Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngăn chặn phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản

Nguyễn Mai| 08/04/2016 06:41

(HNM) - Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, các huyện, thị xã đã triển khai nhiều công trình xây dựng cơ bản. Tuy nhiên, việc triển khai xây dựng trong khi chưa bố trí nguồn vốn kịp thời, hoặc làm vượt kế hoạch vốn giao…, đã dẫn đến xảy ra nợ đọng ở nhiều nơi.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, tính đến tháng 8-2015, tổng số nợ XDCB tại 6 huyện gồm: Chương Mỹ, Ba Vì, Quốc Oai, Ứng Hòa, Phúc Thọ, Phú Xuyên là gần 1.368 tỷ đồng. Để giải quyết dứt điểm nợ đọng, thành phố đã yêu cầu các huyện phải dành toàn bộ nguồn vượt thu và thưởng vượt thu ngân sách thành phố bố trí để trả nợ; điều chỉnh kế hoạch vốn năm 2015 theo hướng kiên quyết đình, hoãn, giãn các dự án chưa thực sự bức xúc để trả nợ. Các dự án thực hiện trong năm 2015 phải rà soát, điều chỉnh giảm quy mô, kết cấu, phân kỳ đầu tư, dành vốn để trả nợ. Tăng cường đẩy mạnh thu ngân sách địa phương thông qua đấu giá đất để bổ sung nguồn vốn xử lý dứt điểm nợ XDCB trong năm 2015… Trường hợp đã thực hiện tất cả các giải pháp trên mà vẫn chưa đủ để trả nợ XDCB, thành phố sẽ xem xét phương án cho các huyện vay để trả nợ và khấu trừ vào nguồn vốn xây dựng cơ bản cấp cho năm 2016. Dẫu vậy, đến hết tháng 1-2016, tổng hợp của các huyện, thị xã cho thấy, nợ XDCB trong xây dựng NTM vẫn còn 547 tỷ đồng, trong đó: Ngân sách thành phố nợ hơn 82 tỷ đồng, ngân sách cấp huyện và xã nợ hơn 465 tỷ đồng. Huyện Quốc Oai nợ nhiều nhất với 194 tỷ đồng, tiếp đến là huyện Chương Mỹ 89 tỷ đồng, Ba Vì 79 tỷ đồng...

Các địa phương xây dựng nông thôn mới cần lộ trình phù hợp để bảo đảm không xảy ra nợ xây dựng cơ bản. Ảnh: Thái Hiền


Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Nguyễn Minh Ngọc cho biết: Nợ XDCB trong xây dựng NTM của huyện cao do cơ sở hạ tầng của huyện thiếu đồng bộ và xuống cấp, buộc các xã phải đầu tư, xây dựng. Khi thực hiện công tác dồn điền, đổi thửa, các xã đã tranh thủ các chính sách hỗ trợ của thành phố để thực hiện cứng hóa giao thông nông thôn, thủy lợi nội đồng. Theo quy định, ngân sách xã và nhân dân đóng góp chiếm khoảng 20% tổng mức đầu tư, nhưng nguồn ngân sách khó khăn, không đủ để thanh toán phần đối ứng, dẫn đến nợ đọng. Tại huyện Ba Vì, theo kế hoạch thành phố giao, năm 2012-2013 huyện phải dồn điền, đổi thửa 4.652ha nhưng đã thực hiện được 5.333ha, vượt kế hoạch 681ha. "Các xã và huyện đều trông vào nguồn thu từ đấu giá quyền sử dụng đất, tuy nhiên do việc đấu giá rất chậm nên không bố trí kịp thời nguồn vốn đối ứng phục vụ xây dựng NTM" - Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Bạch Công Tiến giải thích lý do nợ đọng. Bàn về phương án bố trí trả nợ trong năm 2016, ông Bạch Công Tiến cho biết: Đối với các dự án thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách huyện, sẽ tập trung vào khai thác các nguồn thu từ đất; các dự án thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách xã, UBND huyện chỉ đạo quyết liệt chính quyền các địa phương và phòng, ban chuyên môn tăng cường công tác giao đất, đấu giá quyền sử dụng đất để trả nợ. Còn Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Nguyễn Minh Ngọc đề nghị UBND thành phố có cơ chế, chính sách hỗ trợ đối với các xã quá khó khăn của huyện.

Theo Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Phạm Văn Khương, phần ngân sách thành phố đã cấp cơ bản đủ theo yêu cầu; nợ XDCB hiện nay chủ yếu thuộc về ngân sách cấp huyện và cấp xã do chưa huy động và bố trí đủ để thanh toán. Về nguyên tắc, khối lượng công việc các huyện, xã đã làm vượt, làm trước kế hoạch thành phố hỗ trợ không được coi là nợ thuộc ngân sách thành phố. Tuy nhiên, theo Quyết định số 16, ngân sách thành phố hỗ trợ sau đầu tư (80% kinh phí mua vật tư) đối với kiên cố hóa giao thông, thủy lợi nội đồng và đường thôn xóm nên thành phố vẫn có trách nhiệm hỗ trợ ngân sách thanh toán. Còn đối với các xã quá khó khăn như đề nghị của huyện Chương Mỹ và những xã khó khăn tập trung ở khu vực dân tộc, miền núi đã được hưởng hỗ trợ theo Kế hoạch 166 của thành phố nên không thể hỗ trợ hơn.

Qua theo dõi tình hình công nợ của các địa phương, ông Phạm Văn Khương đề nghị: Bên cạnh việc tăng cường kiểm tra, giám sát, ban hành các văn bản hướng dẫn, tăng ngân sách đầu tư để giải quyết nợ đọng XDCB trong xây dựng NTM, thành phố cần xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu chính quyền địa phương không thực hiện đúng chỉ đạo của thành phố. Đối với nợ XDCB thuộc ngân sách huyện, xã, yêu cầu các địa phương không để phát sinh nợ mới; không phê duyệt dự án và khởi công khi không xác định được nguồn vốn và không được yêu cầu nhà thầu ứng vốn thi công; các địa phương xây dựng NTM có lộ trình phù hợp để bảo đảm không để xảy ra nợ XDCB.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngăn chặn phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.