Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngăn chặn hàng giả trên thương mại điện tử

Lam Giang| 10/12/2022 06:20

(HNM) - Cuối năm, khi nhu cầu mua sắm tăng cao, nạn hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc theo đó “nóng” trở lại, nhất là trên môi trường thương mại điện tử. Thực trạng này đặt ra yêu cầu cần nhiều giải pháp hiệu quả hơn nữa để lành mạnh hóa thị trường thương mại điện tử Việt Nam, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng...

Đội Quản lý thị trường số 1 (Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội) kiểm tra một cơ sở kinh doanh hàng giả, hàng nhái trên mạng xã hội tại quận Cầu Giấy. Ảnh: Văn Nghĩa

Gia tăng hàng giả, hàng kém chất lượng

Những năm qua, thị trường thương mại điện tử Việt Nam phát triển bùng nổ. Song, vấn nạn hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm sở hữu trí tuệ… cũng theo đó diễn biến phức tạp. Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 1 (Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội) Hoàng Đại Nghĩa thông tin, từ đầu năm 2022 đến nay, hoạt động buôn lậu, kinh doanh hàng giả, hàng nhái… ở cả môi trường truyền thống và trên mạng xã hội gia tăng trở lại. Vào thời điểm cuối năm, hoạt động này càng phức tạp hơn. Các mặt hàng vi phạm thuộc đủ chủng loại, tập trung vào nhóm hàng tiêu dùng, thực phẩm, điện tử…

Thực tế, khảo sát trên các trang mạng xã hội dễ dàng bắt gặp những mời chào mua hàng giả, hàng vi phạm bản quyền và cả hàng cấm kinh doanh. Khách hàng chỉ cần đặt số lượng và báo địa chỉ là hàng sẽ được chuyển tới tận nơi… Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) Nguyễn Đức Lê cho biết, hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ không chỉ sản xuất trong nước mà còn được đặt sản xuất ở nước ngoài, sau đó đưa về nội địa tiêu thụ. Trên không gian mạng, đối tượng mở gian hàng, giảm giá, khuyến mại để bán nhiều loại hàng lậu, hàng giả, sau đó xóa chứng cứ rất nhanh.

Những tháng cuối năm 2022, mặc dù cơ quan chức năng đã tăng cường ngăn chặn, triệt phá nhiều vụ việc nhưng các đối tượng vẫn tuồn hàng nhập lậu, hàng giả, hàng nhái... ra thị trường, lên mạng xã hội để tiêu thụ. Đơn cử ngày 2-12 vừa qua, đoàn liên ngành thành phố Hà Nội kiểm tra cơ sở kinh doanh nước hoa tại phường La Khê, quận Hà Đông, tạm giữ hơn 1.000 lọ nước hoa mang nhiều thương hiệu nổi tiếng. Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng ghi nhận cơ sở có 5 nhân viên đang thống kê người đặt mua hàng trên mạng, đóng gói sản phẩm để chuyển phát nhanh.

Cũng trong ngày 2-12, Đội Quản lý thị trường số 1 (Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội) phối hợp với lực lượng chức năng kiểm tra cơ sở kinh doanh tại phố Trần Vĩ, quận Cầu Giấy, tạm giữ gần 30.000 bộ quần áo, giày, găng tay có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Adidas. Cơ sở kinh doanh này sử dụng mạng xã hội để đăng tải hình ảnh, nhận đặt hàng, bán các sản phẩm có dấu hiệu giả mạo nói trên.

Thực tế, không ít người tiêu dùng cũng lo ngại khi mua bán trên môi trường thương mại điện tử. Chị Phạm Thùy Dương (ở ngõ 94 phố Ngô Gia Tự, quận Long Biên) cho hay, người tiêu dùng rất khó nhận biết hàng thật, hàng giả và khó kiểm tra chất lượng hàng khi mua bán trên mạng. Có chăng chỉ nghi ngờ khi hàng hiệu được bán với giá quá rẻ.

Hướng dẫn người tiêu dùng kiểm tra chất lượng sản phẩm tại Phòng trưng bày hàng thật, hàng giả, hàng vi phạm của Tổng cục Quản lý thị trường. Ảnh: Nguyễn Hà

Siết chặt quản lý, bảo đảm ổn định thị trường cuối năm

Ngay từ cuối quý III-2022, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) đã ban hành kế hoạch mở cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả các tháng cuối năm 2022, dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội cũng ban hành kế hoạch tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, lợi dụng nhu cầu mua sắm tăng cao vào dịp Tết để kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ… với cả phương thức kinh doanh truyền thống và trực tuyến.

Theo Cục trưởng Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội Chu Xuân Kiên, từ tháng 11-2022, lực lượng quản lý thị trường đã đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát nhằm ngăn chặn từ sớm các hành vi vi phạm. Trong đó chú trọng xử lý các hành vi lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh các sản phẩm giả mạo nhãn hiệu, hàng không rõ nguồn gốc, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng.

Chống hàng nhái, hàng giả, đặc biệt trên thương mại điện tử, là cuộc chiến không dễ dàng, cần sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của các cơ quan chức năng, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Trong đó, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm trong kinh doanh hàng hóa trên mạng xã hội và các sàn thương mại điện tử là giải pháp quan trọng. Theo Trưởng phòng Quản lý hoạt động thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) Nguyễn Hữu Tuấn, Bộ Công Thương đã xây dựng cổng điện tử (địa chỉ online.gov.vn) tiếp nhận thông tin, khiếu nại, phối hợp xử lý… Ngoài ra, Bộ Công Thương còn phối hợp với các cơ quan liên quan gỡ bỏ các gian hàng, sản phẩm vi phạm trên thương mại điện tử.

Từ góc độ doanh nghiệp, Giám đốc Nhà máy URC Hà Nội (doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đồ uống) Phạm Quốc Lộc cho hay: “Thông qua đường dây nóng, tài khoản Facebook, website, chúng tôi thường xuyên nắm bắt thông tin và phản hồi của khách hàng về sản phẩm và nhanh chóng phối hợp với cơ quan chức năng xử lý khi phát hiện hàng giả, hàng nhái. Ngoài ra, doanh nghiệp áp dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất bao bì, nhãn mác để ngăn chặn các đối tượng làm giả”.

Còn Giám đốc Chiến lược sàn thương mại điện tử Vỏ Sò (Tổng công ty cổ phần Bưu chính Viettel) Vũ Anh cho biết, Vỏ Sò yêu cầu các đối tác cung cấp mã số thuế, thông tin đầy đủ về doanh nghiệp. Vỏ Sò cũng phối hợp và áp dụng giải pháp truy xuất nguồn gốc, theo dõi đơn hàng trong quá trình vận chuyển, qua đó góp phần xóa bỏ hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng trên sàn.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Ngăn chặn hàng giả trên thương mại điện tử

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.