Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngăn chặn vi phạm trên mạng xã hội

Nhóm phóng viên| 10/11/2022 06:15

(HNM) - Mạng xã hội đã trở thành công cụ không thể thiếu của hầu hết mọi người. Đáng nói, mỗi người có thể sở hữu nhiều tài khoản nên việc chia sẻ thông tin dễ dàng và nhanh chóng. Tuy nhiên, gần đây, nhiều cá nhân đã cố tình chia sẻ, đưa thông tin xấu, sai sự thật… ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của nhiều người, kéo theo những hệ lụy đáng tiếc. Mặc dù các cơ quan chức năng đã có nhiều biện pháp ngăn chặn, xử lý, nhưng vẫn cần nhiều hơn nữa các biện pháp quản lý chặt chẽ, xử lý nghiêm để ngăn chặn vi phạm.

Người dùng mạng xã hội cần nhận biết, ứng phó với tình trạng tin giả, sai sự thật. Ảnh: Đỗ Tâm

Liên tiếp xử phạt các tài khoản vi phạm

Thời gian gần đây, các đối tượng tung thông tin sai sự thật lên mạng xã hội, gây thiệt hại về danh dự cũng như kinh tế của các cá nhân, tổ chức đã bị cơ quan chức năng xử lý. Song điều đáng nói, dù chưa kiểm chứng thông tin nhưng nhiều người đã sử dụng một số tài khoản Facebook, Zalo, Instagram, Tiktok… để chia sẻ thông tin không chính xác, sai sự thật với tốc độ chóng mặt, gây tác động xấu đến tình hình an ninh, trật tự tại khu vực.

Cụ thể, ngày 26-10, tài khoản Kiều Chinh (N.K.C - thôn 7, xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm) đăng tải nội dung trên Facebook: “Bác nào gửi tiền vào đây đi rút ngay còn kịp” liên quan đến Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB). Liên quan đến Ngân hàng SCB, trong tháng 10-2022, tài khoản N.T.Q (thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương) và 4 cá nhân tại thành phố Hồ Chí Minh cũng bị xử phạt mỗi trường hợp 7,5 triệu đồng vì dùng tài khoản Facebook đăng tải thông tin sai sự thật liên quan đến ngân hàng này.

Tình trạng sử dụng mạng xã hội để đăng tin thất thiệt nhằm “câu view” cũng khá phổ biến. Ngày 5-8, Sở Thông tin và Truyền thông Thanh Hóa đã xử phạt hành chính đối với chủ tài khoản Facebook tên Trịnh Ngọc Quân (xã Quảng Thạch, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa) khi bình luận tại bài viết trên diễn đàn “Otofun Thanh Hóa” kèm hình ảnh người đang cầm biển số xe 36A-888.88. Sau khi đăng tải có nhiều người đã chia sẻ thông tin dù thực tế Công an tỉnh Thanh Hóa chưa hề cấp phát đầu số này cho phương tiện nào.

Bên cạnh đó, thời gian qua, tình trạng các đối tượng triệt để lợi dụng các tính năng của mạng xã hội để tuyên truyền, vu cáo, ý đồ kích động, chống Đảng, Nhà nước, gây rối loạn về thông tin... cũng khá phổ biến. Thủ đoạn của các đối tượng là tạo lập các tài khoản cá nhân mạng xã hội mạo danh người đứng đầu chính quyền các cấp, người nổi tiếng; chỉnh sửa các thông số kỹ thuật của tập tin thời gian để đăng tải tin giả, tin sai sự thật nhằm dẫn dắt dư luận; lợi dụng các sự kiện "nóng", các vấn đề thu hút sự quan tâm của xã hội để tạo dựng thông tin giả mạo, đánh lừa dư luận.

Công an tỉnh Nghệ An lập hồ sơ xử lý N.T.H đăng thông tin sai sự thật về tài chính, ngân hàng trên mạng xã hội. Ảnh: Huyền Thương

Tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý

Theo thống kê, ở Việt Nam có khoảng 65 triệu tài khoản mạng xã hội trên tổng số hơn 96 triệu dân. Trả lời chất vấn của các cử tri trước Quốc hội sáng 4-11 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng thông tin, một người hiện nay có gần 4 tài khoản trên các mạng xã hội khác nhau, trong khi đó lực lượng giám sát mỏng nên việc ngăn chặn thông tin xấu, độc thực sự gặp khó khăn. Do đó, cần sự vào cuộc đồng bộ của toàn xã hội mới giải quyết được căn cơ vấn đề. Các bộ, ngành, địa phương… cần tăng cường quản lý các tổ chức, doanh nghiệp, nhà trường trên không gian mạng...

Liên quan đến vấn đề này, ngày 7-10 vừa qua, Cục Phát thanh, truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã tổ chức “Hội thảo xây dựng cẩm nang phòng, chống tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng” nhằm cung cấp các thông tin, kỹ năng cơ bản nhất để các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia không gian mạng có kiến thức tổng quan, cần thiết để nhận biết, ứng phó và xử lý có hiệu quả với tình trạng tin giả, tin sai sự thật.

Bên cạnh đó, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành đấu tranh, đàm phán để Facebook, Google, Tiktok... phải tích cực hợp tác, gỡ bỏ các nội dung, ứng dụng vi phạm pháp luật Việt Nam và có giải pháp ngăn chặn tình trạng phát tán tin giả trên các nền tảng này. Đồng thời, liên tục vận hành hệ thống giám sát an ninh mạng quốc gia, trong đó có giám sát an ninh thông tin để chủ động rà quét, gỡ thông tin xấu, độc. Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đang đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa việc đào tạo kỹ năng số vào nhà trường cho học sinh. Bộ đã lập nền tảng đào tạo kỹ năng số cơ bản cho người dân trên không gian mạng để tìm kiếm, hỏi đáp và có kỹ năng cơ bản trong môi trường số.

Song song với các giải pháp nêu trên, thời gian tới, các cơ quan liên quan cần tăng cường phối hợp với các đơn vị, địa phương tuyên truyền, thực hiện nghiêm quy định về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng, Luật An ninh mạng… Đồng thời, tăng cường giám sát an ninh mạng để kiểm tra, giám sát, phát hiện, đấu tranh và xử nghiêm với hành vi đưa tin, chia sẻ thông tin xấu, độc trên mạng xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngăn chặn vi phạm trên mạng xã hội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.