Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngăn chặn thực phẩm ''bẩn'' dịp cuối năm

Xuân Lộc| 26/11/2021 07:44

(HNM) - Thời gian qua, công tác kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn Hà Nội đã được tăng cường. Nhờ đó, nhiều cơ sở đã có chuyển biến tích cực trong việc tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, tình trạng mất an toàn thực phẩm vẫn khiến người tiêu dùng lo lắng, nhất là vào thời điểm cuối năm khi nhu cầu tiêu thụ hàng hóa tăng cao, đòi hỏi cơ quan chức năng cần tăng cường giám sát, siết chặt quản lý hơn nữa để ngăn chặn thực phẩm "bẩn" một cách triệt để.

Đại diện Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội kiểm tra một quán ăn trên địa bàn quận Nam Từ Liêm. Ảnh: Trang Thu

Tăng cường kiểm tra, xử lý cơ sở vi phạm

Từ đầu năm 2021 đến nay, UBND quận Hoàng Mai đã phối hợp tăng cường kiểm tra vệ sinh, an toàn thực phẩm gắn với công tác phòng, chống dịch Covid-19. 18 đoàn kiểm tra an toàn thực phẩm cũng được thành lập với 186 lượt cơ sở được kiểm tra, trong đó có 155 cơ sở đạt tiêu chuẩn (chiếm tỷ lệ 83,33%) và 31 cơ sở bị xử phạt với số tiền 227 triệu đồng.

Ông Nguyễn Xuân Trung, Trưởng phòng Y tế quận Hoàng Mai cho biết, các vi phạm về an toàn thực phẩm chủ yếu là về điều kiện vệ sinh cơ sở, điều kiện trang thiết bị dụng cụ... Cùng với việc tăng cường kiểm tra, giám sát, xử phạt vi phạm, UBND quận Hoàng Mai cũng chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tập trung cho công tác cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện, ký cam kết bảo đảm an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm. Đặc biệt, quận Hoàng Mai cũng rất chú trọng đến công tác tuyên truyền kiến thức về vệ sinh, an toàn thực phẩm đến người dân.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, công tác kiểm tra an toàn thực phẩm vẫn được quận Cầu Giấy đặc biệt chú trọng. Trong 9 tháng năm 2021, quận đã thành lập 14 đoàn thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm. Cụ thể, các đoàn kiểm tra cấp phường đã kiểm tra, giám sát được 552/1.603 cơ sở, trong đó số cơ sở đạt tiêu chuẩn là 375. Cấp quận cũng kiểm tra được 175/1.450 cơ sở, số cơ sở đạt tiêu chuẩn là 133 cơ sở. Qua công tác kiểm tra, các đoàn đã tiến hành lập biên bản, xử phạt hơn 726,5 triệu đồng đối với cơ sở vi phạm.

Để công tác kiểm tra đạt hiệu quả, theo bà Nguyễn Thị Tô Hà, Phó Trưởng phòng Y tế quận Cầu Giấy, quận đã tổ chức kiểm tra dựa theo các cơ sở được phân cấp, phối hợp tốt giữa các đơn vị, nên không có tình trạng chồng chéo. Cùng với đó, các đoàn kiểm tra cũng áp dụng các biện pháp xét nghiệm nhanh thực phẩm tại thời điểm kiểm tra và xử lý nghiêm cơ sở vi phạm. Từ đó, các cơ sở đã có ý thức chấp hành tốt quy định của pháp luật. Tuy nhiên vẫn còn tồn tại các lỗi vi phạm mà các nhà hàng, quán ăn trên địa bàn quận thường gặp phải, như: Chưa đăng ký kinh doanh; không thực hiện hoặc thực hiện lưu mẫu không đúng quy định; thiếu giấy khám sức khỏe của nhân viên, nhân viên không mặc trang phục bảo hộ, đeo găng tay, đội mũ; tủ bảo quản xếp lẫn lộn thực phẩm sống - chín...

Tương tự, tại huyện Sóc Sơn, trong 9 tháng năm 2021, các cơ quan chức năng đã tiến hành giám sát an toàn thực phẩm đối với 465 cơ sở sản xuất, kinh doanh. Qua đó, có 393 cơ sở bảo đảm các quy định về an toàn thực phẩm; còn lại 72 cơ sở có vi phạm (chiếm 15,5% tổng số cơ sở được thanh tra, kiểm tra). Cùng với việc tịch thu toàn bộ hàng hóa không bảo đảm chất lượng, huyện cũng đã kịp thời thông tin để người dân địa phương biết, tránh sử dụng sản phẩm, hàng hóa của các cơ sở vi phạm…

Tập trung giám sát mặt hàng được tiêu dùng nhiều

Đã thành thông lệ, vào những tháng cuối năm nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng thực phẩm tăng cao, khiến vi phạm an toàn thực phẩm cũng gia tăng. Đây cũng là thời điểm để gian thương lợi dụng, tung ra thị trường những thực phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc.

Để ngăn chặn thực phẩm “bẩn” hoành hành trong dịp cuối năm, Phó Trưởng phòng Y tế quận Cầu Giấy Nguyễn Thị Tô Hà cho hay, lực lượng chức năng quận sẽ tiếp tục triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, tập trung vào thời điểm cuối năm, sát Tết và tập trung vào mặt hàng được tiêu dùng nhiều. Trong đó, tăng cường rà soát, thống kê, cấp phép hoạt động kinh doanh rượu trên địa bàn quận; hạn chế tối đa việc kinh doanh rượu thủ công, rượu không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Theo ông Nguyễn Xuân Trung, Trưởng phòng Y tế quận Hoàng Mai, quận tiếp tục đẩy mạnh việc kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động kinh doanh tại các chợ đầu mối như chợ đầu mối phía Nam, chợ cá Yên Sở... Cùng với đó, tổ chức các lớp tập huấn nâng cao nghiệp vụ kiểm tra cho cán bộ quản lý trên địa bàn quận. Ngoài ra, quận cũng tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền giáo dục, cảnh báo, phản ánh các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm để người dân nắm được và có những lựa chọn phù hợp.

Xác định công tác bảo đảm an toàn thực phẩm là nhiệm vụ song hành với phòng, chống dịch Covid-19, hướng đến “mục tiêu kép” vừa phát triển kinh tế, vừa bảo đảm an toàn sức khỏe của người dân, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Hồ Việt Hùng cho biết, từ nay đến cuối năm 2021 là cao điểm buôn bán, vận chuyển và sử dụng thực phẩm, huyện sẽ chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trên cơ sở phù hợp với diễn biến của dịch Covid-19, trong đó, đẩy mạnh phối hợp liên ngành, nhằm nâng cao hiệu quả chất lượng giám sát.

Để công tác thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm đạt được hiệu quả, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong cho biết, bên cạnh công tác thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch cần tăng cường việc thanh tra, kiểm tra đột xuất, hậu kiểm nhằm hạn chế tối đa thực phẩm không bảo đảm an toàn chất lượng lưu thông trên thị trường, đồng thời kiên quyết xử lý vi phạm. Cùng với đó, cung cấp thông tin các cơ sở đạt và không đạt về an toàn thực phẩm trên phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết và lựa chọn thực phẩm an toàn, tẩy chay thực phẩm không an toàn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngăn chặn thực phẩm ''bẩn'' dịp cuối năm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.