Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngăn chặn tẩu tán tài sản tham nhũng

Thế Văn| 21/11/2022 06:50

(HNM) - Nghị quyết số 75/2022/QH15 về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV nêu rõ: Tiếp tục rà soát, hoàn thiện pháp luật, thể chế hóa đầy đủ yêu cầu của Chỉ thị số 04-CT/TƯ ngày 2-6-2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế. Tích cực tháo gỡ vướng mắc, chủ động phối hợp trong công tác thu hồi tài sản, nhất là việc kê biên, phong tỏa, tạm giữ, phục vụ cho việc tổ chức thi hành án, thu hồi tối đa tài sản công bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế.

Với tinh thần “không có ngoại lệ, không có vùng cấm”, nhiều “đại án” gây thiệt hại cho Nhà nước hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng đã được đưa ra “ánh sáng”. Thông tin tại buổi thông báo kết quả cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (ngày 18-11 vừa qua) cho biết: Công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực. Các cơ quan tố tụng đã tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, ngăn chặn giao dịch tài sản có giá trị trên 160.000 tỷ đồng và nhiều tài sản có giá trị khác; các cơ quan thi hành án dân sự đã thu hồi được gần 16.000 tỷ đồng.

Con số nêu trên rất đáng ghi nhận, bởi thu hồi tài sản công bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế vô cùng khó khăn, phức tạp. Quá trình điều tra, truy tố, xét xử là khoảng thời gian dài do nhiều cơ quan thực hiện. Không ít vụ án, cơ quan chức năng đã không kịp thời áp dụng biện pháp thu giữ, kê biên tài sản của đối tượng phạm tội... Chưa kể, còn có sự bất cập trong minh bạch hóa tài sản, tạo “kẽ hở” cho các đối tượng tham nhũng tẩu tán tài sản dưới nhiều hình thức như chuyển cho người khác đứng tên, chuyển tiền ra nước ngoài…

Từ thực tế triển khai Chỉ thị số 04-CT/TƯ của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế” có thể nhận định, thu hồi tài sản tham nhũng vẫn là cả vấn đề lớn và kiểm soát tài sản do người thân của các đối tượng phạm tội đứng tên sở hữu vẫn hết sức khó khăn. Để tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác này, trước hết là nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức Đảng, người đứng đầu các cấp đối với công tác thu hồi tài sản tham nhũng; coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong quá trình thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng.

Cùng với đó, các cơ quan chức năng đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện quy định pháp luật về thu hồi tài sản công bị chiếm đoạt, thất thoát. Trong đó chú trọng xây dựng hành lang pháp lý, ngăn chặn tẩu tán tài sản khi phát hiện dấu hiệu tội phạm như “cơ chế thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt không qua thủ tục kết tội”... Mặt khác là tăng cường xử lý sau thanh tra, thi hành án về thu hồi tài sản tham nhũng. Trong quá trình điều tra, cần chủ động triển khai biện pháp kê biên, phong tỏa, tạm giữ tài sản; kịp thời tháo gỡ khó khăn trong quá trình thu hồi tài sản tham nhũng. Đồng thời, cần tăng cường hợp tác quốc tế và hỗ trợ tư pháp để thu hồi tài sản tham nhũng có yếu tố nước ngoài.

Ngăn chặn tẩu tán tài sản tham nhũng, thu hồi tối đa tài sản công bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế là việc cần làm và phải làm quyết liệt!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Ngăn chặn tẩu tán tài sản tham nhũng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.