(HNMCT) - Trong buổi ra mắt tập truyện ngắn mới đây nhất Chuyện của các nhân vật có thật trên đời (NXB Trẻ, 2019), nhà văn Võ Thị Xuân Hà tâm sự với bạn đọc, “viết văn là một cái nghiệp mà tôi phải tu. Nếu mọi người bình thường đi tu trên chùa hay tu tại gia, thì nhà văn chúng tôi tu trên từng trang giấy”.
Ngày mỗi ngày trôi qua trong “nghiệp tu” cần mẫn như thế, từng trang viết của chị cứ dày theo tháng năm. 20 tập truyện ngắn, 2 tập truyện dài, 2 cuốn tiểu thuyết, 2 tập bút ký ghi chép, 1 tập khảo cứu là những con số không hề nhỏ cho thấy sức làm việc “đáng nể” của chị.
Võ Thị Xuân Hà tập viết văn từ khi còn nhỏ, nhưng số phận lại đẩy đưa chị theo học ngành Sư phạm và trở thành cô giáo dạy toán. Gần chục năm gắn bó với bục giảng và những con số không đủ khỏa lấp được niềm đam mê văn chương, cô giáo Hà bèn bỏ đi học văn để không phải “viết bằng bản năng”.
Nhưng, lớp tại chức văn của Đại học Tổng hợp cũng không “giữ chân” được chị, chị “nhảy” sang học Khóa 4 Trường Viết văn Nguyễn Du, sau đó về công tác tại một số cơ quan báo chí, rồi cũng xoay xở kinh doanh. Chính những trải nghiệm của công việc làm báo và kinh doanh đã ít nhiều cho chị lưng vốn dày dặn để sáng tác.
Tiểu thuyết Tường thành, tác phẩm từng được nhận giải Khuyến khích của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2005, là câu chuyện về nghề báo, mà ở đó cô phóng viên Kỳ ít nhiều mang dáng dấp của chính nữ nhà văn ngoài đời: Là cô giáo dạy toán, rẽ ngang sang làm báo, mang một hoài bão lý tưởng về một “tường thành” có thể che chở cho số phận người yếu thế và xây dựng một xã hội đẹp tươi, con người ứng xử với hòa ái, thân thiện đầy yêu thương.
Võ Thị Xuân Hà luôn cho rằng, sống trên đời này phải có tình yêu, tình yêu là vĩnh cửu, nếu không có tình yêu cõi sống này vô nghĩa. Nhưng tình yêu trong cuộc đời, với chị, không còn chỉ là tình yêu nam nữ nữa, mà lớn hơn đó là niềm tin yêu, trong đó có yêu bản thân, như một nguồn năng lượng để sống.
Nghe Võ Thị Xuân Hà chia sẻ, người hâm mộ có thể nhận ra chị là người tín Phật (chị từng có tập sách khảo cứu Gia đình Phật tử Việt Nam). Trong tác phẩm của chị, các nhân vật nữ cũng rất mộ đạo, dù họ làm nhiều nghề khác nhau, xuất thân và vị trí xã hội cũng mỗi người mỗi vẻ.
Kể từ những tập truyện ra mắt vào thập niên 1990 như Vĩnh biệt giấc mơ ngọt ngào, Bầy hươu nhảy múa, Cổ tích cho tuổi học trò, Chiếc hộp gia bảo, Kẻ đối đầu… cho đến những tập truyện ngắn sau này Đàn sẻ ri bay ngang rừng, Chuyện người con gái hát rong, Ăn trái đào hái hoa hồng đào, Lối rẽ khiêm nhường, Tiếng gà gáy trong rừng hoa A-rui…, “phái yếu” thường đóng vai chính trong tác phẩm của chị.
Nhân vật nữ của Võ Thị Xuân Hà có khi là cô giáo, nhà báo, người nông dân, có khi là nữ sinh viên trẻ hay bà cụ già nơi thôn dã..., tuy là những người phụ nữ bé nhỏ, vô danh trước vũ trụ rộng lớn này, trong xã hội đông đúc này, nhưng ẩn sâu trong đó, mỗi con người là một câu chuyện, một cuộc đời mà ở đó ai cũng có những trắc trở, những éo le, cũng phải vượt qua giông bão đời mình.
Cuốn sách mới đây nhất của chị, Chuyện của các nhân vật có thật trên đời, dùng lối viết kể chuyện của nhân vật “tôi” nhưng lại không phải dạng tự truyện hay hồi ký. Võ Thị Xuân Hà kể câu chuyện của mình mà hình như lại không phải của mình, mà lại khiến mỗi người đọc như tìm thấy trên trang viết đâu đó có bản thân mình hay bóng dáng của những người thân xung quanh.
Lao động miệt mài trên cánh đồng văn xuôi, Võ Thị Xuân Hà còn làm thơ, nhưng là thơ cho riêng mình. Không biết rồi sau này, người hâm mộ nữ nhà văn có được đọc thơ chị hay không, nhưng chị đã “bật mí” rằng trong tập Chuyện của các nhân vật có thật trên đời, mỗi một truyện ngắn đều được đề từ bằng một vài câu rút ra từ thơ của chị. Thơ dường như là cách để chị lấy lại năng lượng mỗi khi cảm thấy mệt mỏi, ưu phiền; cũng là cách chị tạo cho độc giả sự mới lạ, bớt nhàm chán khi đọc quá nhiều văn xuôi.
Lại nhớ trong tập truyện ngắn Cành phong hương, Võ Thị Xuân Hà từng viết: “Khi trái tim bạn tràn đầy nước mắt, khi bước chân của bạn rỉ máu vì những mũi gai, hãy mỉm cười để cho mình thêm một chút dũng khí, để vững tin bước đi trên con đường đời phía trước. Và ít nhất thì mỉm cười để làm chỗ dựa cho người khác khi họ lâm vào hoàn cảnh như bạn, mỉm cười để không ai phải buồn khổ như ta nữa”.
Người đàn bà phải luôn mỉm cười, có lẽ không chỉ trong sáng tác, mà còn trong chính cuộc đời thực của nữ nhà văn Võ Thị Xuân Hà.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.