(HNM) - Thời điểm cuối năm, cùng với công tác điều tiết hàng hóa, các lực lượng chức năng thành phố Hà Nội tăng cường quản lý địa bàn, kiểm tra, kiểm soát thị trường, đặc biệt, xử lý nghiêm các đối tượng lợi dụng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” để tiêu thụ hàng lậu, hàng giả. Qua đó, bảo vệ uy tín của doanh nghiệp sản xuất trong nước và quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.
Cuối năm, lợi dụng nhu cầu tiêu dùng các loại hàng hóa, thực phẩm của người tiêu dùng gia tăng, nhiều đối tượng đã bất chấp quy định pháp luật để kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng lậu... Dù lực lượng chức năng thành phố Hà Nội đã tăng cường kiểm tra, xử lý và bắt giữ nhiều vụ buôn bán hàng giả, hàng nhái..., nhưng tình hình vẫn tương đối phức tạp, nhiều vụ kinh doanh hàng giả, hàng nhái liên tiếp bị phát hiện.
Chia sẻ về vấn đề này, Trưởng ban Đối ngoại, Công ty cổ phần Acecook Việt Nam Tô Duy Hải cho biết, việc sản phẩm soup mì tôm Hảo Hảo bị làm giả và bán tràn lan trên mạng xã hội trong thời gian qua ảnh hưởng đến thương hiệu, chất lượng sản phẩm, hoạt động kinh doanh của đơn vị rất nhiều. Dù chưa có thống kê chính xác nhưng số lượng thiệt hại là khá lớn cả về doanh thu và thương hiệu.
Thông tin từ Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thành phố Hà Nội (Ban Chỉ đạo 389/TP) cho thấy, trong tháng 11-2022, các lực lượng chức năng thành phố Hà Nội đã kiểm tra và phát hiện 3.289 vụ buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, thu nộp ngân sách trên 564,9 tỷ đồng. Dù liên tục phát hiện, kiểm tra, bắt giữ các vụ buôn lậu số lượng lớn nhưng tình trạng buôn lậu thời điểm giáp Tết tiếp tục diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi.
Nói về thực trạng trên, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội Trần Việt Hùng cho biết, nhằm đối phó với lực lượng chức năng, các đối tượng dùng nhiều thủ đoạn như lợi dụng việc các doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử để vận chuyển hàng hóa không có hóa đơn chứng từ, khi bị kiểm tra mới xuất hóa đơn để đối phó.
Đặc biệt, hiện nay các đối tượng lợi dụng hoạt động thương mại điện tử, các trang mạng xã hội để quảng cáo, giới thiệu hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm chất lượng…, rồi gửi qua các đơn vị dịch vụ bưu chính chuyển phát nhanh nên gây khó khăn trong kiểm tra, phát hiện của lực lượng chức năng…
Ngoài ra, nhiều đối tượng lợi dụng niềm tin của người tiêu dùng vào cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đưa hàng kém chất lượng, giả xuất xứ của Việt Nam vào thị trường... Ngoài việc thường xuyên thay đổi phương thức, thủ đoạn và có sự cấu kết từ khâu sản xuất đến phân phối, các đối tượng còn sử dụng hình thức giao dịch trực tuyến để quảng cáo, bán hàng trên mạng xã hội, khiến lực lượng chức năng khó xử lý. Cũng phải nói thêm, vẫn còn một số người tiêu dùng có tâm lý ham rẻ và không phân biệt được hàng thật, hàng giả nên dễ bị các đối tượng trục lợi. Đây cũng là vấn đề gây ảnh hưởng rất nhiều đến việc phòng, chống hàng giả, hàng kém chất lượng trên thị trường.
Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội, Phó Trưởng ban Chỉ đạo 389/TP Chu Xuân Kiên cho biết, phục vụ nhu cầu mua sắm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Thủ đô dịp trước, trong, sau Tết Nguyên đán 2023, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã giao các Đội Quản lý thị trường phối hợp với các sở, ngành và UBND các cấp chủ động nắm tình hình, địa bàn, thu thập thông tin để xác định đối tượng vi phạm, từ đó có phương án đấu tranh, xử lý có hiệu quả theo quy định pháp luật.
Trong đó, tập trung kiểm tra, kiểm soát, xử lý các đối tượng kinh doanh, hoạt động có tổ chức, tập kết, vận chuyển hàng cấm, hàng hóa nhập lậu, gian lận thương mại; chủ động phối hợp với lực lượng công an kiểm tra các điểm tập kết, kho hàng tại các quận, huyện Thanh Trì, Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Gia Lâm, Long Biên...; tại sân bay quốc tế Nội Bài, các hội chợ Xuân, nhất là ở khu vực nông thôn. Đặc biệt, lực lượng chức năng sẽ thường xuyên kiểm tra các sản phẩm thực phẩm, bánh, kẹo, rượu, bia, nước giải khát, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm...; các nguyên liệu, phụ gia nhập lậu vi phạm an toàn thực phẩm dùng để sản xuất, chế biến hàng công nghiệp thực phẩm có nhu cầu tiêu dùng cao trong dịp Tết. Từ đó, góp phần mang đến sự an toàn cho người tiêu dùng, đồng thời hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính. ở đây, cũng cần đến sự chung tay của người tiêu dùng khi sử dụng hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.