(HNM) - Một trong 9 biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ mà Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII chỉ ra là: Nói, viết, làm trái quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
1. Trên thực tế, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, xuyên tạc lịch sử dân tộc có nguồn gốc và chịu sự tác động không nhỏ từ âm mưu, thủ đoạn “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch. Hằng năm, cứ vào dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám 1945, trên các trang mạng, các thế lực thù địch lại tung ra nhiều luận điệu xuyên tạc ý nghĩa của sự kiện này. Chúng tuyên truyền rằng: Cách mạng Tháng Tám 1945 với việc lập ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Đảng Cộng sản Việt Nam trở thành Đảng cầm quyền chỉ là sự "ăn may" khi phát xít Nhật đầu hàng Đồng minh... Nhưng sự thật đã khẳng định rằng, Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công bắt nguồn từ sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh; từ sức mạnh của khối đại đoàn kết và truyền thống đoàn kết, yêu nước của dân tộc Việt Nam được hun đúc từ hàng nghìn năm lịch sử và khi thời cơ đến, đã bùng lên mạnh mẽ đấu tranh giành chính quyền cách mạng.
Một sự kiện khác cũng thường xuyên bị các thế lực thù địch xuyên tạc là Đại thắng mùa Xuân 1975. Trên một số website, blog, tài khoản mạng xã hội cá nhân, bằng cách đưa ra những nguồn “sử liệu” không có kiểm chứng, họ đã nhào nặn một cách chủ quan để rồi đi đến những kết luận hết sức sai trái như: Trong cuộc chiến tranh tại Việt Nam, người Mỹ không hề muốn cai trị người Việt Nam, người Mỹ can thiệp là để giải phóng chứ không phải để cai trị; hay chiến tranh Việt Nam là cuộc “nội chiến” huynh đệ tương tàn giữa hai miền Nam - Bắc do sự khác biệt về lý tưởng cộng sản và không cộng sản. Từ đó, họ đi đến kết luận rằng: Cuộc chiến tranh Việt Nam thực chất là “không cần thiết” và hoàn toàn “có thể tránh khỏi”…
Những luận điệu trên đã xuyên tạc một cách trắng trợn, vì chứng cứ lịch sử quá rõ để khẳng định: Về bản chất, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam là cuộc đối đầu giữa nhân dân Việt Nam chống lại đế quốc Mỹ xâm lược và tay sai nhằm giành độc lập, tự do cho dân tộc. Đó hoàn toàn không phải là cuộc “nội chiến” giữa hai miền Nam - Bắc do xung đột về ý thức hệ như những luận điệu xuyên tạc lịch sử tuyên truyền.
Đối với nhân dân Việt Nam, chiến thắng ngày 30-4-1975 không phải là một thắng lợi dễ dàng, mà đó là “chiến thắng lớn từ hy sinh lớn lao mà dân tộc Việt Nam đã trải qua trong suốt 21 năm dài đằng đẵng”. Với hơn 3 triệu đồng bào, chiến sĩ đã ngã xuống; hàng vạn làng mạc, thành phố bị san phẳng; nhiều di chứng của cuộc chiến đến nay vẫn dày vò hàng chục vạn gia đình, nhưng vượt qua những mất mát đau thương, chúng ta đã để lại cho hậu thế và bạn bè quốc tế sự kính trọng và nể phục về tinh thần chiến đấu anh dũng, kiên cường. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV (năm 1976) của Đảng khẳng định: Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc.
Như vậy, mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam đều bắt nguồn từ sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, từ truyền thống yêu nước nồng nàn, tinh thần quyết tâm đấu tranh bảo vệ nền độc lập dân tộc, nhưng có bài viết đăng trên trang mạng nêu lên những luận điệu xuyên tạc về lòng yêu nước, tinh thần, ý chí chiến đấu kiên cường của dân tộc Việt Nam. Tuy nhiên, luận điệu này không dễ thuyết phục người dân (trừ người quá ấu trĩ hoặc suy thoái tư tưởng) bởi với dân tộc Việt Nam, truyền thống yêu nước đã thấm sâu vào máu, trở thành động lực to lớn để mỗi người dân Việt Nam cảm nhận và chuyển hóa thành hành động, việc làm cụ thể, qua đó giành những thắng lợi rực rỡ trong lịch sử dựng nước và giữ nước… Thử hỏi, nếu không có truyền thống yêu nước nồng nàn thì làm sao nhân dân Việt Nam có thể đánh bại được những cuộc chiến tranh xâm lược của các thế lực thù địch với vũ khí tối tân, hiện đại.
Chiến tranh qua đi, với truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, Đảng, Nhà nước và toàn thể dân tộc Việt Nam luôn trân trọng, biết ơn những người đã hy sinh vì nền độc lập, tự do của dân tộc; có những chính sách phù hợp đối với các Anh hùng liệt sĩ, những thương binh, bệnh binh và người có công với cách mạng, qua đó giúp họ vươn lên trong cuộc sống, không ai bị bỏ lại phía sau. Tuy nhiên, không những không thừa nhận chủ trương và chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước, các thế lực thù địch tiếp tục khoét vào vấn đề này để xuyên tạc. Gần đây, trên mạng xã hội, các thế lực thù địch đã dựng lên nhiều kịch bản không có thật về những Anh hùng liệt sĩ trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Chiêu bài của các đối tượng sử dụng vẫn là đan xen giữa những nội dung hư hư - thực thực với những tít bài giật gân, câu khách, cắt gọt, đưa một số ý kiến của những người bị “nhiễm độc” về tư tưởng để nhằm hạ bệ những anh hùng, thế hệ cha anh đã anh dũng hy sinh. Để nhằm lấy lòng tin của người đọc, chúng vẫn đưa những thông tin cũ, những sự kiện cũ nhưng lại suy diễn với những luận điệu mới, kích thích sự tò mò của cư dân mạng. Từ đó, chúng phát tán thông tin, không thành có, biến có thành không, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ ta.
2. Trước sự xuyên tạc lịch sử dân tộc của các thế lực thù địch nhằm đẩy mạnh “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, hơn lúc nào hết chúng ta phải đẩy mạnh tuyên truyền lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc tới mọi người dân Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Bởi quên tổ tiên, quên công lao của thế hệ đi trước, không biết đến những năm tháng bi tráng, hào hùng trong lịch sử dân tộc là vô cùng nguy hại! Sẽ là một bi kịch cho tương lai đất nước nếu thế hệ trẻ thờ ơ, thậm chí quay lưng với lịch sử dân tộc. Không ai mong đất nước có chiến tranh, nhưng “kẻ thù buộc ta ôm cây súng” để chiến đấu giải phóng dân tộc. Thử hỏi, nếu không có sự hy sinh xương máu của lớp lớp các Anh hùng liệt sĩ, thì làm sao chúng ta có được cuộc sống hòa bình, ấm no, hạnh phúc như ngày hôm nay?
Do đó, các cấp, ngành, đơn vị và địa phương cần phải đẩy mạnh công tác giáo dục truyền thống lịch sử; tuyên truyền sâu rộng về ý nghĩa, vai trò, sự cần thiết của công tác giáo dục truyền thống lịch sử cho thế hệ trẻ; phát hiện và nhân rộng những kinh nghiệm hay, điển hình tốt trong quá trình triển khai thực hiện. Chỉ có làm cho nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ hiểu sâu sắc được lịch sử dân tộc thì mới ngăn chặn được âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch xuyên tạc lịch sử dân tộc. Đó cũng là biện pháp để ngăn chặn biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.
Bên cạnh đó, hiện nay đất nước đang đứng trước những vận hội và thử thách mới, phải không ngừng phát triển để nâng cao sức mạnh toàn diện, trong đó lịch sử là cội nguồn của sức sống, của sự trường tồn của dân tộc và là nền tảng tinh thần cực kỳ quan trọng cho sự phát triển bền vững. Các nhà sử học cần không ngừng nâng cao trình độ lý luận và phương pháp luận, phát huy cao trách nhiệm và nhiệt huyết được hun đúc từ truyền thống hàng nghìn năm lịch sử của dân tộc, phải là những chiến sĩ xung kích trên mặt trận phòng, chống “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, chống biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, đặc biệt là biểu hiện xuyên tạc lịch sử dân tộc, qua đó để những trang vàng lịch sử dân tộc Việt Nam tiếp tục được viết tiếp, được lưu truyền cho con cháu muôn đời mai sau.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.