(HNM) - Hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn Hà Nội đang bị ô nhiễm nghiêm trọng bởi nước thải chưa qua xử lý của các làng nghề, khu công nghiệp, khu đô thị... đổ vào, gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất, môi trường và sức khỏe của người dân.
Sông Giàng bị ô nhiễm nghiêm trọng bởi chất thải chăn nuôi. |
Ngăn chặn tình trạng xả thải tùy tiện vào các công trình thủy lợi là đòi hỏi cấp bách, nhưng các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương vẫn thiếu kiên quyết do vậy, hiệu quả mang lại không bao nhiêu.
Dưới cái nắng oi bức của ngày đầu tháng 5, người dân đi qua Sông Giàng, đoạn địa bàn xã Đặng Xá (Gia Lâm) đều cảm thấy rất khó chịu vì mùi xú uế bốc lên từ dòng sông. Theo ông Phạm Ngọc Hân, Phó Giám đốc Xí nghiệp Thủy lợi Gia Lâm, nguyên nhân gây ô nhiễm chính là hơn 50 hộ chăn nuôi bò sữa trong thôn Đổng Xuyên, xã Đặng Xá xả thải trực tiếp ra sông. Việc xả thải đã diễn ra nhiều năm nay khiến hàng trăm tấn phân bò tích tụ, gây tắc nghẽn cả một khúc sông.
"Xí nghiệp đã nhiều lần kiến nghị, yêu cầu chính quyền địa phương tuyên truyền tới các hộ chăn nuôi không xả thải trực tiếp ra môi trường. Đồng thời hỗ trợ kinh phí xây dựng khu bể lắng, lọc phân, nước thải chăn nuôi để xử lý trước khi xả vào kênh, mương, ao hồ, nhưng đến nay vẫn chưa được triển khai" - ông Hân cho biết. Tương tự, trên tuyến kênh T2 chạy qua địa phận huyện Hoài Đức dòng nước luôn đen kịt, đặc sánh. "Thủ phạm" là các hộ sản xuất nông sản, thực phẩm ở làng nghề Dương Liễu, Cát Quế, Minh Khai xả thải thẳng xuống kênh. Nước thải từ đây chảy ra Sông Đáy, Sông Nhuệ, là một trong những tác nhân gây ô nhiễm cả một khu vực rộng lớn của huyện Hoài Đức, Bắc Từ Liêm, Hà Đông...
Đó chỉ là hai trong số những hệ thống công trình thủy lợi bị ô nhiễm nhiều năm chưa được xử lý. Theo ông Nguyễn Vĩnh Liên, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở NN&PTNT), hiện nay các nguồn xả thải chính vào hệ thống công trình thủy lợi gồm: Nước thải các khu công nghiệp; nước thải dân sinh, đô thị, làng nghề, bệnh viện, khu chăn nuôi gia súc, gia cầm và các hộ sản xuất nhỏ. Tính đến tháng 4-2016 trên toàn hệ thống thủy lợi của TP Hà Nội tồn tại 1.600 điểm xả nước thải, trong đó chỉ có khoảng 1% cơ sở sản xuất được cơ quan quản lý cấp giấy phép đủ điều kiện xả nước thải ra môi trường tự nhiên. Nghiêm trọng nhất là trên hệ thống thủy lợi Sông Nhuệ, với gần 500 điểm xả thải; Sông Đáy 300 điểm; Sông Tích 250 điểm...
Theo bà Trần Thị Tuyết Hạnh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Thủy lợi Sông Nhuệ, căn cứ vào số liệu quan trắc của Tổng cục Môi trường (Bộ TN & MT), hiện nay nguồn nước mặt Sông Nhuệ có hàm lượng BODA, NH4+, COD và chất rắn, kim loại nặng lơ lửng trong nước vượt gấp 5 lần cho phép. Trong khi đó, hệ thống Sông Nhuệ đang phải cung cấp nước cho hơn 44.000ha đất sản xuất nông nghiệp. Điều đó đã ảnh hưởng lớn đến chất lượng nguồn nước cung cấp phục vụ sản xuất, làm giảm tuổi thọ các công trình thủy lợi... Thậm chí, người dân một số xã ở các huyện: Thanh Oai, Phú Xuyên, Thường Tín, Ứng Hòa đã nhiều lần kiến nghị về tình trạng nguồn nước quá ô nhiễm ảnh hưởng đến cả sức khỏe người dân.
Trước tình trạng này, Sở NN& PTNT đã chỉ đạo 5 doanh nghiệp thủy lợi của ngành kiểm tra, thống kê các tổ chức, cá nhân xả nước thải vào công trình thủy lợi để có biện pháp ngăn chặn, xử lý. Tuy nhiên, theo bà Trần Thị Tuyết Hạnh, chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị thủy lợi chỉ là phát hiện, thống kê vi phạm, còn xử phạt thuộc thẩm quyền của chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng như: Sở TN & MT, Cảnh sát môi trường. Theo báo cáo của Sở TN&MT Hà Nội, hằng năm Thanh tra sở đều thành lập các đoàn kiểm tra việc xả thải của các tổ chức, cá nhân để xử lý theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, việc xử lý mới chỉ dừng lại ở xử phạt hành chính các trường hợp vi phạm quy định xả thải vào môi trường và... cho tồn tại. Công tác khắc phục hậu quả còn nhiều hạn chế. Đó có thể là nguyên nhân dẫn đến các điểm xả thải nêu trên không những giảm mà còn có chiều hướng gia tăng.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Trần Thanh Nhã khẳng định: Việc xả thải vào hệ thống thủy lợi thời gian qua là rất nghiêm trọng. Sở NN&PTNT đã báo cáo UBND thành phố về thực trạng này, đồng thời kiến nghị các giải pháp xử lý. Trong đó, các sở, ngành cần tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng nguồn nước thải của các tổ chức, cá nhân trước khi xả ra môi trường, nhất là các doanh nghiệp nằm sát bờ sông, trục kênh mương chính. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương, Cảnh sát môi trường xử phạt nặng các trường hợp vi phạm; thậm chí yêu cầu các tổ chức, cá nhân vi phạm dừng sản xuất, kinh doanh để khắc phục hậu quả. Về lâu dài, cần xây dựng hệ thống thu gom nước thải tập trung và nhà máy xử lý trước khi xả ra môi trường. Có như vậy mới hạn chế được tình trạng xả thải vào công trình thủy lợi, gây ô nhiễm nguồn nước tưới cho sản xuất nông nghiệp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.