(HNM) - Với hơn 20 thỏa thuận song phương trên nhiều lĩnh vực, từ hợp tác kinh tế - thương mại đến an ninh - chính trị vừa được ký kết tại Bắc Kinh, chuyến công du Trung Quốc hai ngày (22 và 23-10) của Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đã mở ra một giai đoạn hợp tác đầy hứa hẹn giữa hai nước.
Thủ tướng Dmitry Medvedev (trái) và Thủ tướng Lý Khắc Cường nhất trí thúc đẩy quan hệ Nga - Trung trên nhiều lĩnh vực. |
Với nhiều lợi ích kinh tế và chính trị, có nhiều lý do khiến nhà lãnh đạo xứ Bạch dương cùng phái đoàn hùng hậu - trong đó có Bộ trưởng Năng lượng Alexander Novak cùng lãnh đạo các hãng sản xuất khí đốt và dầu mỏ hàng đầu của Nga - chọn Trung Quốc làm điểm đến trong chuyến công du lần này.
Là hai nước Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ), hai nền kinh tế quan trọng hàng đầu trong Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) và hai quốc gia láng giềng lớn với đường biên giới chung dài 4.300km, sự xích lại gần nhau của quan hệ Nga - Trung là một yếu tố tất yếu. Một số chuyên gia phân tích cho rằng, lý do sâu xa khiến giới lãnh đạo Nga ngày càng đẩy mạnh hợp tác với Trung Quốc là sức mạnh kinh tế của quốc gia láng giềng phương Đông này. Bất chấp những tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu, nhiều quốc gia Châu Âu rơi vào khủng hoảng nợ công, nền kinh tế hơn 1,3 tỷ dân về cơ bản vẫn phát triển ổn định, với tăng trưởng GDP dự kiến trong năm nay đạt khoảng 7,5%. Trong khi đó tại Nga, đặc biệt là vùng Viễn Đông đang phải vật lộn với một loạt khó khăn như thiếu đầu tư, kém phát triển và quan trọng hơn là dân số giảm mạnh. Trong bối cảnh đó, đẩy mạnh thu hút đầu tư từ quốc gia láng giềng Trung Quốc không chỉ giúp khu vực Viễn Đông phát triển, tạo ra công ăn việc làm mới, mà còn góp phần tạo thêm động lực cho nền kinh tế Nga.
Chiến lược này còn có ý nghĩa quan trọng giúp Chính phủ Nga hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2020 đưa tổng GDP vào danh sách 5 cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới. Đổi lại, Trung Quốc cũng được nhiều lợi ích khi đẩy mạnh hợp tác kinh tế với Nga, đặc biệt là trong lĩnh vực năng lượng. Giữa lúc nền kinh tế lớn thứ hai thế giới luôn trong "cơn khát" nhiên liệu, việc mở rộng thị trường nguồn cung năng lượng sang quốc gia láng giềng giàu nhiên liệu phía bắc là bài toán hợp lý hơn cả. Trên thực tế, trong hợp tác kinh tế Nga - Trung nhiều năm qua năng lượng vẫn là lĩnh vực phát triển mạnh mẽ nhất. Trên tinh thần đó, thỏa thuận về việc Nga sẽ cung cấp thêm 10 triệu tấn dầu thô mỗi năm cho Trung Quốc trong vòng 10 năm tới - với tổng trị giá 85 tỷ USD - vừa được ký kết được xem là một hợp đồng vô cùng đáng kể.
Nhấn mạnh năng lượng là lĩnh vực chủ chốt trong hợp tác song phương giữa hai nước, sau cuộc hội đàm với Thủ tướng nước chủ nhà Lý Khắc Cường, Thủ tướng Dmitry Medvedev bày tỏ hy vọng, các văn kiện hợp tác mới được ký kết sẽ sớm được thực thi và hai bên sẽ đạt được đồng thuận về các dự án đang trong quá trình thảo luận trong thời gian tới. Thủ tướng Lý Khắc Cường cũng tin tưởng giữa lúc môi trường quốc tế có những diễn biến phức tạp, quan hệ hợp tác Trung - Nga dựa trên cơ chế hợp tác khu vực và quốc tế sẽ giúp hồi phục nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là hỗ trợ các nền kinh tế mới nổi trước những thách thức và nguy cơ tiềm tàng.
Mặc dù vậy, hợp tác kinh tế giữa Nga và Trung Quốc không hoàn toàn "trải trên hoa hồng" khi vẫn tồn tại một số vấn đề. Với kim ngạch thương mại song phương đạt khoảng 100 tỷ USD/năm, nhưng cơ cấu thương mại giữa hai bên khiến Nga chưa hài lòng. Nga là nước cung cấp nguyên nhiên liệu, kim loại nhưng lại nhập khẩu sản phẩm máy móc - kỹ thuật của Trung Quốc. Theo thống kê, đầu tư thực tế của Trung Quốc vào Nga chỉ chiếm 4% tổng đầu tư của nước ngoài tại đất nước rộng lớn này và điều đó chưa tương xứng với mối quan hệ chính trị ở cấp độ cao giữa hai nước…
Dẫu vậy, vài trở ngại trên được cho là không đáng kể so với tiềm năng của một loạt thỏa thuận hợp tác kinh tế quan trọng vừa được ký kết. Do đó, chuyến công du diễn ra chưa đầy 48 tiếng của Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev được kỳ vọng sẽ tạo thêm động lực để hai nước thực hiện mục tiêu đưa kim ngạch thương mại song phương 150 tỷ USD vào năm 2015 và 200 tỷ USD vào năm 2020.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.