(HNNN) - Thành phố New York (Mỹ) nổi tiếng thế giới với rất nhiều biệt danh: “Thành phố không bao giờ ngủ”, “Nơi của những giấc mơ vĩ đại”... Giống như nhiều thành phố đông dân khác, New York City cũng phải gánh chịu hậu quả nặng nề của đại dịch Covid-19 nhưng những tín hiệu tươi vui đầu năm mới cho thấy thành phố đã dần hồi sinh.
Đã từ lâu, lễ đón năm mới tại Quảng trường Thời đại (Times Square) đã trở thành một trong những sự kiện mừng năm mới lớn nhất thế giới. Trong khi nhiều thủ đô, thành phố lớn như Paris, Roma, Tokyo... hủy hoạt động lễ hội ngày cuối năm và đêm giao thừa do lo ngại dịch Covid-19, thành phố New York vẫn duy trì sự kiện “Đếm ngược” những thời khắc cuối của năm 2021. Trong đêm giao thừa vừa qua, khoảng 16.000 người đã đổ về Quảng trường Thời đại để chứng kiến thời khắc quả cầu nặng 6 tấn nạm gần 2.700 viên pha lê được thả xuống, chính thức đánh dấu thời khắc thành phố New York bước sang năm mới 2022. Sự kiện đón năm mới hoành tráng được tổ chức thành công như thường niên khiến người ta tin rằng thành phố đông dân nhất Hoa Kỳ này đang hồi sinh trở lại.
Trước khi có đại dịch Covid-19, New York luôn nằm trong danh sách 10 thành phố thu hút nhiều du khách nước ngoài nhất trên thế giới. Ngay cả những ai chưa từng đến đây vẫn hình dung ra được thành phố này trong tâm trí, bởi vì hình ảnh của New York với biệt danh “Thành phố không bao giờ ngủ” luôn xuất hiện trên các phương tiện truyền thông. Theo số liệu chính thức của Sở Du lịch New York, trước khi có đại dịch Covid-19, ngành du lịch đã tạo ra 400.000 việc làm. Năm 2019, New York City lập kỷ lục với tổng cộng 66,6 triệu khách ghé thăm, trong đó phần lớn là khách nội địa.
Điều khiến New York City trở nên hấp dẫn với du khách đó là hàng loạt cái “nhất”, nơi người ta thấy những giấc mơ trở thành hiện thực, thành phố có số tỷ phú nhiều nhất trên thế giới. Đó là những tòa nhà cao nhất, bảo tàng lớn nhất, hệ thống nhà hát sôi động nhất... Từ những vở nhạc kịch ngoạn mục tại hệ thống sân khấu Broadway, những khu phố sầm uất luôn rực rỡ ánh đèn, cho đến các triển lãm đẳng cấp thế giới ở Bảo tàng Nghệ thuật hiện đại (MoMA), các cửa tiệm tại SoHo và hàng loạt nhà hàng đưa ẩm thực khắp nơi về tụ họp, New York luôn mới mẻ để bạn khám phá trong mỗi lần ghé thăm. Song, hơn cả những địa chỉ mang tính biểu tượng ấy, New York còn hấp dẫn bởi sự phong phú về văn hóa đáng ngạc nhiên. Theo một thống kê, có tới 800 ngôn ngữ được sử dụng ở New York, khiến nó trở thành thành phố đa dạng về ngôn ngữ và văn hóa bậc nhất trên thế giới.
Tuy nhiên, với gần 9 triệu dân phân bổ trên 300,46 dặm vuông (778,2km2) - là địa phương có mật độ dân số cao nhất Hoa Kỳ, không có gì ngạc nhiên khi New York City luôn là “điểm nóng” nhất của đại dịch Covid-19 ở quốc gia này. Cách đây một năm, thành phố này gần như tê liệt khi chứng kiến trên 21.000 người tử vong vì COVID-19 chỉ trong 2 tháng. Mọi hoạt động vui chơi giải trí ở siêu đô thị này đã phải tạm đóng cửa. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lượng du khách đã giảm hơn hai phần ba - từ hơn 66 triệu du khách năm 2019 xuống còn 22 triệu người vào năm 2020.
Tháng 6-2021, một chiến dịch mang tên “New York City Reawakens” (New York thức tỉnh trở lại) đã được tung ra nhằm khôi phục ngành du lịch - một trong những ngành kinh tế quan trọng của thành phố. Kế hoạch này đã nhận được 30 triệu USD tiền tài trợ nhờ vào sự hợp tác giữa Tòa thị chính và Sở du lịch thành phố New York. Sự kiện thành phố này chịu đặt lên bàn một tấm “ngân phiếu” khổng lồ với “7 số không” là điều chưa từng thấy, vì từ trước tới nay New York không cần phải quảng cáo mà vẫn thu hút đông đảo du khách từ khắp nơi đổ về.
Sự hồi sinh của New York City là điều mà người dân địa phương và du khách khắp thế giới mong chờ. Theo lời ông thị trưởng Bill de Blasio, thành phố New York phát động chiến dịch “NYC Reawakens” trước hết là nhắm vào du khách Mỹ, rồi tiếp theo sau là du khách quốc tế. Theo kịch bản lạc quan nhất, thành phố New York hy vọng tìm lại khách du lịch quốc tế ở mức “bình thường” vào đầu năm 2024. Hộ chiếu vắc xin cho tới giờ này vẫn là biện pháp “khả thi” nhất trong mắt cơ quan chức năng ở đây. Nhờ vào chiến dịch tiêm chủng đại trà, thành phố New York đã nhanh chóng phục hồi được lòng tin của giới doanh nhân và du khách.
Mặc dù mới chỉ mở cửa các hoạt động ở mức hạn chế và vẫn chưa thôi bị đe dọa bởi Covid-19 nhưng chính quyền ở đây tin rằng với các quyết sách quyết liệt, thành phố New York - thủ đô văn hóa, tài chính và truyền thông của thế giới sẽ sớm hồi sinh và sắc xuân lại về ở “thành phố không bao giờ ngủ”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.