(HNM) - Mối lo về một kỷ nguyên đối đầu mới giữa Nga và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ngày càng hiện hữu khi các bên liên tục tung ra những động thái và tuyên bố làm gia tăng tình trạng căng thẳng.
Nga sẽ tăng cường sức mạnh biển trong thời gian tới. |
Sự kiện mới nhất thu hút sự quan tâm của dư luận quốc tế trong tuần này là việc Nga thông qua Học thuyết biển sửa đổi gồm 4 hướng chức năng là: hoạt động quân sự biển, vận tải biển, khoa học biển và khai thác khoáng sản, cùng 6 hướng khu vực là: Đại Tây Dương, Bắc Cực, Thái Bình Dương, Biển Caspi, Ấn Độ Dương và Nam Cực. Học thuyết mới của Mátxcơva đặc biệt chú trọng đến hướng Đại Tây Dương và Bắc Cực. Các điểm đáng quan tâm chính của Học thuyết biển sửa đổi gồm giảm các mối đe dọa với an ninh quốc gia của Nga và bảo đảm ổn định chiến lược tại khu vực Bắc Cực, củng cố vị thế hàng đầu của Nga trong lĩnh vực nghiên cứu và khai thác biển ở Bắc Cực; hoàn thiện thành phần và cơ cấu lực lượng Hạm đội Biển Đen, phát triển cơ sở hạ tầng của lực lượng này tại Crimea và khu vực Krasnodar.
Ngược dòng lịch sử, Liên bang Xô Viết một thời cũng từng là cường quốc hàng hải, với những chiến hạm tối tân và tàu phá băng nguyên tử tiên tiến bậc nhất thế giới. Liên Xô cũng đã từng phát triển và duy trì được lực lượng không quân hải quân mạnh, có khả năng tác chiến rất tốt ở nhiều khu vực. Liên Xô tan rã đã ảnh hưởng không nhỏ tới sức mạnh của nước Nga với các vùng biển chiến lược như Baltic, Biển Bắc và Thái Bình Dương... Trên thực tế, 14 năm trở lại đây, Nga đã nỗ lực không ngừng nhằm lấy lại vai trò một cường quốc biển. Trong năm qua, nhịp độ đưa các tàu ngầm vào đội ngũ phục vụ quân sự đã tăng 50% so với năm 2013. Tuy nhiên, việc sửa đổi Học thuyết biển được xem như một bước chuyển chính thức của Mátxcơva nhằm thích ứng với chiến lược biển mới của Nga trong thời gian tới. Theo kế hoạch của Bộ Quốc phòng Nga, hơn 80 tàu hải quân thuộc nhiều lớp khác nhau đang làm nhiệm vụ tại nhiều vùng biển như Đại Tây Dương, Địa Trung Hải và Vịnh Aden được coi là lực lượng nòng cốt trong chiến lược hải quân mới.
Chính giới Nga cho rằng, nguyên nhân lớn nhất dẫn tới sự thay đổi chiến lược của hải quân Nga là do NATO liên tục đưa cơ sở hạ tầng quân sự tiến tới gần biên giới Nga. Không chỉ hậu thuẫn các cuộc chính biến lật đổ chính quyền ở các quốc gia từng thuộc Liên bang Xô Viết, gần đây, NATO đã thông qua quyết định thành lập các lực lượng phản ứng nhanh, tái triển khai 150 xe tăng M1 Abrams và các loại xe chiến đấu bộ binh (IFV) Bradley của Mỹ tại khu vực Đông Âu, gia tăng máy bay chiến đấu F-16, có khả năng mang theo bom hạt nhân chiến thuật B-61 trong Vùng Baltic. Theo các nguồn tin khác nhau, ít nhất khoảng 150-400 quả bom B-61 đang nằm ở căn cứ không quân của Mỹ tại Đức.
Tư lệnh Không quân Nga - Thượng tướng Vladimir Bondarev cho biết, NATO đang tích cực triển khai các máy bay cảnh báo sớm và chỉ huy trên không (AWACS) để thực hiện các chuyến bay giám sát không phận ở phía Tây Biển Đen, Ukraine và phía Tây nước Nga. Từ năm 2014, các chuyến bay trinh sát của Mỹ và các nước NATO trên lãnh thổ của các nước Baltic, Biển Baltic và Biển Barents tăng đáng kể, trung bình khoảng 8-12 chuyến bay/tuần. Tại khu vực Kaliningrad và vùng Biển Baltic liên tục xuất hiện các máy bay trinh sát của không quân Thụy Điển, Đức, Đan Mạch, Bồ Đào Nha. Các chiến đấu cơ này xuất phát từ căn cứ không quân Zokniai ở Litva. Việc NATO không ngừng tiến sát đến biên giới Nga được Mátxcơva nhận định là đi ngược lại những cam kết mà NATO đưa ra trong dự luật Nga - NATO, vốn quy định liên minh quân sự phương Tây này không được phép triển khai một số lượng binh lính đáng kể đến lãnh thổ của các nước thành viên NATO mới, nằm sát với Nga.
Như vậy, với "Học thuyết biển" mới, nước Nga đã không chỉ khởi động chiến lược mới nhằm thoát khỏi tình thế bị bao vây, cô lập để giành thế chủ động trên các vùng nước "sống còn"; mà còn hướng tới một sức mạnh có tính toàn cầu mà Nga từng sở hữu với một định hướng lâu dài.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.