(HNM) - Hà Nội được coi là nơi trung chuyển, tiêu thụ, buôn bán động vật hoang dã lớn của cả nước.
Lực lượng chức năng thu giữ động vật quý hiếm bị mua bán trái phép. |
Theo ông Vũ Anh Tuấn, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm số 3 (Chi cục Kiểm lâm Hà Nội), Hà Nội là địa bàn có nhiều nhà hàng, quán nhậu, giao thông thuận lợi cho các đối tượng vận chuyển động vật hoang dã (ĐVHD) từ các tỉnh, thành phố và nước ngoài vào tiêu thụ nên công tác quản lý, kiểm soát gặp nhiều khó khăn. Chưa kể, tình trạng gây nuôi ĐVHD cũng đang ngày càng phức tạp. Hiện nay trên địa bàn Hà Nội có khoảng 320 cơ sở nuôi nhốt ĐVHD với 57.500 cá thể. Số trại nuôi đã được cơ quan kiểm lâm cấp giấy chứng nhận là 253 cơ sở, trong đó có 200 cơ sở nuôi nhím, 70 cơ sở nuôi rắn, hơn 60 cơ sở nuôi hổ, báo, cá sấu, cầy, khỉ, kỳ đà... Số được cấp giấy đăng ký phần lớn là các tổ chức, cơ quan nhà nước, nuôi nhốt ĐVHD phục vụ nhu cầu du lịch, nghiên cứu và bảo tồn nguồn gen. Theo ông Lê Minh Tuyên, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Nội, hiện nay còn 77 cơ sở nuôi nhốt 327 cá thể gấu ngựa ở các xã, phường trên địa bàn thành phố không đủ điều kiện cấp giấy đăng ký trại nuôi.
Theo số liệu thống kê của Chi cục Kiểm lâm Hà Nội, trong năm 2013, các cơ quan chức năng đã xử lý 110 vụ vi phạm pháp luật về buôn bán, vận chuyển, giết mổ ĐVHD, trong đó tịch thu 707 cá thể ĐVHD (có 70 cá thể quý hiếm nằm trong Sách đỏ Việt Nam), xử phạt hành chính gần 2 tỷ đồng. Còn trong quý I-2014, chi cục đã bắt giữ 8 vụ buôn bán, vận chuyển trái phép 112 cá thể ĐVHD mà gần đây nhất là vụ vận chuyển trái phép 6 con tê tê của 2 hành khách từ Nghệ An ra Hà Nội ngày 25-3, đã bị lực lượng kiểm lâm phối hợp với Công an ga Hà Nội bắt giữ, củng cố hồ sơ để xử lý theo pháp luật. |
Công tác quản lý vận chuyển, buôn bán, gây nuôi... ĐVHD trên địa bàn thành phố hiện còn những khó khăn, bất cập như chưa có quy chuẩn về quy trình gây nuôi từng loài ĐVHD; một số văn bản của Nhà nước quy định ĐVHD thông thường chưa nêu hết các loài nên người dân đã lách luật để săn bắn, giết thịt nhiều loài trong tự nhiên, khiến lực lượng kiểm lâm khó xử lý. Điển hình là tình trạng giết thịt loài chim hoang dã tại vườn cò Ngọc Nhị, xã Cẩm Lĩnh (Ba Vì) đã đến mức báo động nhưng chế tài xử lý rất khó khăn. Ông Nguyễn Xuân Dung, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Ba Vì cho biết, đã tiến hành xử lý chủ đồi cò này nhiều lần nhưng việc săn bắt, giết thịt cò, vạc để phục vụ thực khách vẫn diễn ra. Ngoài ra, hoạt động gây nuôi ĐVHD trên địa bàn còn mang tính tự phát, manh mún, nhỏ lẻ, chạy theo thị trường, khi nhu cầu của thị trường bão hòa dẫn đến sản phẩm chăn nuôi không bán được. Việc quản lý và bảo đảm an toàn cho các cơ sở nuôi nhốt ĐVHD hung dữ nguy hiểm trong khu dân cư như rắn hổ mang, gấu, cá sấu… chưa được thực hiện nghiêm, dẫn đến chủ nuôi tự ý trích hút mật gấu, buôn bán rắn hổ mang khi chưa được kiểm lâm cho phép. Lực lượng kiểm lâm mỏng, quản lý địa bàn rộng... cũng là những nguyên nhân gây khó khăn cho công tác quản lý hoạt động buôn bán, vận chuyển, giết thịt ĐVHD trên địa bàn.
Để quản lý có hiệu quả các hoạt động buôn bán, vận chuyển và nuôi nhốt ĐVHD trên địa bàn thành phố, ngoài công tác tuyên truyền, ngành kiểm lâm đã mở lớp tập huấn nghiệp vụ quản lý, bảo vệ ĐVHD cho 200 tổ chức, hộ gia đình gây nuôi ĐVHD trên địa bàn các huyện Phúc Thọ, Thạch Thất, Quốc Oai, Đan Phượng, Hoài Đức, Đông Anh, Gia Lâm, thị xã Sơn Tây và quận Hà Đông, Long Biên. Chi cục cũng chỉ đạo các hạt kiểm lâm cơ sở tăng cường kiểm tra, kiểm soát các nhà hàng, yêu cầu chủ nhà hàng ký cam kết không mua, bán, giết thịt ĐVHD trái phép. Đội kiểm lâm cơ động cấp phát sổ theo dõi khai báo nhập xuất ĐVHD đến từng tổ chức, cá nhân, hộ gia đình; phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra việc ghi chép sổ sách và theo dõi nhập phát sinh tăng đàn, xử lý nghiêm những trường hợp lợi dụng mua động vật hoang dã không có nguồn gốc hợp pháp về nuôi nhốt.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.