(HNM) - Năm 2018, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và Ban Chỉ đạo quốc gia về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia), công tác này đã đạt được những kết quả tích cực.
Thực tế cho thấy, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả vẫn chưa tạo được chuyển biến căn bản. Các vụ việc phát hiện, xử lý trong năm 2018 chủ yếu quy mô nhỏ, xử lý chỉ dừng ở người vận chuyển thuê, chưa có biện pháp đấu tranh, ngăn chặn hiệu quả tình trạng lợi dụng chính sách thông thoáng trong hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu để buôn lậu, vận chuyển hàng cấm…
Xác định rõ nhiệm vụ chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả là quan trọng hàng đầu, Quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo 389 thành phố Chu Xuân Kiên cho rằng, các bộ, ngành, địa phương, lực lượng chức năng cần tăng cường phối hợp, rà soát các quy định của pháp luật, đề xuất xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách…; phải thực hiện nghiêm túc, thường xuyên không để các đối tượng lợi dụng khoảng trống, sự chồng chéo của pháp luật để vi phạm; chú trọng công tác đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm chuyên môn...
Tại buổi làm việc với Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia mới đây, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã chỉ đạo đơn vị này tham mưu để ban hành kế hoạch đấu tranh chống các hành vi lợi dụng thương mại điện tử để sản xuất, kinh doanh hàng hóa; kế hoạch chống buôn lậu và vận chuyển trái phép hàng hóa lợi dụng chính sách xuất nhập khẩu; kế hoạch chống buôn lậu, sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng giả, kém chất lượng và tổ chức thực hiện ngay sau khi các kế hoạch được ban hành.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.