Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngăn chặn clip xấu độc, nhảm nhí

Thanh Hà| 12/10/2020 10:22

(HNMO) - Thời gian gần đây, mạng xã hội xuất hiện ngày càng nhiều video clip có nội dung nhảm nhí, độc hại với mục đích "câu view" (lượt xem) để kiếm tiền. Điển hình là trường hợp Nguyễn Văn Hưng (chủ tài khoản mạng xã hội YouTube Hưng Vlog) lần thứ hai trong vòng 1 tháng bị cơ quan chức năng tỉnh Bắc Giang xử phạt hành chính vì cung cấp, chia sẻ thông tin không phù hợp, trái với thuần phong mỹ tục.

Sốc, độc, nhảm nhí để "câu view" kiếm tiền

Với trường hợp Nguyễn Văn Hưng, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bắc Giang đã xử phạt 10 triệu đồng và buộc gỡ bỏ video clip "Troll lấy cắp tiền, đập bể heo đất của em gái, em trai đi ăn chơi và cái kết".

Cũng với vi phạm tương tự, Hưng Vlog còn bị Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bắc Giang xử phạt 7,5 triệu đồng vì đăng tải clip "Troll em gái, em trai ăn nồi cháo gà nguyên lông và cái kết".

Trước đó, đầu năm 2019, một số "giang hồ mạng" như Khá "Bảnh" (tức Ngô Bá Khá), Dương Minh Tuyền đăng tải video, clip có nội dung bạo lực, cờ bạc, cổ xúy cho vi phạm pháp luật cũng đã bị dư luận và cộng đồng mạng lên án mạnh mẽ. Do vi phạm pháp luật, Ngô Bá Khá đã bị bắt, đưa ra xét xử và đang chấp hành án hơn 10 năm tù.

Đánh giá về trường hợp Hưng Vlog đăng tải clip nhảm nhí, anh Lê Mỹ, phóng viên theo dõi công nghệ của Báo điện tử VietNamNet phải thốt lên: "Nội dung nhảm giờ toàn được đẩy lên tốp YouTube. Nguy hiểm hơn, nếu trẻ em xem, bắt chước, có thể gây nguy hại khôn lường...".

Thực tế, để kích thích những người làm nội dung, YouTube có cơ chế chia sẻ doanh thu (còn gọi là bật tính năng kiếm tiền). Người dùng cần đạt được các tiêu chí như trên 1.000 lượt subscribers (theo dõi) và tổng 4.000 giờ xem video trong 12 tháng trước... Do đó, thay vì làm ra những nội dung chất lượng, nhiều người chọn hướng đăng tải các clip sốc, độc, nhảm nhí. Và nguy hại hơn, những clip nhảm lại có số người theo dõi đông đảo, như trường hợp kênh YouTube Hưng Vlog có tới 2,89 triệu lượt theo dõi.

Trách nhiệm của YouTube và người xem như thế nào?

Một câu hỏi đặt ra là tại sao các clip xấu độc, nhảm nhí lại xuất hiện nhiều và dễ dàng như vậy trên các nền tảng mạng xã hội?

Với những video clip xấu độc, nhảm nhí, trách nhiệm trước tiên của người làm nội dung, đăng tải. Thực tế, thời gian qua, các cơ quan chức năng liên tục áp dụng các biện pháp, từ xử lý hành chính đến hình sự đối với trường hợp đăng tải thông tin nhảm nhí, sai sự thật. Tuy nhiên, đây không phải là giải pháp xử lý tận gốc vấn đề, khi các mạng xã hội xuyên biên giới như YouTube vẫn phê duyệt, đăng tải, phát tán các video clip xấu độc một cách dễ dàng.

Chị Đà Đông (ngõ 169 Thái Hà, phường Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ, việc đăng ký tài khoản Google liên kết với YouTube không có bất cứ rào cản hay xác nhận độ tuổi nào, đồng nghĩa với việc ai cũng có thể đăng ký tài khoản trên 18 tuổi một cách dễ dàng.

Còn theo anh Hoàng Minh (ngõ 89 Lê Đức Thọ, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm), dù kênh Khá "Bảnh" và Dương Minh Tuyền đã bị khóa vì đăng tải video clip vi phạm, nhưng nhiều clip nhảm nhí từ những kênh này đã được người dùng khác đăng lại, chia sẻ...

"YouTube thu lợi từ việc dung túng cho clip rác", anh Lê Mỹ nhận định. 

Cũng theo phân tích của anh Lê Mỹ, ngoài việc người xem quá dễ dãi khi đón nhận các nội dung thiếu lành mạnh làm cho nó trở nên phổ biến, thì trách nhiệm chính ở đây thuộc về Facebook hay YouTube. Vì rõ ràng, hệ thống kiểm duyệt của họ không chặt chẽ và không tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam, nên những nội dung nhảm nhí, trái với thuần phong mỹ tục mới được duyệt lên và lan rộng trong cộng đồng.

Ngoài ra, còn có trách nhiệm của các công ty quản lý, đại lý của YouTube, Google tại Việt Nam, khi dễ dàng cho các kênh nhảm nhí này vào hệ thống. Vì vậy, muốn dẹp bỏ các kênh nhảm nhí, độc hại, trước hết, cơ quan chức năng cần nắm các công ty quản lý trong nước.

Thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tích cực làm việc, đấu tranh với các mạng xã hội hoạt động theo hình thức xuyên biên giới, yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ xây dựng cơ chế làm việc và có đầu mối hợp tác với Việt Nam để xử lý các tài khoản, video clip xấu độc.

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an chỉ đạo, phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, xử lý tình trạng mạng xã hội tràn lan video có nội dung nhảm nhí, giật gân nhằm kiếm tiền.

Hy vọng, với sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc quyết liệt của hai Bộ: Thông tin và Truyền thông, Công an, các clip xấu độc, nhảm nhí sẽ bị loại bỏ, trả lại không gian "sạch" cho những người tham gia mạng xã hội. Tuy nhiên, vấn đề cơ bản vẫn là trách nhiệm của đơn vị chủ quản mạng xã hội và nhận thức của người dùng trong việc nhận diện thông tin thật - giả, xấu độc để tránh bị lôi kéo, dẫn dắt tới những biểu hiện lệch lạc về nhận thức và hành vi.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Ngăn chặn clip xấu độc, nhảm nhí

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.