(HNM) - Tại buổi họp sơ kết 1 tháng thực hiện Quyết định 2088 của Thủ tướng Chính phủ về "Phòng ngừa, ngăn chặn vận chuyển và kinh doanh gà thải loại nhập lậu" và 2 tháng triển khai phương án ngăn chặn gà nhập lậu tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhận định: "Lượng gà thải loại nhập lậu đã giảm 90%, chợ Hà Vĩ, Hà Nội đã khống chế được 100% gà lậu". Vậy trước khi có Quyết định 2088 thì việc buôn bán gà thải loại ra sao?
Gà thải loại nhập lậu vào Việt Nam làm nóng dư luận trong cả năm 2012. Nóng bởi lẽ loại gà này người Trung Quốc không ăn, dân vùng biên không ăn vì trong thịt có lượng tồn dư kháng sinh rất cao; nghiêm trọng hơn, 58% trong số gà bị thu giữ dương tính với vi rút H5N1. Nóng bởi lẽ người tiêu dùng Hà Nội hoang mang không biết gà nào là thải loại, gà nào là gà nuôi trong nước khi tất cả đã được vặt lông. Nóng bởi lẽ nhiều hộ nuôi gà đành phải bỏ trang trại vì không thể cạnh tranh nổi với loại gà mà giá chỉ bằng 1/8 so với giá gà chăn nuôi trong nước. Và chuyện còn nóng hơn khi giữa năm 2012 người ta vận chuyển công khai.
Bản chất người buôn bán thiếu đạo đức nghề nghiệp, cứ có lời là lao vào và tìm mọi kẽ hở để hoạt động nhưng với các cơ quan chức năng của các địa phương giáp biên giới và các tỉnh là nơi trung chuyển thì sao? Trả lời phỏng vấn giới truyền thông, câu cửa miệng của hầu hết cán bộ quản lý thị trường ở các tỉnh này là "kẻ buôn lậu rất tinh vi, trong khi lực lượng chức năng thì mỏng" và "rất khó phân biệt đâu là gà thải loại, đâu là gà nuôi trong nước nên không thể giữ xe của họ được", rồi "trong lúc tạm giữ để lấy mẫu xét nghiệm thì việc nuôi nhốt tạm thời rất nan giải, việc tiêu hủy phát sinh vấn đề về địa điểm, chi phí, gây ô nhiễm...".
Ỷ vào những khó khăn có vẻ rất khách quan nên gà thải loại ngang nhiên thẳng tiến vào nội địa, đặc biệt là Hà Nội, thị trường lớn nhất miền Bắc để tiêu thụ. Đằng sau những câu trả lời của họ là sự vô trách nhiệm. Chả cứ kẻ buôn lậu gà mà hết thảy dân buôn lậu các mặt hàng khác đều tinh vi và nhiều thủ đoạn, vì thế mới có đơn vị quản lý thị trường. Về lý do không phân biệt được gà thải loại với gà thịt nuôi trong nước, hầu hết các chuyên gia chăn nuôi nói rằng: "Nếu gà đã vặt lông thì đúng là rất khó phân biệt nhưng với gà còn sống thì quan sát bằng mắt thường cũng dễ dàng biết đâu là con gà trên dưới 2 năm với con gà thịt nuôi trong nước mới 6 tháng tuổi". Cán bộ có "tâm" biết mối nguy cho sức khỏe cộng đồng thì việc tạm giữ hay tìm địa điểm chôn lấp là việc làm vô cùng cấp thiết, còn đưa ra lý do khó khăn để ngụy biện xem ra là không ổn. Việc các tỉnh ngăn chặn không có hiệu quả do ba nguyên nhân: Một là lãnh đạo tỉnh không quyết liệt trong chỉ đạo, hai là năng lực của cán bộ quản lý thị trường kém, ba là họ nhận hối lộ rồi cho xe ô tô đi qua!
Một câu hỏi đặt ra là nếu Chính phủ không vào cuộc và chỉ đạo quyết liệt thì có kết quả như ngày hôm nay không? Câu trả lời là không và gà thải loại vẫn nhập lậu vào Việt Nam. Làm cán bộ sao có thể thờ ơ, vô trách nhiệm khi gà thải loại gây nguy hại sức khỏe cho cộng đồng, làm cho người chăn nuôi khó khăn hơn và gây thiệt hại cho kinh tế nước nhà?
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.