(HNM) - Buổi họp giao ban cán bộ chủ chốt sáng thứ hai (ngày 21-9-2015) tại một cơ quan, như báo cáo với văn phòng làm công tác "điểm danh" của người cán bộ đại diện cho đơn vị A thì người B vắng vì… tắc đường; tương tự, đơn vị C có anh D, chị E chưa thấy báo gì hết, chắc cũng… tắc đường; rồi các đơn vị G, H, K cũng báo cáo thiếu cán bộ dự họp vì lý do tương tự.
Từng ấy cán bộ tức những người "đầu tàu gương mẫu" - cứ cho là như vậy - vắng mặt tại một cuộc họp quan trọng đầu tuần thì chắc hẳn số người lao động không tới được trụ sở đúng giờ làm vì… tắc đường còn lớn hơn con số đó nhiều lần. Ấy là còn may, sáng 21-9-2015, trời tạnh ráo, chưa "tiếp tục có mưa to đến rất to" như dự báo của bên khí tượng thủy văn, nếu không chắc hẳn tắc đường còn nghiêm trọng hơn và hệ quả là rất ít cán bộ, người lao động có mặt tại cơ quan đúng giờ làm việc.
Xin không bàn tới vấn đề ý thức, kỷ luật lao động; không bàn tới việc ngụy biện lý do tắc đường cho những công việc cá nhân; cũng không bàn tới việc gương mẫu hoặc đặt lại câu hỏi tại sao những người chủ trì cuộc họp vẫn tới được trụ sở đúng giờ… mà từ sự việc trên nhìn nhận theo một góc độ khác, đó là mức độ thiệt hại kinh tế.
Chưa có một con số thống kê cụ thể, nhưng rõ ràng, tắc đường gây thiệt hại kinh tế hằng ngày cho xã hội là không nhỏ. Ngày trước, khi Hà Nội chưa mở rộng địa giới hành chính (trước thời điểm 1-8-2008), tức là thời điểm dân số và diện tích Thủ đô chưa lớn và rộng như bây giờ, có một đơn vị khảo sát chuyện tắc đường ở nút giao thông nổi tiếng mà người ta vẫn quen gọi chệch đi là… Ngã Tư Khổ (Tây Sơn - Nguyễn Trãi - Đường Láng - Trường Chinh) và đưa ra kết quả, 1 giờ tắc đường, Hà Nội thiệt hại kinh tế khoảng ngót 1 triệu USD. Một con số ấn tượng. Cũng chưa có tính toán, kiểm chứng để xem xét độ chính xác của con số này dù rằng không khó để thống kê, từ xăng dầu, thời gian, rồi thiệt hại kinh tế của từng khối cơ quan, đơn vị khi nhân lực không bảo đảm, dẫn tới kế hoạch, chỉ tiêu công việc hằng ngày bị ảnh hưởng…
Nhưng nói vậy để thấy rằng, thiệt hại kinh tế cho thành phố từ việc tắc đường là rất lớn. Và hẳn với thực tế hiện nay khi Hà Nội rộng và đông dân cư hơn trước thì mức độ thiệt hại cũng tăng theo tương ứng.
Về nguyên nhân tắc đường cũng có lẽ không cần phải bàn vì nhiều năm qua chúng ta đã tốn quá nhiều giấy mực, rồi tọa đàm, hội thảo khoa học… để phân tích, đánh giá.
Vấn đề cuối cùng là giải quyết chuyện tắc đường ra sao? Đặt ra câu hỏi đó, người ta nghĩ ngay trách nhiệm thuộc về cơ quan chủ quản là Sở GT-VT, rồi những người liên quan tới việc giữ gìn an ninh trật tự, tức lực lượng CSGT. Nhìn sâu rộng hơn thì có cả trách nhiệm của bên quy hoạch, xây dựng, bên kế hoạch đầu tư, tài chính… Tóm lại, là liên quan đến rất nhiều ngành phía sau vì đó mới là nguyên nhân sâu xa, còn các "ông" GT-VT hay CSGT chỉ đơn thuần là lực lượng "chữa cháy". Lấy ví dụ, hồi đường Trần Duy Hưng mới mở, hợp thành với đường Nguyễn Chí Thanh được bình chọn là "con đường đẹp nhất Việt Nam" có lẽ lý do đầu tiên là thông thoáng, không tắc. Nhưng tới khi Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính hình thành, rồi tiếp đó là Khu đô thị Nam Trung Yên xuất hiện, vậy là tắc đường. Chuyện ở đường Lê Văn Lương, Nguyễn Trãi, hay đường 32… cũng tương tự.
Còn rất nhiều ví dụ về chuyện này. Nhưng lạ là khi tắc đường, người ta ít nhắc tới trách nhiệm của những ngành thuộc… phía sau như đã nêu ở trên. Chỉ khổ những lực lượng lo… "chữa cháy". Và xã hội và từng người dân không chỉ bực mình, phiền lòng mà còn phải gánh chịu hậu quả không nhỏ về thiệt hại kinh tế do tắc đường gây ra. Nếu những con số đó biết "nói về mình" thì chắc nhiều "ông" phải giật mình, bởi như quy định của pháp luật thì mức độ đó không thể không truy cứu trách nhiệm hình sự.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.