau bão. Tối 12-9, ngay sau khi đi thị sát và thăm hỏi, động viên bà con thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai (nơi xảy ra trận lũ quét kinh hoàng khiến 52 người chết và 14 người mất tích), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Xây dựng và các bộ, ngành liên quan phối hợp với tỉnh Lào Cai, các cơ quan chuyên môn khảo sát, quy hoạch địa điểm an toàn để xây dựng lại, khôi phục bản Làng Nủ, bảo đảm các hộ dân có nơi ở an toàn với hạ tầng phù hợp, chậm nhất vào ngày 31-12-2024.
Hay trong 7 nhiệm vụ cấp bách phòng, chống bão, lũ, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội yêu cầu huy động các lực lượng cứu lúa, cây xanh, rau màu, các khu chăn nuôi tập trung; xây dựng và triển khai phương án phục hồi sản xuất, nhất là sản xuất vụ đông để bù đắp cho những diện tích, rau màu vụ mùa bị thiệt hại. Đồng thời, vận động, hỗ trợ người nông dân chuẩn bị cây, con giống... để sẵn sàng gieo trồng ngay khi có thể, bảo đảm phục hồi sớm nhất hoạt động sản xuất, sinh hoạt và đời sống của người dân.
Thực tiễn cho thấy, chống lũ đi đôi với khôi phục sản xuất là chỉ đạo xuyên suốt của Đảng và Nhà nước trong công tác khắc phục hậu quả thiên tai. Nước ta đã từng trải qua nhiều thiên tai và vượt qua thiên tai. Điều được dư luận quốc tế đánh giá cao đó là, Việt Nam đã phát huy được sức mạnh của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong chống thiên tai, với tinh thần đoàn kết, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc và niềm tin sắt son vào Đảng và chế độ.
Sức mạnh niềm tin và truyền thống quý báu của dân tộc tiếp tục được phát huy trong việc khắc phục hậu quả cơn bão số 3 lần này. Chạy đua với thời gian để cứu các nạn nhân, chạy đua với thời gian để tái thiết cuộc sống của nhân dân, là việc Đảng, Nhà nước, các địa phương cùng cộng đồng đã và đang dốc sức thực hiện lúc này, nhằm làm vơi đi mất mát, đau thương, nhanh chóng ổn định cuộc sống của nhân dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.