(HNM) - Luật Phòng, chống bạo lực gia đình có hiệu lực từ năm 2008, nhưng đến nay hiện tượng bạo hành vẫn diễn ra, gây nhức nhối trong xã hội, đòi hỏi có những biện pháp ngăn ngừa từ gốc...
Chốn bình yên cho người bị bạo hành
Chị Vũ Thị N (phường Văn Quán, quận Hà Đông) được nhiều người đánh giá khá đảm đang, sôi nổi, nhiệt tình, nhưng tiếc chị lại là nạn nhân bị bạo hành từ người chồng. Mỗi khi bị chồng "thượng cẳng chân, hạ cẳng tay", chị vẫn cam chịu và tạm lánh đến “địa chỉ tin cậy” trên địa bàn phường do bà Ngô Thị Toàn, Chủ tịch Hội Phụ nữ phường phụ trách. Tại đây, những nạn nhân bạo hành như chị tìm được chốn bình yên và còn được chia sẻ nhiều kiến thức pháp luật về hôn nhân gia đình để biết cách tự bảo vệ nhân phẩm, sức khỏe, tính mạng của bản thân.
Các chuyên gia tư vấn miễn phí cho phụ nữ về các vấn đề liên quan đến bạo hành gia đình. |
Bà Nguyễn Thị Thúy, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ quận Hà Đông cho biết, hiện nay địa bàn quận có 35 “địa chỉ tin cậy” như vậy, đó chính là gia đình các hội viên chi hội phụ nữ hoặc những người có tấm lòng nhân ái. Các "địa chỉ tin cậy" giúp nạn nhân bị bạo hành vơi bớt nỗi đau về thể xác, tinh thần, sau đó chính gia chủ lại nỗ lực kiên trì giúp nạn nhân hàn gắn những rạn nứt trong gia đình người bị bạo hành, khuyên nhủ những ông chồng bạo hành vợ ăn năn, biết tuân thủ pháp luật, biết hành xử đúng đạo lý vợ chồng.
Tại địa bàn quận Cầu Giấy hiện cũng có nhiều câu lạc bộ kết nối gia đình, câu lạc bộ phụ nữ với pháp luật được thành lập làm điểm tựa cho phụ nữ, trẻ em bị bạo hành hoặc có nhu cầu tìm hiểu pháp luật về hôn nhân gia đình, bình đẳng giới… Bà Nguyễn Thị Thanh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường Yên Hòa (quận Cầu Giấy), người có thâm niên hơn chục năm làm cán bộ Hội Phụ nữ phường, từng là cộng tác viên nhiều dự án về bình đẳng giới, chống bạo hành cho biết, các câu lạc bộ không đơn thuần là chỗ dựa cho nạn nhân bị bạo hành, mà những người phụ trách phần lớn đều tự nguyện, luôn sẵn lòng giúp nạn nhân ổn định tâm lý và sức khỏe. Những trường hợp nhẹ thì câu lạc bộ khéo léo hòa giải, trường hợp nghiêm trọng, câu lạc bộ kết nối với luật sư giúp nạn nhân có kiến thức về quyền của phụ nữ để giải quyết phù hợp theo hoàn cảnh từng người...
Tránh để "sóng ngầm" tồn tại
Bà Dương Thị Lý Anh, Trưởng ban Chính sách pháp luật Hội Liên hiệp phụ nữ Hà Nội cho biết, thời gian qua Hội đã tham mưu với UBND thành phố ban hành Kế hoạch số 94/KH-UBND ngày 2-7-2012, triển khai thực hiện Đề án số 03/ĐA-BCH, ngày 6-3-2012 về “Tuyên truyền phổ biến pháp luật, nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật cho phụ nữ trên địa bàn Hà Nội giai đoạn 2012-2016”. Đồng thời, xây dựng kế hoạch, hướng dẫn thực hiện tiểu Đề án 2 “Tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và kỹ năng phòng, chống tội phạm mua bán người qua các hoạt động tuyên truyền tại cộng đồng giai đoạn 2012-2015”.
Bên cạnh đó, tổ chức tập huấn cho 100% cán bộ chuyên trách quận, huyện, thị xã, Chủ tịch Hội Phụ nữ các cơ sở về mục đích, yêu cầu và điều kiện xây dựng “địa chỉ tin cậy” tại cộng đồng, nhằm thực hiện mục tiêu phòng, chống, ngăn chặn bạo hành từ gốc. Ngoài ra, Hội còn tổ chức nhiều hội thi tuyên truyền Luật Phòng, chống bạo lực gia đình bằng hình thức sân khấu hóa trong cụm thi đua và chỉ đạo Trung tâm Tư vấn pháp luật tổ chức hàng trăm buổi trợ giúp pháp lý tại cơ sở, tư vấn miễn phí cho 3.930 phụ nữ liên quan bạo lực gia đình…
Để góp phần ngăn chặn nạn bạo hành gia đình, UBND TP Hà Nội đã yêu cầu các cấp, ban, ngành thành phố triển khai Tháng hành động “Chung tay chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái” từ ngày 15-11 đến 12-12-2017. Song, theo luật sư Phạm Hồng Thái, Công ty Luật quốc tế Hồng Thái và đồng nghiệp, để giải quyết tận gốc nạn bạo hành, cơ quan chức năng cần phát huy tốt nhất Điều 3 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình. Kết hợp và thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống bạo lực gia đình, lấy phòng ngừa là chính, chú trọng công tác tuyên truyền, giáo dục về gia đình, tư vấn, hòa giải phù hợp với truyền thống văn hóa, phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên, khi hành vi bạo lực gia đình được phát hiện, cần giải quyết gắn với pháp luật, chứ không “nặng” tính hòa giải. Ngoài ra, việc tuyên truyền nội dung của luật này cần được các cấp ủy, chính quyền và mọi tầng lớp nhân dân hiểu rõ và thực hiện nghiêm túc, tránh để “sóng ngầm” tồn tại, mới có thể ngăn chặn nguy cơ xảy ra bạo hành.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.