(HNM) - Trong năm 2018, lực lượng kiểm soát toàn ngành Hải quan đã chủ trì, phối hợp phát hiện, bắt giữ, xử lý các vụ việc vi phạm trong lĩnh vực hải quan, với trị giá hàng hóa vi phạm khoảng 1.700 tỷ đồng.
Kiểm tra hàng hóa nhập khẩu tại Chi cục Hải quan sân bay quốc tế Nội Bài. Ảnh: Nhật Nam |
Số liệu về công tác kiểm soát hải quan năm 2018 cho thấy, số vụ vi phạm pháp luật về hải quan gia tăng so với năm 2017. Theo ông Nguyễn Khánh Quang, Phó Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan), các vụ việc vi phạm diễn ra ở tất cả các tuyến biên giới, cửa khẩu đường bộ, đường biển, đường hàng không, bưu điện quốc tế. Mặt hàng vi phạm đa dạng, gồm hàng cấm; hàng hóa xuất, nhập khẩu có điều kiện; hàng sở hữu trí tuệ; hàng vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm; hàng ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe cộng đồng…
Tính từ ngày 16-12-2017 đến ngày 15-12-2018, lực lượng kiểm soát toàn ngành Hải quan đã chủ trì, phối hợp phát hiện, bắt giữ, xử lý 16.633 vụ việc vi phạm trong lĩnh vực hải quan, tăng 9,54%, trị giá hàng hóa vi phạm khoảng 1.700 tỷ đồng, tăng hơn 115,61%. Thu ngân sách đạt 350.966 tỷ đồng, tăng 4,83% so với cùng kỳ năm 2017. Riêng với công tác phòng, chống ma túy, lực lượng Hải quan đã chủ trì, phối hợp phát hiện, bắt giữ 216 vụ mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy, thuốc gây nghiện hướng thần…
Để có được kết quả này, trong năm 2018, ngành Hải quan đã tập trung cải cách, hiện đại hóa phương thức kiểm soát hải quan, ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường sử dụng các trang thiết bị. Ngành cũng ứng dụng kỹ thuật quản lý hiện đại trong hoạt động nghiệp vụ kiểm soát hải quan, bảo đảm kịp thời phân tích thông tin, xác định trọng điểm, chủ động phòng ngừa, đấu tranh triệt để với các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.
Mặt khác, công tác chỉ đạo, điều hành năm 2018 đã có những sáng tạo tích cực, góp phần dự báo, cảnh báo sát với tình hình hoạt động buôn lậu. Qua đó, ngành đã chủ động phát hiện kịp thời những phương thức, thủ đoạn mới, các hiện tượng nổi cộm để kiểm tra, giám sát, tập trung đánh đúng các đối tuợng chủ mưu, cầm đầu.
Ngoài ra, ngành Hải quan còn chủ động đẩy mạnh công tác phối hợp liên ngành trong nước và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực phòng, chống buôn lậu, bảo đảm xây dựng và hình thành cơ chế hợp tác, trao đổi, chia sẻ thông tin cả trong - ngoài ngành, trong nước và quốc tế, phục vụ hiệu quả công tác nghiệp vụ. Trên cơ sở các quy chế đã được ký kết giữa lực lượng hải quan với các lực lượng: Bộ đội biên phòng, Cảnh sát biển, Quản lý thị trường..., ngành Hải quan đã triển khai nhiệm vụ chống buôn lậu, gian lận thương mại ngày càng hiệu quả.
Từ nay đến Tết Nguyên đán, hoạt động buôn lậu được dự báo tiếp tục gia tăng, diễn biến phức tạp. Các đơn vị hải quan sẽ tăng cường sử dụng các trang thiết bị, kỹ thuật quản lý hiện đại trong hoạt động nghiệp vụ nhằm chủ động phòng ngừa, đấu tranh triệt để với các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.
Đặc biệt, tại những tuyến, địa bàn nổi cộm như: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị... toàn ngành sẽ đẩy mạnh chống buôn lậu, vận chuyển trái phép các mặt hàng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng qua biên giới; tăng cường công tác phòng, chống ma túy và quản lý tiền chất. Ngành cũng mở các đợt cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới trước, trong và sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 nhằm ngăn ngừa hiệu quả các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.