(HNM) - Thời gian qua, tình trạng mua bán, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp diễn biến phức tạp với những thủ đoạn ngày càng tinh vi. Ngăn chặn tình trạng này, nhiều giải pháp đang và sẽ được triển khai, góp phần chống thất thu ngân sách nhà nước, đồng thời làm lành mạnh môi trường kinh doanh.
Hàng nghìn doanh nghiệp mua bán, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp
Theo Tổng cục Thuế, từ năm 2017 đến năm 2019, ngành Thuế đã phát hiện 7.474 doanh nghiệp mua bán, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp, với gần 500.000 hóa đơn vi phạm, truy thu gần 200 tỷ đồng tiền thuế. 9 tháng năm 2020, số lượng doanh nghiệp sử dụng hóa đơn bất hợp pháp là 457 đơn vị, với hơn 10.900 hóa đơn vi phạm, truy thu 6,599 tỷ đồng.
Thực tế, số doanh nghiệp vi phạm có chiều hướng giảm (năm 2017 phát hiện 3.354 doanh nghiệp, năm 2018 phát hiện 2.983 doanh nghiệp, năm 2019 phát hiện 1.137 doanh nghiệp), nhưng quy mô, mức độ vi phạm lớn hơn, thủ đoạn tinh vi, phức tạp hơn. Điển hình là trường hợp Công ty TNHH Junma Phú Thọ bị Cục Thuế tỉnh Phú Thọ phát hiện mới đây. Theo Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Phú Thọ Lê Văn Phúc, Công ty TNHH Junma Phú Thọ, tuy mới thành lập năm 2017, nhưng trong 2 năm 2018-2019 đã có doanh thu tăng đột biến, số tiền đề nghị hoàn thuế lên tới trên 135 tỷ đồng. Qua kiểm tra hồ sơ, cơ quan thuế nhận thấy có nhiều dấu hiệu vi phạm trong lập, sử dụng chứng từ hàng hóa nguyên liệu mua vào nên đã chuyển hồ sơ cho Công an tỉnh Phú Thọ phối hợp xác minh. Qua điều tra, Công an tỉnh Phú Thọ phát hiện Công ty TNHH Thương mại Tài Tiến (tỉnh Yên Bái) đã xuất cho Công ty TNHH Junma Phú Thọ tổng số 202 hóa đơn giá trị gia tăng với tổng giá trị trên 165 tỷ đồng, trong đó 74,5 tỷ đồng là giá trị hàng hóa khống đã được Công ty TNHH Junma Phú Thọ kê khai hoàn thuế…
Trước đó, tháng 1-2020, Công an thành phố Hà Nội triệt phá đường dây buôn bán hóa đơn bất hợp pháp quy mô lớn khi có cá nhân trong khoảng 5 năm đã thành lập 33 công ty "ma" để bán hóa đơn. Số tiền ghi trên hóa đơn thường rất lớn, lên tới vài tỷ đồng, những đơn vị mua hóa đơn đều là công ty lớn...
Phó Vụ trưởng Vụ Thanh tra, kiểm tra (Tổng cục Thuế) Nguyễn Thị Lan Anh cho biết, lợi dụng chính sách thông thoáng về điều kiện thành lập doanh nghiệp; cơ chế tự khai, tự nộp thuế và tự in, phát hành hóa đơn, một số cá nhân đã thành lập doanh nghiệp “ma”, chỉ để mua bán hóa đơn kiếm lời bất hợp pháp. Một thủ đoạn khác tinh vi hơn là đối tượng mua lại, thâu tóm các doanh nghiệp nhỏ, sau đó thực hiện mua bán hóa đơn tại các doanh nghiệp này; hoặc thành lập một chuỗi doanh nghiệp (trong chuỗi đó có một số doanh nghiệp liên kết với nhau) để xuất hóa đơn cho nhau. Doanh nghiệp mua hóa đơn bất hợp pháp làm chứng từ “hợp pháp hóa” đầu vào để được khấu trừ, hoàn thuế giá trị gia tăng.
“Hình thức không mới nhưng thủ đoạn ngày càng phức tạp, hoạt động có tổ chức, diễn ra tinh vi, liên quan đến nhiều đối tượng, doanh nghiệp, khiến việc kiểm tra, điều tra của cơ quan chức năng khó khăn hơn”, bà Nguyễn Thị Lan Anh đánh giá.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhìn nhận, việc mua bán hóa đơn của các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức nhằm thu lời bất chính không chỉ gây thất thu ngân sách nhà nước mà còn tạo môi trường kinh doanh không lành mạnh, bất bình đẳng.
Thúc đẩy sử dụng hóa đơn điện tử
Để ngăn chặn tình trạng trên, theo bà Nguyễn Thị Lan Anh, Tổng cục Thuế đã chỉ đạo cơ quan thuế các cấp thành lập ban chỉ đạo về hóa đơn, từ đó nhận dạng doanh nghiệp có dấu hiệu rủi ro về in, phát hành, sử dụng hóa đơn; xây dựng chuyên đề thanh tra, kiểm tra đối với các doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế, về hóa đơn. Đặc biệt, cơ quan thuế các cấp đang thúc đẩy việc sử dụng hóa đơn điện tử trên toàn quốc từ ngày 1-7-2022.
Đến hết tháng 9-2020, Cục Thuế Hà Nội đã cơ bản hoàn thành việc triển khai hóa đơn điện tử trên địa bàn thành phố, bảo đảm việc sử dụng hóa đơn minh bạch, được quản lý chặt chẽ. Cục Thuế Hà Nội cũng thường xuyên rà soát hồ sơ khai thuế và kiểm tra khi có dấu hiệu bất thường; tăng cường kiểm soát, kịp thời phát hiện doanh nghiệp bỏ địa chỉ kinh doanh. Đối với doanh nghiệp bỏ địa chỉ kinh doanh nhưng vẫn sử dụng hóa đơn điện tử để lập cho người mua, Cục Thuế phối hợp rà soát dữ liệu và thông báo cho các đơn vị mua hàng, chủ động kiểm soát, không sử dụng các hóa đơn này vào mục đích khấu trừ thuế giá trị gia tăng cũng như hạch toán chi phí khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong đề xuất, cần thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp, đặc biệt là tăng chế tài xử lý hành vi mua bán, sử dụng hóa đơn trái phép, bởi thực tế cho thấy, chế tài xử lý hình sự hiện nay chỉ áp dụng với những vụ vi phạm mà người bán thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng trở lên, chưa đủ sức răn đe.
Liên quan đến vấn đề này, theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, Bộ Tài chính đã xây dựng, ban hành các chính sách về bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong lĩnh vực tài chính, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng. Thời gian tới, Bộ Tài chính và Bộ Công an sẽ tiếp tục phối hợp trao đổi thông tin, nhất là về những hành vi mua bán hóa đơn; đồng thời tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về thuế, nhằm tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.