(HNM) - Thương mại điện tử, đặc biệt hình thức livestream (phát trực tiếp) trên mạng xã hội ngày càng trở nên phổ biến vì sự tương tác cao giữa người mua và người bán. Tuy nhiên, bên cạnh các trang thương mại điện tử hoạt động đúng quy định, nhiều đối tượng đã lợi dụng hình thức này để tiêu thụ số lượng lớn hàng giả, hàng lậu vi phạm pháp luật. Để ngăn chặn tình trạng này cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng chức năng.
Từ hơn một năm nay, bán hàng livestream trở nên sôi động trên các trang mạng xã hội như Facebook, các trang thương mại điện tử, đặc biệt là trong giai đoạn diễn ra dịch Covid-19. Đây là hình thức bán hàng mang tính tương tác cao giữa người bán với người mua, người mua có thể trực tiếp trao đổi về sản phẩm, sau đó, chỉ cần để lại số điện thoại sẽ có người liên hệ chốt đơn hàng.
Tuy nhiên, bên cạnh các trang thương mại điện tử làm ăn tạo được sự tin tưởng với người dùng, nhiều đối tượng đã lợi dụng hình thức bán hàng này để kiếm lời bằng cách tuồn vào tiêu thụ số lượng lớn hàng giả, hàng lậu, vi phạm pháp luật. Chị Lê Trúc Anh (trú tại ngõ 205 phố Định Công, quận Hoàng Mai) chia sẻ: "Hầu hết các sản phẩm mỹ phẩm, thời trang… bán qua livestream đều được quảng cáo là “chất lượng tốt nhất”, “chỉ dành cho những người nhanh tay nhất”, “siêu rẻ”… Nhưng thực tế, khi nhận hàng nhiều người không khỏi thất vọng khi quảng cáo một đằng, hàng giao một nẻo".
Ông Trần Việt Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, liên tục trong thời gian ngắn, lực lượng quản lý thị trường Hà Nội, cũng như lực lượng quản lý thị trường tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước đã phát hiện, bắt giữ hàng loạt vụ tập kết, vận chuyển mua bán hàng giả, hàng kém chất lượng mà các đối tượng chủ yếu lợi dụng hình thức livestream trên mạng xã hội để tiêu thụ.
Điển hình, mới đây, Đội quản lý thị trường số 1, Đội quản lý thị trường số 6 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) cùng thành viên Tổ công tác 368 (Tổ công tác về thương mại điện tử - Tổng cục Quản lý thị trường) tiến hành kiểm tra một cơ sở kinh doanh tại số 17 Phạm Hùng, quận Nam Từ Liêm. Đoàn kiểm tra phát hiện tổng số hàng hóa là trên 100.000 sản phẩm và hơn 20 bao hàng không có giấy tờ, nguồn gốc xuất xứ, gồm: Chăn ga các loại mang nhãn Zara Home; quần áo Adidas, ấm đun nước điện, mặt nạ đắp mặt, xịt khoáng, mỹ phẩm dưỡng da, dầu gội đầu, sữa bột, bóng đèn ô tô, xe máy, đồ gia dụng các loại…
Hay gần đây nhất, Tổng cục Quản lý thị trường phối hợp với Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động và Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm công nghệ cao (Bộ Công an) kiểm tra một kho hàng lậu hơn 10.000m2 tại thành phố Lào Cai, phát hiện hàng nghìn sản phẩm nhập lậu hoặc có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng thế giới, với 40 nhân viên ngồi máy tính chốt đơn, mỗi ngày tối thiểu chốt 100-200 đơn hàng...
Ông Chu Xuân Kiên, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thành phố Hà Nội cho biết, những vụ việc trên cho thấy, vấn nạn hàng giả, hàng kém chất lượng đang “nóng” trên thương mại điện tử, đặc biệt là hình thức livestream bán hàng.
Để công tác phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng kinh doanh hàng nhập lậu, vi phạm sở hữu trí tuệ... trên môi trường mạng đạt hiệu quả cao hơn, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã chỉ đạo các lực lượng chức năng tiếp tục tăng cường quản lý địa bàn, thống kê và nắm thông tin về các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh; kiểm tra địa bàn trọng điểm, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các đối tượng. Tuy nhiên, hiện nhiều địa điểm hoạt động kinh doanh trực tuyến nằm lẫn trong nhà dân, khu chung cư, khiến lực lượng chức năng khó tiếp cận, kiểm tra, xử lý... Vì vậy, rất cần sự phối hợp của ban quản lý các khu chung cư, các công ty chuyển phát nhanh đấu tranh chống gian lận, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng trên môi trường mạng.
Ngoài ra, cần tăng nặng hình thức xử phạt vi phạm hành chính nhằm ngăn chặn hiện tượng "nhờn luật" do mức độ xử phạt quá thấp so với lợi nhuận thu được.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.