(HNMO) - Đó là chủ đề tọa đàm trực tuyến do báo Đại biểu Nhân dân tổ chức ngày 13-5 nhằm trao đổi, lấy ý kiến các chuyên gia, nhà quản lý trong triển khai và hoàn thiện chính sách pháp luật về quản lý tài sản công.
Quang cảnh buổi tọa đàm. |
Theo PGS.TS Đinh Văn Nhã, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội, pháp luật Việt Nam về quản lý, sử dụng tài sản công chậm được đổi mới. Hạn chế lớn nhất là quản lý tài sản công chưa gắn với quản lý theo giá trị, gắn với đổi mới ngân sách. Ngoài ra, các quy định xử phạt còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe...
Để khắc phục lãng phí, thất thoát tài sản công, bên cạnh việc bổ sung những nguyên tắc, quy định chung về quản lý tài sản công trong dự thảo Luật Quản lý, sử dụng tài sản công (sửa đổi), cần có những biện pháp cụ thể về công khai thông tin và xử lý vi phạm trong lĩnh vực này.
“Tôi cho rằng, người dân cần được tạo điều kiện để nắm bắt việc sử dụng tài sản công mua sắm của các bộ, ngành, địa phương... để từ đó có cơ sở phản ánh, khiếu nại những bất cập, tiêu cực liên quan đến vấn đề này” - ông Đinh Văn Nhã nói.
Đồng tình với đề xuất trên, song ông Nguyễn Tân Thịnh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính cho rằng, để xây dựng cơ chế quản lý và tổ chức quản lý, ngoài những đặc trưng cơ bản của tài sản công cần kết hợp với phân loại tài sản công. Đó là tài sản phục vụ công tác quản lý, cung cấp dịch vụ công trong khu vực hành chính sự nghiệp; tài sản kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích công cộng; tài sản được xác định thuộc sở hữu toàn dân; tiền thuộc ngân sách nhà nước, các quỹ tài chính ngoài ngân sách nhà nước; quỹ ngoại hối của nhà nước, đất đai tài nguyên và các loại tài nguyên khác.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.